Chủ động tấn công tội phạm hình sự và "tín dụng đen"

Thứ Tư, 08/01/2020, 13:13
Cách đây 3 năm, dự báo tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 231- đánh dấu lần đầu tiên trong công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm hình sự nói chung và hoạt động “tín dụng đen” nói riêng có một kế hoạch chi tiết, cụ thể từ khâu nắm tình hình, điều tra cơ bản đến tổ chức phân công, quản lý, đấu tranh.


Cùng với đó, Công an TP Hà Nội cũng đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ.

“Tín dụng đen” từng là vấn nạn của xã hội

Được  biết, trước năm 2016, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội, len lỏi từ nông thôn đến thành thị, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người dân, doanh nghiệp. Quá trình hoạt động, loại tội phạm, vi phạm này dẫn đến nhiều hậu quả gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng ANTT trên địa bàn. 

Thời điểm đó, lúc phức tạp nhất, trên địa bàn thành phố một năm xảy ra gần 500 vụ đổ chất bẩn, chất thải, hủy hoại tài sản…; trong đó trên 90% vụ việc bắt nguồn từ các mâu thuẫn có liên quan đến kinh doanh tài chính, các hoạt động vay nợ “tín dụng đen”, rải họ, cầm đồ... chậm trả hoặc không có khả năng chi trả, đã bỏ trốn dẫn đến việc các đối tượng có hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa. 

Các đối tượng bị bắt vì "tín dụng đen".

Trung tá Vũ Văn Tấn, Đội trưởng Đội Nghiên cứu chuyên đề Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết, “Tín dụng đen” - “Đòi nợ thuê” khi ấy là những cụm từ mà người dân lành nhắc đến với cả sự e dè, ám ảnh .

Đáng lo ngại là sự xuất hiện các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng (đặc biệt là “tín dụng đen”) công khai hoặc núp dưới các hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính, thậm chí hình thành các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động manh động, liều lĩnh, hoạt động lưu động, có quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, gây ra nhiều vụ án xuất phát từ hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. 

Thời điểm ấy, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương gần như “báo động” về tình trạng khủng bố tinh thần bằng các hình thức đổ chất bẩn chất thải, bom xăng, đặt vòng hoa tang... mục đích để đòi tiền, và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, gây bức xúc trong nhân dân.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. 

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên cũng tìm đến các cá nhân, cơ sở này. 

Ngoài ra, cũng có những người chỉ biết đến lợi nhuận mà sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao.

Quyết tâm xóa “tín dụng đen”

Với quyết tâm xoá “tín dụng đen”, trong 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 231, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội đã phát hiện hơn 1.000 vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó có 244 vụ phạm pháp hình sự với 589 đối tượng có liên quan và 760 vụ việc đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động vay, cho vay tài chính, cầm đồ.

Trong 244 vụ phạm pháp hình sự đã xử lý hình sự 166 vụ với 474 bị can, chiếm 68% tổng số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đặc biệt trong số này chủ yếu là các tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản. 

Quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch 231, các đơn vị đã phát hiện, triệt phá được 44 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, 114 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; xác lập nhiều chuyên án trinh sát đấu tranh triệt phá như ổ nhóm Hải “bay”, Phùng Văn Lợi, Hải “bát giới”, Quang “rambo”, Tiến “trắng”... không để các ổ nhóm, đối tượng hoạt động công khai, gây nhức nhối trong xã hội.

Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội đã đánh sập nhiều ổ nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó nhiều ổ nhóm “tín dụng đen”. 

Điển hình như vụ do đối tượng Triệu Đình Hoan cầm đầu đã thành lập doanh nghiệp tư nhân, đăng ký kinh doanh trên các lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, hoạt động tín dụng... song thực chất là núp bóng  để cho vay nặng lãi. Khách hàng của Hoan chủ yếu là các doanh nghiệp cần đáo nợ ngân hàng, hoặc khách hàng cá nhân, họ phải vay với lãi suất từ 2.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) cũng đã triệt xóa ổ nhóm “tín dụng đen” do Lę Xuân Minh (SN 1980, trú tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) cầm đầu. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, Cơ quan điều tra đã thu giữ 110 tờ giấy vay tiền và 5 quyển sổ ghi nợ của 229 bị hại, đã vay của nhóm đối tượng do Minh cầm đầu với tổng số tiền gần 16 tỷ đồng. Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã cho vay với lãi suất từ 5.000 - 10.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương với 182,5% - 365%/năm.

Công an huyện Thạch Thất đã triệt phá ổ nhóm “tín dụng đen” Nguyễn Kim Tiến (SN 1977, trú tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) cầm đầu. Ổ nhóm này hoạt động tinh vi, được tổ chức chặt chẽ, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ lần, gây mất ANTT trên địa bàn huyện. Ban chuyên án đã bắt giữ Tiến và 16 đối tượng liên quan. 

Bước đầu Tiến và đồng bọn khai nhận tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi "số đề" qua việc nhắn tin bằng ĐTDĐ, với giao dịch mỗi ngày hơn 900 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức cho vay nặng lãi, bốc "bát họ" với lãi suất từ 50 - 180%/ năm.

Cùng với việc đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen”, Công an TP Hà Nội đã siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các cơ sở vi phạm…

Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố qua điều tra cơ bản là rất lớn, trong đó, có nhiều đối tượng hình sự đứng sau để điều hành. Trong khi đó, nhiều trường hợp người bị hại không dám trình báo vì bị đe dọa, khống chế, dẫn đến khó khăn trong phát hiện, điều tra, bắt giữ đối tượng. 

Nhiều đối tượng “lách luật” để hoạt động “tín dụng đen” như cầm đồ - là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng lại treo biển kinh doanh - tư vấn tài chính, là những ngành chưa được quản lý như ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm đối phó với cơ quan chức năng. 

Chính vì vậy, cùng với việc đấu tranh trực diện với các ổ nhóm tội phạm, Phòng CSHS và Công an các quận, huyện đã nắm tình hình tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT như công tác quản lý nhân - hộ khẩu, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kinh doanh tài chính, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ... đặc biệt là số đối tượng có biểu hiện tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng từ các tỉnh biên giới về Hà Nội để ngăn chặn nguyên nhân phát sinh tội phạm này.

Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội đã mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu, phường. Triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.

Với sự ra quân đồng bộ, quyết liệt, tội phạm liên quan tới “tín dụng đen” ở Hà Nội đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây; các băng nhóm tội phạm này đã tạm dừng hoạt động, hoặc biến tướng với các chiêu trò khác, không còn cảnh tờ rơi cho vay được dán công khai, tạo sự bình yên và tin tưởng trong nhân dân.

Phương Thủy
.
.
.