Cảnh báo tội phạm lừa đảo qua mạng trong dịp Tết
- Nhóm lừa đảo người nước ngoài sử dụng công nghệ gọi về lừa người Trung Quốc
- Truy tìm nhóm người nước ngoài bẫy tình, lừa tiền
Thứ nhất, đối tượng giả danh cán bộ cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc Viện kiểm sát lập số điện thoại ảo có đầu số 069…trên mạng internet gọi đến hù dọa người dân rằng có liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền, rồi buộc phải nộp một số tiền nhất định vào tài khoản của chúng để kiểm tra.
Thứ hai, các đối tượng là người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam sử dụng facebook, zalo để làm quen, hứa gửi quà hoặc tiền rồi dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản. Mặc dù các chiêu trò này đã quá cũ và đặc biệt là cơ quan Công an các tỉnh, thành trên cả nước vẫn thường xuyên đăng thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nhiều người vẫn sập bẫy lừa.
“Sập bẫy” vì tham
Tại tỉnh Long An, theo Thượng tá Nguyễn Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra hàng chục đối tượng là người nước ngoài kết bạn qua facebook, zalo với người Việt Nam, rồi dàn dựng kịch bản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Long An nhận được tin báo của bị hại tên P, ngụ phường 6, TP. Tân An bị các đối tượng lừa đảo số tiền 854.500.000 đồng.
Theo bà P. trình bày, sáng sớm bà nhận được điện thoại của một người phụ nữ giới thiệu tên Loan báo tin, có kiện hàng rất nhiều tiền đô la do chồng bà gửi từ nước ngoài về. Tuy nhiên do bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất ách lại vì số tiền quá lớn nên ngoài việc bắt buộc phải có thêm thông tin của người nhận thì cần một khoản tiền “bôi trơn” mới lấy ra được.
Sau khi gửi hình ảnh “thùng tiền” có ghi họ tên, địa chỉ cùng số điện thoại của người nhận cho bà P, người phụ nữ tên Loan lập tức yêu cầu bà đóng tiền phí là 37.500.000 đồng và cho số tài khoản mở tại ngân hàng để bà P. chuyển tiền vào.
Nhóm đối tượng lừa đảo người Thái Lan bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an bắt giữ. |
Nghĩ rằng sau nhiều năm xa cách, có lẽ ông chồng ở nơi “thiên đường” chắc đã thấu hiểu về những năm tháng hy sinh của vợ nên mới gửi tiền về để bù đắp và bà P. đã đến ngân hàng chuyển tiền ngay. Sau lần chuyển tiền đầu tiên, bà P. nhận được điện thoại của Loan với lời hứa sẽ giúp làm các thủ tục còn lại, nhưng tiếp tục đưa ra nhiều lý do như: hàng vượt ký nên phải đóng phạt, số lượng hàng rất nhiều nên phải đóng tiền thêm và yêu cầu bà P. phải đóng thêm tiền để nhận được hàng.
Tin lời, bà P. đã nhiều lần chuyển tiền vào 4 số tài khoản do người phụ nữ tên Loan cung cấp với tổng số tiền 854.500.000 đồng. Chờ đợi thêm hàng chục ngày mà vẫn không nhận được kiện hàng chứa nhiều USD, bà P. đã gọi điện thoại định hỏi người phụ nữ tên Loan kia xem tình hình thế nào thì không liên lạc được vì đối tượng này đã tắt máy. Biết mình đã bị lừa nên bà P. đến cơ quan Công an để trình báo vụ việc.
Trước đó, khoảng 13 giờ 26 phút ngày 3-9-2019, tài khoản zalo của bà L. ngụ Phường 5, TP. Tân An được tài khoản Zalo có tên Edmonds Franklin Donald nhắn tin mời kết bạn và bà L. đã đồng ý vì nghĩ mạng xã hội là thứ sống ảo nên có thêm bạn bè mà lại là người nước ngoài cũng vui.
Đến khoảng 20 giờ 30 phút ngày 7-9-2019, tài khoản Zalo tên Edmonds Franklin Donald nhắn tin chúc mừng sinh nhật bà L. với lời lẽ hết sức mùi mẫn kèm theo yêu cầu bà cung cấp thông tin, địa chỉ để gửi quà có giá trị cao để thể hiện mong muốn làm bạn lâu dài và nếu có thể thì tình cảm cũng tiến thêm một bước.
Nghĩ mình chẳng mất gì mà lại được quà, bà L. không ngần ngại cung cấp thông tin. Đến khoảng 7 giờ 30 phút ngày 9-9-2019, một người nữ gọi vào số điện thoại của bà L. nói là bưu kiện là quà sinh nhật của bà L. đã đến sân bay Nội Bài, nhưng bà L. phải thanh toán các khoản phí để nhận món quà trên.
Bán tín, bán nghi bà L. lên mạng liên hệ với Edmonds thì được người này xác nhận trong kiện hàng có nhiều viên đá quý, đồng thời gửi những hình ảnh có liên quan cùng tờ vận đơn vận chuyển hành lý theo đường hàng không mà phần người nhận mang chính tên bà L. Chắc mình không bị lừa, bà L. đã đến ngân hàng chuyển 4 lần với tổng số tiền 1.178.000.000 đồng vào tài khoản của một đối tượng tên NGUYEN HUY LOC. Do liên tục chuyển tiền mà không nhận được món quà “sinh nhật”, đồng thời xem lại thông tin cảnh báo trên truyền hình, bà L. nghi mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo sự việc
Một trường hợp khác, bà H, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Long An đồng ý kết bạn với 1 tài khoản facebook Smith Hodges dùng ứng dụng messenger điện thoại bằng tiếng nước ngoài và nhắn tin bằng tiếng Việt.
Qua trao đổi thông tin, đối tượng sử dụng facebook Smith Hodges nói rằng đã gửi 1 hộp tiền với số lượng lớn về Việt Nam qua địa chỉ của bà H. nhờ bà giữ hộ, chờ vài tuần sau đó sẽ qua Việt Nam sẽ chia cho bà một nửa rồi cùng làm ăn buôn bán.
Ngoài ra, Smith còn bảo bà H. thanh toán giúp một số loại phí và khi gặp nhau, người này sẽ thanh toán lại cho bà. Sáng sớm ngày hôm sau, một đối tượng tên Thu xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh dùng nhiều số điện thoại gọi vào số điện thoại của bà H. yêu cầu nộp các loại phí.
Trong thời gian khoảng một tháng, bà H. đã thực hiện 8 lần chuyển với số tiền 747.040.000 đồng nhưng không nhận được hộp tiền, quà, gọi điện thoại cho nhân viên bưu điện kia cũng không được nên bà H. làm đơn trình báo Công an.
Nhóm người Đài Loan (Trung Quốc) giả bộ kết bạn trên mạng xã hội để lừa đảo. |
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Tại TP HCM, trong thời gian vừa qua cũng xảy ra không ít những vụ lừa đảo theo những hình thức này. Mặc dù cơ quan Cảnh sát điều tra đã nhiều lần cho đăng tải thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép tuyên truyền ở tất cả những buổi họp tổ dân phố về những phương thức, thủ đoạn của bọn lừa đảo, đồng thời yêu cầu bà con nếu phát hiện thì gọi điện thoại vào đường dây nóng hoặc trình báo với cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn còn nhiều người mất cảnh giác.
Trong tháng 12 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã nhận một số thông tin tố cáo lừa đảo trong đó có hai trường hợp khá đặc biệt đó là vụ việc xảy ra từ đầu năm nhưng đến gần cuối năm mới viết đơn tố cáo.
Theo đơn trình báo, buổi sáng một ngày giữa tháng 2-2019, vừa đi chợ về thì chuông điện thoại cố định réo vang. Vừa nhấc ống nghe, bà Trương Mỹ P, ngụ quận 11, TP HCM đã bị một người đàn ông ở đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ Công an, công tác tại Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, hiện đang điều tra một vụ mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, trong đó bà P. là người nghi có liên quan.
Sau một tràng những lời hù dọa, khi thấy bà P. tỏ vẻ hoảng loạn, giọng nói lắp bắp thì người đàn ông ở đầu dây bên kia sử dụng chiêu “mở hướng” bằng cách yêu cầu bà P. chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản của chúng để xác minh và cũng là yếu tố giảm nhẹ tình tiết vụ việc, nếu không có thể bị kết án từ tù chung thân đến tử hình.
Bà P. xin “cán bộ điều tra” cho ít thời gian để kiểm tra lại xem những người thân trong gia đình có ai lỡ dính líu đến “cái chết trắng” kia không thì lập tức bị người kia lớn giọng: “Làm gì có ai nhận mình buôn ma túy đâu. Tôi đã điều tra hàng trăm vụ rồi mà tất cả đều tìm cách chối bay, chối biến. Chỉ đến khi chúng tôi đưa ra bằng chứng thì họ mới nhận tội nhưng quá muộn… Thương tình bà là phận nữ nhi nên tôi mới mở lòng. Đề nghị bà hợp tác ngay chứ nếu để đến ngày mai, các sếp lớn biết chuyện thì tiền tấn cũng không chạy được đâu…”.
Quá hoảng sợ, bà P. đã lập tức chuyển 3,2 tỷ đồng vào 3 số tài khoản ngân hàng mang tên Đặng Đình Mạnh, Lỗ Phước Lĩnh và Nguyễn Quý Sang, sinh năm 1996, ngụ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định kèm theo lời nhắn: “Tôi chỉ lo được có nhiêu đây, mong các anh chiếu cố, mai mốt sẽ lo tiếp…”.
Biết mình bị lừa, nhưng do đã sử dụng số tiền tiết kiệm trong nhiều năm để chuyển cho các đối tượng lừa đảo nên bà P. cứ tìm cách nói dối quanh co để giấu chồng cùng các con, đồng thời lao vào chơi hụi hè với mong muốn sẽ kiếm được chút tiền bù đắp phần nào vào số vốn liếng đã mất.
Chỉ đến khi chồng bà yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm lấy tiền mua miếng đất để người con trai cất nhà, cưới vợ thì bà P. mới cắn răng nói ra sự thật và đến cơ quan Công an tố cáo với hy vọng tuy muộn nhưng là lời cảnh báo cho những người nhẹ dạ khác.
Cũng với thủ đoạn tương tự, vào ngày 26-8-2019, đang chuẩn bị đi chợ thì bà Hồ Mộng T, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM nhận cuộc gọi từ một người đàn ông nói giọng miền Bắc xưng là cán bộ Viện Kiểm sát đang điều tra vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy mà bà T. được nghi là một mắt xích trong đường dây.
Không để cho bà T. kịp có phản ứng gì, đối tượng lập tức bồi thêm: “Với số tang vật thu được là trên 20kg ma túy đá nên bà phải chuyển 3 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan điều tra để xác minh và nếu hợp tác sẽ có khả năng được giảm án từ chung thân xuống án treo…”.
Sau khi hù dọa, đối tượng đã hướng dẫn bà T. tải ứng dụng 113VN và nhập thông tin tài khoản, sau đó thực hiện thao tác hủy dịch vụ Smart OTP (thực chất là để chúng đánh cắp thông tin tài khoản).
Chưa biết thực hư thế nào, nhưng vì quá hoảng sợ, bà T. liền ra ngân hàng tất toán sổ tiết kiệm được 2,3 tỷ đồng vào các tài khoản số 7030104461001 do Danh Xị Na, sinh năm 2000, ngụ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đứng tên chủ và số tài khoản 19034384509013 mang tên Lê Hoàng Ngọc Thúy, sinh năm 1979, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM.
Để không bị dính bẫy lừa của bọn tội phạm, đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, hết sức bình tĩnh trước những cuộc điện thoại lạ có lời lẽ hù dọa. Nếu gặp trường hợp này, cần khéo léo xử lý thông tin, đồng thời gọi điện thoại vào đường dây nóng hoặc đến cơ quan Công an gần nhất trình báo để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.