Bắt siêu lừa giả danh Việt kiều
- Truy tìm đôi vợ chồng “siêu lừa”
- Bộ mặt thật của siêu lừa “chạy án”
- “Siêu lừa đảo” ra đầu thú sau hơn 3.200 ngày lẩn trốn
- Đã bắt được hai siêu lừa bán 58 kg vàng giả1
Qua công tác khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng Công an thu giữ nhiều giấy chứng minh nhân dân dán ảnh của Ngoan và Phong nhưng mang tên người khác, 8 thẻ ngân hàng ATM và nhiều loại giấy tờ khác có liên quan đến việc lừa đảo.
1. Sinh năm 1959 trong một gia đình làm nghề nông ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, nhưng do ỷ vào gia đình có nền tảng kinh tế thuộc loại khá giả, lại được nuông chiều từ nhỏ nên Phan Văn Ngoan không chịu làm việc mà suốt ngày lêu lổng ăn chơi không tiếc tiền. Cũng từ chuyện tiêu tiền như nước mà Ngoan được đám bạn cùng trang lứa đặt cho cái biệt danh "công tử miệt vườn". Sau này khi lập gia đình với một người phụ nữ cùng xã, được cha mẹ để lại cho nhiều ruộng đất, nhưng Ngoan đã đem ném vào những trò ăn nhậu, cờ bạc, đề đóm.
Nói mãi không được, chị vợ dắt hai đứa con đang ngấp nghé ngưỡng cửa đại học về nhà mẹ đẻ trú ngụ và tuyên bố chia tay người chồng cờ bạc. Tuy nhiên Ngoan không những không biết sợ mà còn tiếp tục lún sâu vào con đường đen tối và cũng chỉ ít thời gian sau hắn đã trở thành con nợ lớn của một số đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, phải gán nhà, thế nối mảnh ruộng cuối cùng mà vẫn phải treo nợ một số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đối tượng Phan Văn Ngoan. |
Không nghề nghiệp, không nhà cửa, Ngoan cầm chiếc xe gắn máy rồi tìm đến một chủ đề xin được làm nhánh phụ. Đến năm 2012 nhánh ghi đề của Ngoan bị Công an địa phương xóa sổ, nhưng chưa đủ yếu tố xử lý hình sự nên Ngoan chỉ bị phạt hành chính. Biết Ngoan đang trong cơn túng quẫn, chủ đề ấy đã nhận hắn vào làm thuê với yêu cầu hàng ngày ngồi tiếp nhận ghi phiếu cho khách tại quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Chưa được bao lâu, Ngoan lại ngứa ngáy chân tay và sẵn có tiền thu được giúp chủ, hàng ngày Ngoan lén ngắt lại một ít rồi mang đến chỗ chủ khác ghi đề. Thấy số tiền thu vào ngày càng ít mà lượng khách lại tăng vọt, chủ đề đã lén để ý và bắt quả tang Ngoan lấy trộm tiền. Tuy nhiên do ghi đề cũng phạm pháp nên tay chủ này không trình báo Công an mà kêu đám đàn em xử bằng luật giang hồ và đến khi không chịu nổi, Ngoan đã chấp nhận ký vào giấy nợ. Sau đó bị đám này đòi ráo riết nên Ngoan đã tìm cách lừa lấy một chiếc xe gắn máy của người bà con xa mang cầm lấy tiền trả bớt nợ, rồi cứ thế lún sâu vào con đường tội lỗi bằng cách lừa của người trước trả cho người sau.
2.Trở lại với vụ án, trong những ngày cuối tháng 4-2016, Đội 8, Phòng PC46 Công an TP Hồ Chí Minh liên tục nhận được đơn thư của hàng chục nạn nhân tố cáo có một đối tượng nam giới chuyên giả danh Việt kiều nói giọng lơ lớ giống người lâu ngày sống xa quê hương xưng là bà con của họ gọi điện thoại nói rằng đang có việc gấp cần mượn một số tiền cho bạn thân chữa bệnh nan y và sẽ chuyển vào tài khoản ngay trong một vài ngày sau đó.
Số nạn nhân này là những người có người thân sinh sống ở Mỹ, Canada, Australia… lâu ngày không về nên khi nghe điện thoại nói đúng họ tên thì đồng ý cho mượn và sau đó thì người thân này biến mất. Nhận định đây là thủ đoạn mới của bọn lừa đảo, lãnh đạo Phòng PC46 đã chỉ đạo cho các trinh sát Đội 8 lập tức xem xét thật kỹ nội dung những lá đơn tố cáo để xác định chính xác phương thức, thủ đoạn của bọn lừa đảo, đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành sàng lọc nhằm nhanh chóng tìm được đối tượng nghi vấn, từ đó xây dựng phương án triệt phá.
Tiến trình truy tìm tung tích đối tượng vừa được mở ra thì đã vội đóng sầm lại bởi trong suốt thời gian gần hai tháng trời, đối tượng lừa đảo không thực hiện bất cứ cuộc gọi nào để tìm cách lừa đảo. Đang trong lúc nóng như ngồi trên đống lửa thì vào giữa tháng 7-2016, các trinh sát lại nhận được đơn của một nạn nhân tên Ngọc Bích huyện Bình Chánh tố cáo một người đàn ông tự xưng là cháu họ của bà đang định cư tại Mỹ, có người bạn ở Việt Nam đang bị bệnh hiểm nghèo nhưng không kịp chuyển tiền về và xin bà cho mượn 200 triệu để giúp đỡ người này, đồng thời hứa sẽ chuyển trả vào tài khoản của bà trong vòng 2-3 ngày tới.
Đối tượng Trần Thị Tuyết Phong tại cơ quan điều tra. |
May mắn cho bà Ngọc Bích trong lúc đi đến ngân hàng định chuyển tiền vào tài khoản cho đứa cháu vừa gọi điện thoại thì đứa cháu thật gọi điện về thăm hỏi sức khỏe bà cô. Bán tín, bán nghi, bà Bích gặng hỏi thì đứa cháu đang nói chuyện trong điện thoại kể vanh vách về cha mẹ, bà con dòng họ và khẳng định không hỏi mượn tiền vì anh đã có việc làm với thu nhập ổn định.
Biết mình bị đối tượng lừa đảo tìm cách moi tiền, bà Bích đã nhờ người thân đưa đến cơ quan Công an tố cáo. Từ đầu mối này, các trinh sát Đội 8, Phòng PC46 đã phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ khác nhanh chóng xác định đối tượng không phải là Việt kiều mà chính là Phan Văn Ngoan, ngụ tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi và đến chiều tối ngày 21-7 Ngoan đã bị tóm gọn khi đang thực hiện cuộc gọi điện thoại tìm cách lừa tiền của một người phụ nữ ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Khai thác nhanh từ Ngoan, sáng ngày 22-7, các trinh sát Đội 8, đã tiến hành lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở đối với Trần Thị Tuyết Phong, SN 1980, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh. Bị bắt bất ngờ nhưng với sự lọc lõi của mình, Phong liên tục chối tội bằng việc cho rằng lực lượng Công an đã bắt người mà không chứng minh được hành vi phạm tội.
Ngoài ra Phong còn cho rằng việc bắt người không có tội sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc làm ăn của cô ta và nhất là sẽ khó sống với bà con lối xóm vì ít nhiều cũng sẽ bị dị nghị. Chỉ đến khi bản ghi lời khai của Ngoan được chìa ra trước mặt cùng với sự làm chứng của một nạn nhân thì Phong mới chịu khai nhận mình chính là kẻ sử dụng nhiều giấy chứng minh nhân dân giả đến Ngân hàng Sacombank đăng ký mở tài khoản ATM rồi bán lại cho Ngoan để hắn sử dụng vào mục đích lừa đảo.
Theo lời khai của Ngoan, do bị các chủ nợ đòi tiền ráo riết, lại thấy một số đối tượng người nước ngoài thực hiện trót lọt một số vụ giả danh Cảnh sát điều tra lừa trót lọt qua mạng nên cuối năm 2015, hắn đã tìm cách học theo. Tuy nhiên để tránh sự phát hiện của chính các nạn nhân và của cơ quan chức năng, Ngoan đã nghĩ ra cách giả làm Việt kiều gọi điện thoại về mượn tiền để sử dụng vào việc cứu người bị bệnh nan y.
Tang vật của vụ án. |
Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, lúc đầu Ngoan lân la đến những chốn đông người tìm hiểu một số gia đình có thân nhân là Việt kiều hiện đang sinh sống ở nước ngoài, sau đó lấy số nhà của những gia đình đó rồi gọi điện đến tổng đài 116 hoặc 1080 xin số điện thoại.
Sau khi có được số điện thoại liên lạc, Ngoan sử dụng sim rác gọi đến giả giọng nói lơ lớ của Việt kiều sống xa đất nước nhiều năm rồi xưng danh là A,B,C gì đó sao cho đúng với tên người thân của nạn nhân. Nếu bị nghi ngờ, Ngoan ngắt cuộc gọi ngay, còn trường hợp nào bắt chuyện cởi mở vì nhầm tưởng là người thân của mình thật thì Ngoan giả bộ hỏi mượn tiền cho một người bạn đang cần trị bệnh nan y gấp và hứa sẽ chuyển trả vào tài khoản trong vòng từ 2-3 ngày.
Khi con mồi chuyển tiền vào tài khoản đã định, Ngoan lập tức dùng thẻ ATM rút tiền rồi xóa luôn số tài khoản đó để nạn nhân không thể kiểm tra ngược lại được. Đến đầu năm 2016, sau khi học được cách xâm nhập trên mạng, Ngoan đã mò vào một số trang điện tử cá nhân của người khác hoặc thông qua Facebook để tìm hiểu xem những người này có thân nhân sinh sống ở nước ngoài hay không.
Khi phát hiện "con mồi", Ngoan giả làm người thân liên tục viết những bức thư điện tử hoặc những dòng trạng thái trên Facebook gửi đến chia sẻ, trò chuyện và đến khi "con mồi" bị mê hoặc thì hắn ra tay thực hiện hành vi lừa đảo.
Để có được những số tài khoản và có thể rút được tiền, Ngoan nhờ một người bạn giúp đỡ và người này đã giới thiệu hắn với Trần Thị Tuyết Phong. Cũng là dân từng có thời gian hành nghề lừa đảo nên chỉ nói chuyện qua lại năm câu ba điều, Phong đã nhận lời "hợp tác" với Ngoan bằng cách tìm gặp những đối tượng trộm cắp, cướp giật mua lại những giấy chứng minh nhân dân với giá từ 50-100 ngàn đồng/cái mang về thay ảnh của Phong vào rồi mang đến các ngân hàng mở tài khoản.
Sau khi lấy được thẻ ATM, Phong mang giao lại cho Ngoan và được hắn trả công từ 1-2 triệu đồng/ thẻ và nếu thực hiện chót lọt vụ lừa đảo nào thì còn thưởng thêm tiền cho Phong. Với các chiêu trò này, từ cuối năm 2015 đến khi bị bắt, Ngoan đã lừa được hàng chục người, chiếm đoạt số tiền trên 1,1 tỷ đồng.
Hiện cơ quan điều tra đang nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để sớm đưa Ngoan ra xét xử trước pháp luật.