Xiếc, cải lương cùng tôn vinh di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Ngay trong suất diễn tổng duyệt, vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, tác phẩm kết hợp nghệ thuật xiếc và cải lương để cùng “kể một câu chuyện đặc biệt về vị đệ nhất Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt – Mẫu Liễu Hạnh, đã tạo nhiều ngạc nhiên thú vị. Không những thế, cách làm này còn được kỳ vọng sẽ mở thêm cánh cửa mới cho nghệ thuật truyền thống trong phát triển công nghiệp văn hoá ở tương lai không xa.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng nhiều huyền tích dân gian về bà đã rất quen thuộc với người Việt Nam. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Làm thế nào để chuyển tải một câu chuyện đã rất cũ, rất quen với số đông trên sân khấu mà vẫn thu hút được người xem trong giai đoạn hiện tại là một thách thức lớn với ê kíp thực hiện vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”. Đó là chia sẻ chung của tác giả kịch bản Lê Thế Song, Xuân Hồng và 2 đạo diễn – NSND Tống Toàn Thắng, NSND Triệu Trung Kiên.
Mặt khác, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với văn hoá hầu đồng và hoạt động hầu đồng hiện nay đang có rất nhiều biến tướng. Để tìm được và chuyển tải đúng hầu đồng “gốc” lên sân khấu mà vẫn thuyết phục được người trong giới không dễ.
Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương cho biết, phải sau hơn 1 năm bàn bạc, thậm chí tranh cãi và dàn dựng, ê kíp mới thống nhất chọn 3 trong số rất nhiều huyền tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh và bước đầu hoàn thiện như hiện nay.
“Thượng Thiên Thánh Mẫu” kết hợp xiếc và cải lương trong một tác phẩm nghệ thuật với mong muốn đem lại cho khán giả sự cảm nhận đầy đủ hơn về hình tượng Thánh Mẫu và sự khởi tạo nên đạo Mẫu Việt Nam, với tinh thần tôn vinh những vị danh tướng, danh thần, nữ thần có công đức trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Vở diễn vừa có tính giải trí cao nhưng vẫn đầy đặn tính triết lý sâu sắc, tính trữ tình và tư duy bác học của sân khấu đương đại.
Người xem được thưởng thức những lớp diễn ngập tràn cảm xúc vừa mang tính hiện thực vừa mang tính huyền thoại. Không gian và thời gian đươc kéo đẩy bằng hình ảnh các bạn trẻ thời nay đi xuyên không vào quá khứ và hòa mình vào câu chuyện về cuộc tái sinh luân kiếp duyên nợ trần ai của Thánh Mẫu.
Trong vở diễn, khán giả có dịp tìm hiểu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh với những công đức to lớn của bà qua 3 lần giáng trần. Lần thứ nhất, Thánh Mẫu giáng trần với tên gọi Giáng Tiên, lưu lại nhân gian trong quãng thời gian ngắn ngủi, “về trời” khi còn trẻ, để lại mối tình dang dở nơi trần thế. Lần giáng trần thứ 2 của Thánh Mẫu ở Đèo Ngang. Bà bốc thuốc, trị bệnh giúp dân nghèo, răn dạy Thái tử đạo nghĩa làm Vua sáng, giúp dân giúp nước. Lần giáng trần thứ 3, bà diệt kẻ ác nhân tại Tây Hồ Phong Nguyệt, bảo vệ công lý, quyết chiến với Tiền Quân Thánh để bảo vệ chúng dân. Tác phẩm còn có một lớp diễn hấp dẫn, lý giải nguyên nhân vì sao Thánh Mẫu giáng trần nhiều lần giúp người dân khốn khó.
Về hành trình sáng tạo vở diễn, đạo diễn NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đùa vui rằng, có lẽ sau “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, nghệ sĩ cải lương có thể lấy hết việc của diễn viên ảo thuật trong Liên đoàn. Bởi lẽ, để phối hợp nhuần nhuyễn trong diễn xuất, nhiều kỹ thuật đặc biệt của xiếc, ảo thuật buộc phải “chuyển” cho nghệ sĩ biểu diễn cải lương. Màn biểu diễn Thánh Mẫu nâng người bệnh lên không trung để chữa trị là một điển hình…
Vì kinh phí đầu tư có hạn nên để có được những cảnh diễn huyền ảo, lộng lẫy, nhất là trong cảnh diễn thời Thánh Mẫu còn là công chúa Quỳnh Hoa – con của Ngọc Hoàng và các cảnh xuyên không của những người trẻ, cảnh Thánh Mẫu trở lại Thiên giới…, lãnh đạo hai nhà hát phải chấp nhận “bù lỗ”. Nói theo cách tếu táo của NSND Tống Toàn Thắng là “tự rút máu” của mình để thuê cho được màn hình led lớn. Thực tế, màn hình này đã hỗ trợ rất lớn cho các lớp diễn, cuốn hút khán giả, kể cả khán giả trẻ, hiện đại vào mạch truyện của tác phẩm.
Chia sẻ về vở diễn, NSND Vương Hà, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay, bà thực sự cảm phục ê kíp sáng tạo. Qua tác phẩm, nghệ sĩ của cả hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã tự khám phá được nội lực bản thân để tạo nên những bất ngờ đầy thú vị. Các nghệ sĩ cải lương cũng được tham gia vào các trò diễn của nghệ thuật xiếc và các nghệ sĩ xiếc cũng được tham gia vào các lớp thoại và diễn của kịch bản mà vẫn đầy tính chuyên nghiệp. Hai đạo diễn đã mạnh dạn đưa một số giá hầu đồng vào vở diễn và giới thiệu cho khán giả thẩm nhận được không gian và các nhân vật trong Tứ Phủ một cách mềm mại và sống động.
Dù vậy, như chính các nghệ sĩ trong ê kíp sáng tạo đã thừa nhận thì “Thượng Thiên Thánh Mẫu” vẫn chưa thực sự như ý muốn, do điều kiện tài chính và kỹ thuật còn hạn chế. NSND Tống Toàn Thắng không chỉ ước ao có thêm nhiều diễn viên hoàn hảo hơn nữa về mặt hình thể và diễn xuất mà còn ước mơ, trong thời gian tới, Việt Nam có một điểm diễn xuất đủ tầm để tổ chức các show diễn nghệ thuật truyền thống Việt đẳng cấp quốc tế.
Theo NSND Tống Toàn Thắng, ở các nước châu Âu và ngay tại châu Á, gần nhất là Thái Lan, Trung Quốc đã có những chương trình biểu diễn nghệ thuật vừa đậm sắc thái văn hoá truyền thống dân tộc vừa rất hút khách. Đây là con đường để nghệ thuật truyền thống tiến đến phát triển công nghiệp văn hoá, để trong tương lai không xa sẽ không còn quan niệm khán giả của cải lương là người già, khán giả của xiếc là con trẻ. Sự nhập cuộc tích cực của các Nghệ nhân ưu tú và nổi tiếng, gắn bó lâu năm với tín ngưỡng thờ Mẫu bằng việc tái hiện một số nghi lễ gốc trên sân khấu, những biến tướng của hầu đồng sẽ dần bị dẹp bỏ. Không chỉ người dân trong nước mà bạn bè quốc tế sẽ hiểu, yêu hơn di sản văn hoá phi vật thể độc đáo này của dân tộc.