Vẽ tranh "Truyện Kiều" bằng nghệ thuật pháp lam

Chủ Nhật, 26/06/2022, 09:56

Màu sắc của bộ Kiều pháp lam không bó hẹp trong khuôn khổ trang trí mà còn đạt đến sự phối màu hòa quyện của hội họa. Đặc biệt, bộ tranh này là tác phẩm độc bản duy nhất vẽ Kiều bằng pháp lam ở Việt Nam hiện nay.

Nằm trong khuôn khổ hoạt động Festival Huế 2022, từ nay cho đến hết ngày 30/6, tại cung An Định (TP Huế, Thừa Thiên-Huế), ThS Đỗ Hữu Triết cùng cộng sự giới thiệu đến du khách, công chúng bộ tranh 20 bức vẽ “Truyện Kiều” bằng nghệ thuật pháp lam. Đây là những bức tranh được thực hiện trong thời gian dài, dựa trên ý tưởng từ một nhóm những người yêu Huế, yêu văn hóa Huế.

Lần đầu tiên vẽ tranh Kiều bằng pháp lam  -0
Lần đầu tiên Truyện Kiều được đưa vào trong tranh pháp lam.

20 bức tranh được lấy từ nguyên gốc là tranh minh họa "Truyện Kiều" của họa sĩ Mạnh Hưng vẽ trong sách Truyện Thúy Kiều do nhà in Ngô Tử Hạ (Hà Nội) ấn hành năm 1925. Mỗi bức tranh có một câu thơ của "Truyện Kiều", được các họa sĩ pháp lam giữ nguyên đường nét và bố cục của tranh gốc nhưng sáng tạo thêm màu sắc bằng kỹ thuật pháp lam.

Lần đầu tiên vẽ tranh Kiều bằng pháp lam  -0
Lần đầu tiên vẽ tranh Kiều bằng pháp lam  -0
Công chúng hứng thú với những trích đoạn hay trong Truyện Kiều được thể hiện qua nghệ pháp lam.

Màu sắc của bộ Kiều pháp lam không bó hẹp trong khuôn khổ trang trí mà còn đạt đến sự phối màu hòa quyện của hội họa. Đặc biệt, bộ tranh này là tác phẩm độc bản duy nhất vẽ Kiều bằng pháp lam ở Việt Nam hiện nay. Chị Thùy An (một du khách đến từ TP Hà Nội) chia sẻ: “Triển lãm đã mang lại cho du khách những bức tranh vẽ Kiều mới lạ, độc đáo và thú vị”.

Được biết, vào thời Nguyễn, các nghệ nhân Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm pháp lam từ Trung Quốc, rồi biến hóa thành kỹ thuật pháp lam Huế. Nghệ thuật pháp lam Huế phát triển mạnh dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến thời vua Đồng Khánh thì sa sút dần rồi mất hẳn.

Mãi cho đến những năm đầu thập niên 2000, một số nhóm nghiên cứu đã nỗ lực khôi phục kỹ thuật chế tác pháp lam Huế nhằm phục vụ cho cuộc trùng tu di tích, và hồi sinh một ngành nghệ thuật độc đáo của Huế đã bị thất truyền.

Hải Lan
.
.
.