Tu bổ, tôn tạo di tích Phủ đường Ninh Hòa

Thứ Bảy, 06/11/2021, 10:54

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Khánh Hòa cho biết, HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tu bổ Di tích lịch sử Quốc gia Phủ đường Ninh Hòa để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng các thế hệ hôm nay và mai sau.

Dự án do Sở VH,TT&DL tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2022. Quá trình tu bổ không làm thay đổi kiến trúc, công năng sử dụng hiện hữu của công trình và hiện trạng khu đất…

Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc cổ có hơn 200 năm tuổi, được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) có quyết định công nhận Di tích lịch sử Quốc gia vào ngày 21/8/2000. Di tích này nằm trong khuôn viên trụ sở UBND thị xã Ninh Hòa (999 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, thời vua Gia Long đến vua Minh Mạng năm thứ 1 (1820), Phủ đường Ninh Hòa là công sở hành chính huyện Tân Định. Đến thời Minh Mạng năm thứ 12 (1831), công trình này được xây dựng lại với “Chu vi 40 trượng linh, rào bằng chông chà, ở xã Thịnh Mỹ”. Năm 1931, Phủ Ninh Hòa hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 tổng của huyện Quảng Phước vào huyện Tân Định, nên từ đó huyện đường Tân Định trở thành Phủ đường Ninh Hòa.

Tu bổ, tôn tạo di tích Phủ đường Ninh Hòa -0
Di tích lịch sử Quốc gia Phủ đường Ninh Hòa.

Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc cổ người Việt với kiểu dáng nhà truyền thống vùng đồng bằng Nam Trung bộ, có ba gian, hai chái, nhưng phần mái ngói âm dương và tường xây phía trước hiên có kiến trúc Cố đô Huế thời triều nhà Nguyễn. Vì thế tổng quan kiến trúc Phủ đường Ninh Hòa có nét hài hòa giữa tính nghệ thuật lẫn sự uy nghiêm của công đường. Đến nay công trình này là di tích cơ quan cai trị của triều đại phong kiến nhà Nguyễn duy nhất còn hiện hữu tương đối nguyên vẹn ở Khánh Hòa.

Di tích Phủ đường Ninh Hòa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cuộc biểu tình ngày 16/7/1930 của nhân dân Ninh Hòa chống thực dân pháp và bọn tay sai phong kiến. Đến sáng 17/8/1945, một cuộc biểu tình lớn diễn ra tại Phủ đường Ninh Hòa, cuộc Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chế độ phong kiến cuối cùng ở địa phương này sụp đổ, Ủy ban Cách mạng lâm thời phủ Ninh Hòa thành lập và làm việc tại Phủ đường.

Ngày 2/9/1945, đông đảo cán bộ, nhân dân đến Phủ đường nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua radio. Cũng tại nơi này, Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đã tổ chức phát động các phong trào yêu nước: “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, “Quỹ Độc lập”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo nuôi quân”… trong những ngày đầu đất nước độc lập. Phủ đường Ninh Hòa còn là nơi tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946. Tháng 1/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đặc phái viên của Hồ Chủ tịch đã đến làm việc và lưu lại tại Phủ đường Ninh Hòa trong những ngày kiểm tra tình hình chiến đấu của quân và dân Khánh Hòa...

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 2 thế kỷ với những tác động của chiến tranh và thiên tai, di tích Phủ đường Ninh Hòa đã xuống cấp, do đó HĐND tỉnh Khánh Hòa đã có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tu bổ di tích này. Trước đó, vào năm 2010, Sở VH,TT&DL tỉnh Khánh Hòa cũng đã tiến hành sưu tầm, phục chế, phục dựng nhiều hiện vật, hình ảnh trưng bày tại Phủ đường Ninh Hòa...

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, nhiều năm qua, Phủ đường Ninh Hòa là điểm đến của học sinh các trường học nội thị; đảng viên mới các lớp bồi dưỡng chính trị để tìm hiểu thực tế về truyền thống lịch sử cách mạng. Khi việc tu bổ di tích hoàn thành, thị xã Ninh Hòa sẽ triển khai thực hiện tuyến tham quan 3 di tích lịch sử quốc gia ở địa phương, gồm: Phủ đường Ninh Hòa - Lăng Bà Vú – Địa điểm lưu niệm tàu C235, để góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đến cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Phương Lan
.
.
.