Trưng bày – Trình diễn di sản nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu
Ngày 24/12, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp Sở VH&TT TP Đà Nẵng tổ chức chương trình Trưng bày - Trình diễn Di sản Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu.
Chương trình này nằm trong Dự án "Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng" thực hiện theo Kế hoạch của Bộ VH-TT&DL về "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025)...
Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) và huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đã vinh dự được lựa chọn là nơi thực hiện Dự án, gắn với hành trình du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tại chương trình, đã diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, văn hóa nghệ thuật như: Trưng bày hình ảnh về nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu do cộng đồng tự chụp và các sản phẩm, công cụ của nghề dệt; đồng thời trình diễn dệt tại chỗ và múa tung tung ya yá; Chiếu phim di sản kết nối 2 cộng đồng...
Người Cơ Tu là một tộc người còn bảo lưu được một cách tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có nghề dệt và trang phục.
Mỗi sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu có giá trị về nhiều mặt, nó vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, mỗi sản phẩm như những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Sản phẩm dệt của đồng bào Cơ Tu không chỉ là thước đo giá trị xã hội, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, thể hiện đời sống tinh thần phong phú.