Người lưu giữ nét văn hóa cổ xưa của đồng bào Cơ Tu

Thứ Tư, 28/10/2015, 08:09
Ở thị trấn sơn cước Prao (Đông Giang, Quảng Nam), dường như mọi người đều biết đến già A Tùng Vẽ. Bởi, ông là người nghệ sĩ của đồng bào dân tộc Cơ Tu duy nhất tham gia sáng lập nên Đoàn văn công Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) phục vụ cách mạng, hiện còn sống. Đồng thời, già cũng là người sưu tầm và giữ được những điệu nhảy và bài hát cổ xưa của dân tộc mình…

Chúng tôi tìm lên thị trấn Prao, hỏi nhà già làng A Tùng Vẽ, được người dân địa phương tận tình chỉ đường đến thôn Gừng. Họ đều tỏ ý quý mến và gọi ông với biệt danh “Già làng ham vui”! Hỏi ra mới biết, già Vẽ hiện là một trong những già làng có uy tín ở Prao. Dù tuổi đã 95 nhưng già lúc nào cũng vui vẻ, sống chân tình với mọi người xung quanh; luôn truyền dạy cho lớp con cháu về văn hóa, nhạc cụ dân tộc mình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, già Vẽ tươi cười nói rằng, ông sinh ra trong gia đình đông anh em, ngay từ nhỏ đã được ông nội, cha mẹ bày sử dụng các loại nhạc cụ của đồng bào Cơ Tu. Năm 20 tuổi, ông tham gia đội văn công hát múa phục vụ cách mạng, tuyên truyền văn hóa ở khắp nơi trên địa bàn miền núi Quảng Đà. Đến năm 1960, ông là một trong những người tham gia sáng lập Đoàn văn công Quảng Đà. Cấp trên giao nhiệm vụ cho ông là tổ chức hát, múa và biểu diễn ảo thuật, kịch trong những đêm văn nghệ phục vụ bộ đội và người dân địa phương…

Già làng A Tùng Vẽ biểu diễn điệu kèn Ahnen.

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời văn công của ông đó là trong một lần cùng bộ đội dò thám áp sát đồn giặc ở Phước Sơn. Phát hiện trong đồn đó có những người lính là đồng bào dân tộc thiểu số lầm đường theo giặc, ông đã cầm loa hát vang những bài hát cách mạng bằng tiếng Cơ Tu, khuyên nhủ họ bỏ súng, rời hàng ngũ giặc quay về với gia đình, bản làng. Và bất ngờ, sáng hôm sau, đã có 18 người lính bỏ trốn khỏi đồng giặc, mang vũ khí về làng và tham gia cách mạng. “Ngày ấy già đi nhiều nơi liên tục để hát, múa và biểu diễn ảo thuật phục vụ cách mạng, phục vụ bà con, chỉ cần mọi người vui thì mình không biết mệt mỏi. Đó là những tháng ngày được cống hiến để hướng đến ngày cách mạng thắng lợi”, già Vẽ nói trong niềm hào hứng.

Già Vẽ kể tiếp rằng, năm 1975, đất nước giải phóng, ông về công tác ở Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hiên (nay tách ra 2 huyện: Đông Giang và Tây Giang) được khoảng 5 năm thì về hưu. Mỗi khi địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thì già nhiệt tình tham gia, hướng dẫn. Già cũng cất công sưu tầm và chỉ dạy các bài hát, điệu nhảy lâu đời của đồng bào Cơ Tu cho lớp thanh, thiếu niên để góp công sức bảo tồn văn hóa cho đồng bào của mình. Già Vẽ bảo, những người bạn cùng trang lứa với ông đã mất, chỉ còn có mình ông còn sống, mỗi ngày ông còn cuốc bộ 5km đi làm nương rẫy được.

Hỏi, già có bí quyết gì để sống khỏe, sống lâu? Già Vẽ cười khà khà bảo rằng, đó là còn “ham vui” với hoạt động văn nghệ, được đàn, múa và hát cho mọi người nghe. Mỗi khi có chén rượu, già trở nên sôi nổi, phấn khích hơn; đem cây kèn Ahnen ra vừa thổi vừa nhảy làm bà con, tụi nhỏ trong xóm kéo nhau tới xem… Già cho biết, thời tham gia Đoàn văn công, chính cây kèn Ahnen ông luôn mang theo mình để biểu diễn nên những tiết mục hay phục vụ bà con, phục vụ cách mạng.

“Cây kèn Ahnen do ông nội của già sáng tạo ra rồi truyền lại cho cha, sau này cha bày lại nên chỉ có mình mới biết cách làm kèn. Ngày đó, mỗi khi tổ chức lễ hội tại nhà Gươi, bên chén rượu tà vạt, các chàng trai lại thổi kèn Ahnen để thể hiện lòng mình với người yêu thương. Đến bây giờ, chỉ còn ít những người cao tuổi biết thổi kèn này, lứa thanh niên không còn mặn mà lắm. Nhưng, mình sẽ cố gắng vận động, truyền dạy để chúng biết mà bảo tồn, gìn giữ văn hóa của cha ông mình!”, già Vẽ bộc bạch.

Văn Luận
.
.
.