Đại úy, nhà báo Lê Văn Chương với tập sách “Như cây Phong ba trên đảo Hoàng Sa”:

Viết từ trái tim người lính

Thứ Hai, 25/03/2013, 10:57
“Như cây Phong ba trên đảo Hoàng Sa” của tác giả Lê Văn Chương là tác phẩm thuộc Tủ sách Biển đảo của Nhà xuất bản Trẻ, được phát hành rộng rãi trên cả nước trong chương trình 32 ngày sách Trẻ (từ ngày 23/3 đến 23/4)...

Lê Văn Chương, 40 tuổi, tại Phổ Minh, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hiện là phóng viên Báo Biên Phòng, Văn phòng thường trú tại Quảng Ngãi. Anh cho biết đã từng có hơn 15 năm làm công tác trinh sát biên phòng. Chính những cuộc tiếp xúc, làm viêc với các ngư dân Quảng Ngãi hành nghề đi biển ở quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt giữ, những tập hồ sơ nghiệp vụ cứ ngày một dày thêm, sự đồng cảm của những người con không quản ngại khó khăn, quyết tâm bám biển, bám đảo nơi biên cương Tổ quốc đã thúc giục anh cầm bút.

Thật xúc động khi không ít cuộc tiếp xúc, người dân chỉ nhắn nhủ rằng: Hoàng Sa mãi là của đất nước Việt Nam, họ ra đó mưu sinh nhưng cũng là để cùng nhau giữ biển đảo đất nước. Họ rất mong có thêm sự ủng hộ của báo chí để không cảm thấy đơn lẻ ở Hoàng Sa... Việc chuyển tải tiếng nói của những ngư dân ấy trên mặt báo hay trên từng trang sách, với Lê Văn Chương, đó là mệnh lệnh từ trái tim của người lính biên phòng.

Anh còn nhớ như in, sau những đêm giông bão, mọi thứ hoang tàn, điều còn lại gần như chỉ là cát, sỏi. Nhưng cũng chính nơi đây tồn tại một loài cây có sức sống rất mãnh liệt, ngư dân thường gọi là cây Phong ba. Dù loài cây này có bị bão gió đánh tơi bời, có thể bật cả gốc, song nếu chỉ còn vương rễ trên mặt đất, Phong ba sẽ vẫn tồn tại, vẫn hồi sinh rất nhanh. Phong ba cũng như những ngư dân bám biển, dù chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, họ vẫn kiên cường bám biển, vẫn một lòng hướng về mảnh đất mà các bậc tiền nhân đã một thời đổ bao xương máu để giữ gìn.

Với tập sách “Như cây Phong ba trên đảo Hoàng Sa”, hình ảnh những ngư dân ấy đậm đặc nhiều trang viết. Đó là tấm lòng hào hiệp, yêu chuộng hòa bình của những con người đã bất chấp hiểm nguy để cứu người bị nạn bất kể đó là  người Việt Nam hay Trung Quốc trong phóng sự “Nhớ lần cứu ngư dân Trung Quốc gặp nạn”. Là tinh thần của những người con đất Việt hướng ra chủ quyền Tổ quốc trong phóng sự “Con tàu chở triệu tấm lòng”, là rất nhiều những câu chuyện xúc động về sự kết đoàn, tương trợ lẫn nhau của các ngư dân khi cùng hướng tàu ra Hoàng Sa mưu sinh...

Ngoài ra, tập sách còn có khá nhiều nội dung khác: các bài viết về truyền thống quê hương Quảng Ngãi, về Lễ khao thề lính Hoàng Sa năm xưa với các thư tịch cổ, văn tế lính...

“Như cây Phong ba trên đảo Hoàng Sa” là tác phẩm thuộc Tủ sách Biển đảo của Nhà xuất bản Trẻ, được phát hành rộng rãi trên cả nước trong chương trình 32 ngày sách Trẻ (từ ngày 23/3 đến 23/4)...

N.Nguyễn
.
.
.