Tiếp nhận kỷ vật quý giá của Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai

Chủ Nhật, 20/10/2024, 11:54

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), nhằm tôn vinh những chiến công thầm lặng của phụ nữ Việt Nam nói chung và những bông hoa chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định nói riêng, vào lúc 10h ngày 20/10, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tổ chức buổi Lễ tiếp nhận một kỷ vật quý giá, là khẩu súng K54, số hiệu 18366…

Đây là khẩu súng được Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Định (nguyên Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tặng cho bà Nguyễn Thị Mai (chiến sĩ Đơn vị Biệt động 90C) nhân dịp Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Miền năm 1968.

Tiếp nhận kỷ vật quý giá Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai -0
Ông Huỳnh Đức Dũng (bìa phải), con trai của nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai trao tặng kỷ vật của mẹ cho ông Trần Vũ Bình.
Tiếp nhận kỷ vật quý giá Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai  -0
Khẩu súng K54, số hiệu 18366… là kỷ vật  quý giá Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai.

Nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai sinh năm 1943, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Quảng Nam. Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà hoạt động cách mạng, thuộc đơn vị Đội Biệt động 90C.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đội Biệt động 90C được phân công đánh vào khám Chí Hòa nhằm giải phóng tù chính trị. Bà Nguyễn Thị Mai đóng vai trò là Tổ trưởng Tổ trinh sát và được mệnh danh là “con thoi sắt” khi có mặt ở mọi điểm nóng với nhiệm vụ chiến đấu, cứu thương, dẫn đường cho các cánh quân…

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai đã lập nhiều chiến công, được nhiều phần thưởng cao quý, được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến... Nhưng khẩu K54 là phần thưởng để lại trong bà nhiều cảm xúc nhất. Như bà Mai từng nói, phần thưởng ấy không phải cho riêng bà mà nó dành cho Biệt động Sài Gòn - Gia Định và Đơn vị 90C. Bà mất ngày 15/3/2024.

Tiếp nhận kỷ vật quý giá Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai  -1
Tiếp nhận kỷ vật quý giá Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai  -0
Một số giấy tờ liên quan tới việc sử dụng và lưu giữ khẩu súng kỷ vật.

Giờ đây, chiến sĩ Biệt động Nguyễn Thị Mai không còn nữa, nhưng buổi lễ tiếp nhận kỷ vật được tổ chức tại ngôi nhà của đồng chí ở địa chỉ 272 Bàu Cát, phường 11, quận Tân Bình, để hương hồn của đồng chí có thể chứng kiến giây phút này, như một lời hứa của Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định sẽ nỗ lực gìn giữ, bảo quản hiện vật thật tốt, để nhân dân gần xa và thế hệ trẻ có cơ hội được tiếp xúc với những hiện vật quý báu này.

Đó là trách nhiệm của không chỉ Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định mà còn của tất cả mọi người: Trách nhiệm với lịch sử, với những chứng nhân lịch sử, với hiện vật lịch sử!

Trực tiếp trao kỷ vật cho đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, ông Huỳnh Đức Dũng, con trai nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai, bộc bạch, sinh thời, mẹ ông vô cùng trân quý khẩu súng này và đã giữ gìn, bảo quản rất kỹ. Theo tâm nguyện của bà trước khi mất, bố con ông và gia đình đã quyết định trao lại cho bảo tàng trưng bày, lưu giữ để nhân dân đến tham quan, cũng như thế hệ sau có điều kiện tìm hiểu về lịch sử cũng như những chiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Thay mặt Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tiếp nhận hiện vật từ gia đình chiến sĩ Nguyễn Thị Mai, ông Trần Vũ Bình đã thể hiện sự trân trọng, biết ơn gia đình đã giữ gìn kỷ vật hơn 50 năm qua.

Tiếp nhận kỷ vật quý giá Nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai -0
Gia đình trao tặng bức tranh vẽ chân dung Thiếu tướng Nguyễn Thị Định cho lãnh đạo quận 4.

Trước đó, quận 4 cũng đã tiếp nhận tranh vẽ chân dung Thiếu tướng Nguyễn Thị Định từ gia đình của đồng chí. Trực tiếp trao tặng bức tranh chân dung đồng chí Nguyễn Thị Định cho quận 4, bà Lê Thị Ái Thu, là cháu của đồng chí Nguyễn Thị Định, mong muốn bức tranh sẽ trở thành tư liệu giáo dục truyền thống quý báu, cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam tới hội viên phụ nữ, người dân của quận nhà, để các thế hệ sau tiếp bước noi gương và kế tục những truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước...

Phú Lữ
.
.
.