Thực hiện “Mệnh lệnh từ trái tim” bằng niềm tự hào của nghệ sĩ - chiến sĩ Công an

Thứ Sáu, 11/10/2024, 07:37

Được tập trung đầu tư với sự tham gia của hơn 100 cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên của Nhà hát Ca múa nhạc CAND, chương trình nghệ thuật “Mệnh lệnh từ trái tim” tạo nhiều bất ngờ thú vị. Từ cách dàn dựng chương trình đến nội dung các tiết mục, phong cách biểu diễn, thiết kế cảnh trí sân khấu, ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng thời tạo dấu ấn khó quên của nghệ sĩ CAND trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá, NSƯT Trần Thị Út Lan (Út Lan) Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc CAND quanh dấu ấn này.

Phóng viên: Ngay từ đêm tổng duyệt chương trình “Mệnh lệnh từ trái tim” đã cho thấy sức hấp dẫn bởi sự mới lạ, trẻ trung, hiện đại, rất khác với nhiều chương trình khác của Nhà hát Ca múa nhạc CAND. Có vẻ như đây là cuộc “ra quân” lớn, cho thấy sức bật mới của nghệ sĩ biểu diễn ca, múa, nhạc chuyên nghiệp trong CAND, thưa Thượng tá, NSƯT Út Lan?

Thượng tá, NSƯT Út Lan: Đây là chương trình của Nhà hát dự Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2024. Liên hoan được tổ chức 3 năm 1 lần nên Nhà hát quyết tâm đầu tư để có một chương trình nghệ thuật chất lượng nhất, qua đó khẳng định được “màu cờ sắc áo” của lực lượng CAND trên một sân chơi lớn cho nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp của cả nước. Thực tế, nhiều năm qua, Bộ Công an đầu tư nhiều cho phát triển văn hoá, nghệ thuật trong CAND, trong đó có các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, có Nhà hát Ca múa nhạc CAND. Ngoài các hoạt động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các nghệ sĩ được cọ xát, giao lưu, biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn ở trong nước và quốc tế.

Với trách nhiệm là lãnh đạo của một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, chúng tôi ý thức rằng mình phải làm thế nào để phát huy và thể hiện tốt nhất được thành quả, nỗ lực của đơn vị nói riêng, nghệ thuật chuyên nghiệp trong CAND nói chung, khẳng định được sự phát triển của Nhà hát Ca múa nhạc CAND, đồng thời tạo điều kiện để nghệ sĩ có cơ hội để toả sáng hơn, được bạn bè, bạn nghề biết đến nhiều hơn qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Chúng tôi đầu cho chương trình “Mệnh lệnh từ trái tim” bằng tất cả tâm sức, cả tình yêu nghệ thuật và niềm tự hào của nghệ sĩ Công an.

Thực hiện “Mệnh lệnh từ trái tim” bằng niềm tự hào của nghệ sĩ - chiến sĩ Công an -0
Thượng tá, NSƯT Út Lan, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc CAND.

Khi cùng ê kíp bàn bạc xây dựng chương trình “Mệnh lệnh từ trái tim”, chúng tôi thống nhất xây dựng chương trình lớn, mới lạ, tích hợp công nghệ nghe nhìn hiện đại, “thoát” hẳn những gì quen thuộc trong các chương trình biểu diễn thường thấy của Công an. Chương trình không sử dụng hình thức sử thi nghệ thuật truyền thống mà được xây dựng với các tác phẩm tiêu biểu được biểu diễn trọn vẹn, kết nối bằng lời bình khái quát vai trò lịch sử và các lĩnh vực công tác chính của lực lượng CAND. Dàn dựng sân khấu không nặng nề, đề cao thẩm mỹ để thưởng thức cho khán giả nhưng vẫn đạt được độ hoành tráng và có những điểm lắng xúc động.

Tất nhiên, đây là chương trình của một đơn vị nghệ thuật thuộc lực lượng CAND nên phải mang màu sắc riêng có của công an. Trong đó, chương I chủ đề “Tượng đài” thể hiện lực lượng CAND anh hùng với những chiến công trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bảo vệ, xây dựng đất nước và thời kỳ đổi mới. Người chiến sĩ CAND “Bản lĩnh - Nhân văn - Vì nhân dân phục vụ", cống hiến và hy sinh, tận tụy với phương châm "lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an". Chương II “Sứ mệnh vẻ vang” ngợi ca lực lượng CAND trong thời kỳ đổi mới hướng tới tương lai. Các tác phẩm tập trung tái hiện lực lượng CAND tiếp thu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ, âm nhạc chuyển sang đương đại với những phong cách Swing Rock, Funky, Pop…

Phóng viên: Cụ thể, Nhà hát đã đầu tư như thế nào, thưa Giám đốc?

Thượng tá, NSƯT Út Lan: Chúng tôi đầu tư từ xây dựng kịch bản, thiết kế sân khấu cho các tiết mục biểu diễn và cố gắng làm sao trong chương trình nói được về nhiều lực lượng, cả an ninh và cảnh sát… Có đến 12 trong tổng số 13 tác phẩm biểu diễn trong chương trình là các sáng tác mới, mang hơi thở, xu hướng mới của thời đại, trẻ trung hơn. Đây là một trong những cố gắng của rất lớn của Nhà hát. Bởi lẽ, lâu nay, cứ nhắc tới âm nhạc về Công an là chúng ta hay nghĩ ngay tới hành khúc. Sân khấu trong các chương trình liên hoan, hội diễn cũng thường là bục bệ còn trong chương trình này là sân khấu 2 tầng, cố định, đủ để cho dàn nhạc 25 nhạc công biểu diễn, có hỗ trợ của công nghệ hiện đại với các visual art, hologram, 3d maping.

Tham gia biểu diễn có gần 80 nghệ sĩ, nếu kể cả lực lượng phục vụ là hơn 100 người. Chúng tôi chuẩn bị cho chương trình từ đầu tháng 8, sau 2 tháng luyện tập tích cực mới hoàn thiện để tổng duyệt. Vì Nhà hát còn phải biểu diễn trong các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị và lịch diễn rất dày nên chúng tôi phải chia nhau ra tập và đi biểu diễn. Có ngày chúng tôi tập 3 buổi, tách các nhóm ca, múa, nhạc tập riêng, buổi tối mới tập ghép. Tất cả đều nỗ lực hết mình để có chương trình nghệ thuật chất lượng tốt nhất, vừa khẳng định thương hiệu của nghệ thuật chuyên nghiệp CAND, vừa là cơ hội để nghệ sĩ toả sáng trên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp lớn.

Thực hiện “Mệnh lệnh từ trái tim” bằng niềm tự hào của nghệ sĩ - chiến sĩ Công an -0
Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc CAND trong chương trình “Mệnh lệnh từ trái tim”.

Phóng viên: Là lãnh đạo Nhà hát, kiêm Tổng đạo diễn chương trình, chị tính toán như thế nào để “khoe” được lực lượng của Nhà hát cả về ca, múa, nhạc và tạo cơ hội cho các nghệ sĩ được thể hiện tài năng trong chương trình này?

Thượng tá, NSƯT Út Lan: Ngay từ khi đặt hàng sáng tác mới, chúng tôi đã tính toán các tác phẩm cho từng lực lượng và nghệ sĩ thể hiện được trình độ kỹ thuật biểu diễn của mình. Ví dụ, về hát, Acapella “Tuần tra đêm” là một sáng tác hoàn toàn mới của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Các nghệ sĩ hát không có nhạc đệm, phải làm sao vừa thể hiện được bản lĩnh, kỹ thuật của từng người, vừa phải kết hợp thật nhuần nhuyễn, vừa hát vừa di chuyển mà vẫn giữ được nhịp, tạo được sự hấp dẫn cả về phần nghe lẫn phần nhìn. Đây là tiết mục mà ê kíp phải tập luyện rất nhiều thì mới có được một tiết mục hoàn thiện, đều và hay như hiện nay.

Với dàn nhạc có đến 2 tiết mục hoà nhạc, trong đó “Hòn Đá Bạc” - một sáng tác mới của NSND Ngọc Khôi là cuộc trình diễn của tứ tấu Bầu, Sáo, Trống dân tộc và dàn nhạc, nói về chiến công lớn và nổi tiếng của lực lượng CAND. Tác phẩm này kết hợp độc đáo giữa màu sắc âm nhạc dân tộc mang tinh thần cội nguồn, rõ nét văn hóa vùng miền trên nền nhạc nhẹ và nhạc giao hưởng mang hơi thở hiện đại của của dàn nhạc. Hoà tấu “Ra trận” - một sáng tác mới của nhạc sĩ Đức Tân là điểm nhấn của dàn nhạc, mang đến không khí trẻ trung, sôi động với nhiều “đối thoại” vui nhộn với phong cách rất mới của dàn nhạc Nhà hát Ca múa nhạc CAND.

Nghệ sĩ múa cũng có khá nhiều “đất diễn”. Ngoài tiết mục thơ múa rất công phu về anh hùng Võ Thị Sáu “Hàng Dương trắng”, chương trình có các tác phẩm múa cho nam, nữ. Trong đó, tác phẩm “Mặt trận không tiếng súng” là điểm nhấn, nói về lực lượng an ninh mạng. Có thể công chúng đã biết đến lực lượng này qua các kênh thông tin nhưng tác phẩm nghệ thuật về lực lượng này còn ít. Đây là lần đầu tiên Nhà hát Ca múa nhạc CAND đầu tư dàn dựng tác phẩm múa ca ngợi lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao… Hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng cho đêm biểu diễn chính thức. Hy vọng chương trình sẽ chinh phục được khán giả và Hội đồng giám khảo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn chị và chúc các nghệ sĩ Nhà hát gặt hái nhiều thành công nhất tại Liên hoan.

Hoa Nguyễn (thực hiện)
.
.
.