Tài liệu của dòng họ, cá nhân có nhiều đóng góp cho đất nước: Khối di sản quý

Thứ Sáu, 16/09/2022, 07:58

Tư liệu của các dòng họ, gia đình, cá nhân có đóng góp vào lịch sử Việt Nam là những di sản quý cần được gìn giữ, phát huy. Đó là khẳng định chung của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ và đại diện nhiều dòng họ, gia đình cá nhân nổi tiếng tại hội thảo “Ký ức của bạn - Lịch sử của chúng ta”.

Đây là sự kiện do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/9 tại Hà Nội nhằm tri ân những cống hiến và đóng góp của các cá nhân trong việc sưu tầm, hiến tặng các tài liệu lưu trữ quý, hiếm có giá trị cho Nhà nước, góp phần lưu trữ, gìn giữ, phát huy khối tài sản quý này của dân tộc.

1.jpg -0
Hội thảo “Ký ức của bạn – Lịch sử của chúng ta”.

Theo TS Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, nhiều năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị khối tư liệu quý của các dòng họ, gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Đến thời điểm hiện tại, đã có tài liệu của 160 cá nhân, dòng họ được sưu tầm, bảo quản tại trung tâm, trong đó có nhiều tài liệu của các nhà hoạt động chính trị, hoạt động chính trị - xã hội tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho đất nước. Trung tâm đã sưu tầm tài liệu của trên 80 cá nhân nhận được các giải thưởng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học công nghệ, trong đó có khoảng 50 cá nhân được Giải thưởng Nhà nước và 32 cá nhân được Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều cá nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật… Đặc biệt, trung tâm đang bảo quản các file ảnh tài liệu về lịch sử văn hóa Việt Nam từ những năm 1935 đến năm 2010 (có tài liệu tiếng Pháp), các xuất bản phẩm nổi tiếng như “An Nam trí lược”, “Đại Việt thông sử”… Đây là tài liệu của ông Nguyễn Hồng Trân (Thừa Thiên - Huế) đã sưu tầm được trong quá trình giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Huế từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế.

Một số tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đức và quan hệ Việt Nam - Đức do ông Trần Ngọc Quyên - nguyên Tham tán công sứ tại Cộng hòa Liên bang Đức sưu tầm được trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại nước này. Trung tâm còn bảo quản tài liệu của dòng học Đỗ (Đậu) - dòng họ có từ rất lâu, chiếm khoảng 10% dân số cả nước (tài liệu từ năm 1995-2013); tập tài liệu có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình cụ Phan Kế Toại - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ gửi tặng…

Các tài liệu rất phong phú, bao gồm cả tài liệu giấy, tài liệu nghe nhìn, tài liệu điện tử. Trong đó, nhóm tài liệu về nghiên cứu, sáng tác, trao đổi của cá nhân liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu chiếm khối lượng nhiều nhất. Nội dung tài liệu rất đa dạng, phản ánh hoạt động nghiên cứu, sáng tác của các cá nhân tiêu biểu thuộc các lĩnh vực khoa học, văn hóa nghệ thuật có giá trị phục vụ nghiên cứu lịch sử và các nhu cầu khác nhau của đời sống xã hội. Đặc biệt, trung tâm đang quản lý và phát huy giá trị các tài liệu phác họa mẫu Quốc huy Việt Nam - biểu tượng độc lập, chủ quyền và bản sắc dân tộc - của cố họa sỹ Bùi Trang Chước; bản thảo bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao; sưu tập tài liệu của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản với hơn 2.000 tấm phim - ảnh được hình thành từ năm 1938 đến năm 1974, ghi lại những hình ảnh về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, cũng như một số hình ảnh chân thực về tội ác của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam…

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, ký ức sinh động và chân thực của một cá nhân, những câu chuyện xúc động của một gia đình hay những hành trình của một dòng họ sẽ làm nên ký ức của xã hội, cộng đồng. Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà, con gái Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu cho biết, cuộc đời của Đại sứ Hà Văn Lâu đều gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ông đã lưu giữ lại một khối tài liệu và ảnh khổng lồ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Khi đại sứ Hà Văn Lâu mất, gia đình hiểu rằng khối tài liệu và ảnh này là những tư liệu vô cùng quý báu. Vì vậy, gia đình đã bàn giao lại cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III bảo quản và lưu trữ. Các tài liệu này cũng như các sự kiện lịch sử cần phải được tôn trọng, qua đó góp phần phục vụ nghiên cứu cũng như chia sẻ kinh nghiệm quý báu phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, con trai nguyên Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực cũng cho biết, gia đình đã trao tặng bản viết tay 500 trang cuốn hồi ký “Bước qua đầu thù” của cha ông. Bản thảo đã được gia đình cất giữ, bảo quản nhiều năm cùng một số tài liệu khác. Đây là những tư liệu quý báu, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng một người cộng sản kiên trung nhưng cũng là người cha, người ông mẫu mực trong gia đình. Những tài liệu này, đặc biệt là tập hồi ký “Bước qua đầu thù” sẽ giúp các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về một thời kỳ lịch sử oanh liệt của Đảng, dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Chia sẻ về quan điểm về trách nhiệm trong việc gìn giữ, trao truyền những ký ức, lịch sử cho các thế hệ và vai trò của tài liệu, tư liệu trong việc phản ánh xã hội đương thời, bà Stella Ciorra, Phó Chủ tịch Hội Những người bạn Di sản Việt Nam cho rằng, việc thiết lập và duy trì mối quan hệ với gia đình của cá nhân những người có đóng góp vào sự phát triển và lịch sử của Việt Nam muốn gìn giữ những câu chuyện kể cho thế hệ sau là một phần quan trọng trong công tác lưu trữ. Trung tâm Lưu trữ quốc gia cần tiếp cận, thu thập những câu chuyện và tài liệu nhằm đảm bảo tất cả không chỉ nằm lại trong quá khứ mà tiếp tục sống mãi với thời gian. 

N.Nguyễn
.
.
.