Rộn ràng nơi ăn Tết Độc lập đặc biệt

Thứ Sáu, 02/09/2022, 09:46

Hàng năm, vào cuối tháng 8 dương lịch, cái nắng hanh hao của mùa thu đến, mùa vụ đã nông nhàn cũng là lúc người dân ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình (quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chuẩn bị đón Tết Độc lập. Nhiều người khẳng định rằng: Tết Độc lập ở Lệ Thuỷ là nơi bà con ăn Tết lớn nhất cả nước, người Lệ Thuỷ ở xa có thể không về quê, song đến Tết Độc lập thì “Dù ai đi đâu về đâu/Mồng 2/9 cũng mong về nhà/Về xem lễ hội quê ta/Dưới sông bơi chải nhà nhà cờ bay…”.

Độc đáo các lễ hội  truyền thống Hàng năm, trước Tết Độc lập ngày 2/9, cả vùng đất Lệ Thuỷ như náo nhiệt, nhiều làng quê người dân thức ngày, thức đêm để chuẩn bị cho các lễ hội truyền thống. Nhà văn hoá thôn, xóm, nhiều trục đường đèn thắp sáng đêm để trai tráng trong làng tập đua bơi, đánh vòng loại bóng chuyền, bóng đá, văn nghệ…

Những lễ hội độc đáo, những nghi thức văn hóa tâm linh, báo công, báo hiếu với gia tộc tổ tiên, giáo dục truyền thống cách mạng được người dân tổ chức vào dịp này. Trước Tết Độc lập ít ngày  người dân Lệ Thuỷ ở khắp mọi miền Tổ quốc hầu hết đều thu xếp công việc để kịp bắt xe, bắt tàu, về quê đón Tết. Về quê dịp Tết Độc lập như một tín ngưỡng tâm linh của người Lệ Thuỷ.

Rộn ràng nơi ăn Tết Độc lập đặc biệt -0

Trong rất nhiều lễ hội ở miền Trung, có thể khẳng định lễ hội đua thuyền Lệ Thuỷ là có quy mô và đông nhất người tham dự. Lễ hội đua thuyền nơi đây đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, xứng đáng để các cơ quan chuyên môn liên quan và địa phương làm hồ sơ để được công nhận Di sản văn hoá thế giới. Từ thế kỷ thứ XV, khi miêu tả về quê hương mình, về dòng Bình Giang tức sông Kiến Giang và nói về lễ hội đua thuyền, tiến sĩ đời nhà Mạc là Dương Văn An đã ca ngợi về lễ hội đua thuyền trong “Ô châu cận lục”, ông viết “Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch”. Nhưng lễ hội được tổ chức lớn nhất, quy mô nhất từ trước phải kể đến dịp ngày 2/9/1946, khi Lệ Thủy tổ chức mừng Tết Độc lập, cách mạng thành công. Từ đó đến nay, vào dịp 2/9 lễ hội đua lại được tổ chức trong toàn huyện. Để tổ chức hội đua thuyền, các đội đua phải chia thành từng cụm đua trước đó để chọn khoảng 10-12 thuyền đua vào chung kết đúng sáng 2/9.

Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thuỷ ngày một quy mô, đông vui, náo nhiệt hơn. Có năm số lượng thuyền đua lên tới 22 chiếc của nam, 12 chiếc của nữ. Cũng có năm do thuyền đua quá đông nên khi buông phao, một nửa xuất phát lên thượng tiêu, một nửa xuất phát về hạ tiêu. Ngày xưa, vài ba xã mới có một vài thuyền đua tham gia. Hiện nay, mỗi làng, xã có một thuyền đua nam gọi là đội “Thuyền bơi” và một đội nữ bằng chèo tay gọi là “Đò đua”. “Thuyền đua” và “Đò đua” nói lên sự tranh tài bình đẳng giữa nam và nữ trong môn thể thao truyền thống. Để đóng thuyền bơi, người dân trong làng chọn những cụ già có kinh nghiệm, uy tín tìm thầy, chọn gỗ đóng thuyền, đặc biệt là chọn người bỏ mực (tiêu chuẩn kỹ thuật đóng thuyền) để khi thuyền đóng xong đảm bảo kích thước, độ dày mỏng của ván thuyền, khả năng lướt nước... Để kiểm tra tốc độ thuyền người ta đứng trên bờ để xem thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4”. Có nghĩa là, mỗi nhịp bơi, mái chầm xuống nước của trai bơi ngồi cặp trước đẩy ra sau cũng là điểm của mái chầm người thứ 3 hoặc người thứ 4 đưa xuống nước. Tốc độ của thuyền đi “ốp 4” chắc chắn sẽ nhanh hơn thuyền đi “ốp 3”.

Nhưng thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4” không phải do trai bơi quyết định mà do kỹ thuật của thợ đóng thuyền. Đóng được thuyền đi “ốp 4” phải là những thợ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm. Được biết, mỗi thuyền đua có tổng cộng khoảng 30 người gồm 13 cặp thanh niên trai tráng, ngoài ra còn có người đánh mõ, người tát nước, lái chính 2 người và lái đề 1 người (gọi là bộ phách lái).

Thành tích của mỗi thuyền không chỉ tùy thuộc vào sức khỏe của các trai chèo mà còn tùy thuộc vào bộ phách lái để điều khiển thuyền. Những năm gần đây, đời sống ngày một hiện đại nên việc đóng thuyền đua và một số kỹ thuật đua thuyền cũng có sự thay đổi. Khi tiếng hiệu lệnh đua nổi lên, hàng chục con thuyền tranh tài trên sông Kiến Giang, còn hai bên bờ sông hàng chục ngàn người dân hò reo cổ vũ cho các đội đua của làng mình.

Rộn ràng nơi ăn Tết Độc lập đặc biệt -0
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình.

“Dưới sông bơi chải nhà nhà cờ bay”

Sông Kiến Giang, nơi có lễ hội đua thuyền độc đạo nhất cả nước chảy uốn lượn sau lưng nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi con sông này đã gắn biết bao kỷ niệm êm đềm tuổi thơ của Đại tướng. Người làng kể, khi còn sống, trừ những lúc bận bịu công việc còn nếu thu xếp được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều về thăm quê  dịp Tết Độc lập. Đại tướng thường ra sông Kiến Giang cùng với người làng xem, cổ vũ lễ hội đua thuyền của quê hương. Có năm, Đại tướng lên thuyền đi dọc bờ sông động viên các đội bơi và căn dặn bà con quê hương gìn giữ truyền thống cách mạng, giữ gìn ngày hội lễ Tết Độc lập hàng năm.

Trước Tết Độc lập cả tháng trời, ai đến Lệ Thuỷ, Quảng Bình đều bất ngờ trước sự chuẩn bị đón Tết của bà con nơi đây. Con em địa phương đi làm ăn xa thường gom góp tiền gửi về quê để người làng đóng thuyền, hay để phục vụ trai bơi tập chèo. Người làng thì có gì góp nấy, người góp tiền, người góp gạo, con heo, con gà, buồng chuối, cân cam… để chung sức lo việc làng. Sát ngày Tết Độc lập, đường làng được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, nhà nhà trang hoàng lại nhà cửa ngăn nắp. Trước mỗi nhà, mỗi cổng làng đều treo cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.

Chúng tôi có cảm giác, ai là người Lệ Thuỷ trong dịp này họ cũng đều muốn làm một việc gì đó gắn với Tết Độc lập của quê hương.

Sáng 2/9, khi trời còn chưa sáng, nghe tiếng gà gáy thì các làng, các xã ở Lệ Thuỷ đều đỏ đèn. Mọi người tất bật, háo hức khi lễ Tết Độc lập chính thức bắt đầu. Nhiều nhà sửa soạn đồ xôi, làm gà, mua sắm hoa quả sạch sẽ, tinh tươm đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà nhắc nhớ về nguồn cội và công ơn to lớn của Bác Hồ, các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh để đất nước có ngày Tết Độc lập. Sau bữa ăn  sáng ấm cúng, người làng Lệ  Thuỷ đều đổ về hai bên bờ sông Kiến Giang để xem, reo hò, cổ vũ lễ hội đua thuyền của quê hương. Thuyền làng nào về nhất, nhì, ba thì làng đó có khi ăn Tết Độc lập kéo dài thêm tuần lễ. Bên cạnh tổ chức các lễ hội truyền thống, một trong những hoạt động rất có ý nghĩ được chính quyền và nhân dân ở huyện Lê Thủy, Quảng Bình tổ chức vào dịp Tết Độc lập là công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Tất cả gia đình chính sách đều được chính quyền và người dân quan tâm, giúp đỡ để có cái Tết đủ đầy, ấm áp, trọn hiếu, vẹn tình.

Dương Sông Lam
.
.
.