Phải đầu tư đúng mức các nguồn lực cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Thứ Sáu, 26/05/2023, 13:46

Muốn lý luận, phê bình văn học nghệ thuật phát triển phải đầu tư đúng mức các nguồn lực, nhất là chế độ, chính sách lương, phụ cấp, nhuận bút, thù lao… cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, trong đó có chế độ ưu đãi cho đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà.

Đó là phát biểu kết luận của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tại Tọa đàm khoa học “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức sáng 26/5, tại Hà Nội.

Phải đầu tư đúng mức các nguồn lực cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật -0
Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ ra, hiện nay trên báo chí có 2 cách phê bình trong âm nhạc. Một là chỉ đơn thuần như thông báo một sự kiện, điểm qua tên một vài ca sĩ, một vài tiết mục, rồi khen chê qua loa, thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên sâu; hai là nặng về học thuật, khô khan, khó hiểu đối với công chúng, xem nhẹ yếu tố không chuyên, đưa những chuẩn mực cao để đo đếm các hiện tượng âm nhạc xã hội. Chính vì thế, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, phê bình phải công tâm, khách quan, phải sống trong đời sống báo chí, đôi khi phải mang tính dự báo, chỉ ra khuynh hướng phát triển trong một tương lai gần.

Phải đầu tư đúng mức các nguồn lực cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật -0
TS Ngô Phương Lan phát biểu tại tọa đàm.

Để lý luận, phê bình điện ảnh phát triển, TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ những người làm lý luận và phê bình điện ảnh phải bắt đầu từ khâu đào tạo. Củng cố ngành đào tạo cơ bản nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh tại các trường đại học, đồng thời phát triển việc đào tạo nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh/ điện ảnh học tại các trường đại học khoa học xã hội và nhân văn và các trường đại học khác.

Muốn phê bình văn học nghệ thuật ở địa phương phát triển, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk cho rằng, cần có thêm sự tương tác, giới thiệu các lĩnh vực nghệ thuật rộng rãi đến công chúng và các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình trong và ngoài khu vực. Đặc biệt phải có thêm nhiều chương trình, hoạt động để kết nối văn học nghệ thuật, các tác giả tại địa phương với đơn vị; phát hiện, giới thiệu các nhân tố mới, có bản lĩnh trong hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình cho các hội địa phương.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, hiện nay việc tuyển sinh ngành văn hóa, nghệ thuật, trong đó lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật rất khó khăn. Để thu hút nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xuất đề án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, để đẩy mạnh nguồn nhân lực phê bình văn học, nghệ thuật cần được sự quan tâm, đồng hành của các hội văn học nghệ thuật, các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Phải đầu tư đúng mức các nguồn lực cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật -0
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại tọa đàm.

Ghi nhận, đánh giá cao những tham luận và các ý kiến tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, tại tọa đàm các ý kiến đã thống nhất cho rằng việc định hướng, đề ra giải pháp và nội dung cần thiết để xây dựng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và nhân văn là vô cùng quan trọng.

Để hiện thực hóa các định hướng cho sự phát triển của lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cần thực hiện một số giải pháp cơ bản, như: Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là ở các loại hình, các địa phương, các khu vực còn thiếu về lực lượng, yếu về chất lượng; tạo các sân chơi, cuộc thi, giải thưởng để khuyến khích đội ngũ lý luận, phê bình sáng tạo; tăng cường việc liên kết giữa đội ngũ lý luận, phê bình với các tổ chức văn hóa, nghệ thuật; tạo diễn đàn phê bình tranh luận dân chủ, nhân văn; hỗ trợ cho đội ngũ lý luận, phê bình tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu, các lý thuyết mới, phù hợp trên thế giới, tham gia vào các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật quốc tế…

Ngô Khiêm
.
.
.