Nới lỏng chính sách y tế, thị thực để thu hút khách du lịch quốc tế

Thứ Bảy, 12/03/2022, 08:26

Việc công bố mở cửa du lịch hoàn toàn vào 15/3 đang được coi là cơ hội “vàng” để du lịch Việt Nam phục hồi trở lại sau 2 năm liên tiếp liêu xiêu vì đại dịch COVID-19. Dù rằng, đến thời điểm hiện tại, người làm du lịch vẫn “hồi hộp” chờ phương án mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả với các quy định cụ thể trong quá trình triển khai đón khách.

Tháo gỡ nút thắt về thủ tục y tế

Sau nhiều lần kiến nghị, người làm du lịch vô cùng vui mừng khi dự thảo Bộ Y tế về yêu cầu phòng, chống dịch đối với khách nhập cảnh đã nới lỏng. Người nhập cảnh vào Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch…

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, đây thực sự là một tin rất vui. Mới đây, TAB, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã có thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề nghị loại bỏ các quy định nói trên. Dù mới là dự thảo nhưng đề xuất lần này của Bộ Y tế cho thấy, các quy định về y tế đơn giản hơn rất nhiều, giúp du lịch Việt có lợi thế cạnh tranh với các nước khác để thu hút đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế trong thời điểm hiện tại, vừa đúng với chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng với COVID-19 và các xu thế trên thế giới. Hy vọng, các đề xuất này sẽ sớm được thông qua và ban hành chính thức.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, đề xuất mới của Bộ Y tế về nới lỏng xét nghiệm và cách ly với khách nhập cảnh làm hoàn toàn phù hợp với tình chung trong nước và quốc tế. Khi khách nhập cảnh đã có hộ chiếu vaccine, đồng thời đã xét nghiệm PCR với giá trị trong 72 giờ thì việc yêu cầu xét nghiệm thêm lần nữa và cách ly 3 ngày đầu không có ý nghĩa, nhất là khi hiện trong nước, các ca nhiễm tăng cao, thậm chí nhiều ca mắc ngoài cộng đồng không được phát hiện. Do vậy để bảo vệ mình thì chính khách nhập cảnh cũng phải tự dự phòng chống dịch. Hơn nữa ở nhiều nước hiện cũng xóa bỏ việc xét nghiệm và cách ly khi đã đảm bảo yêu cầu về hộ chiếu vaccine hoặc âm tính PCR trước khi lên máy bay. Điều này phù hợp với tình hình mới và tạo đà cho du lịch phát triển.

Theo một chuyên gia dịch tễ khác thì việc nới lỏng như đề xuất của Bộ Y tế là phù hợp, bởi trong lúc này cần phải mở cửa du lịch để phát triển kinh tế, có kinh tế thì chúng ta mới có thêm nguồn lực chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhận định, đại dịch COVID-19 phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau gần 19 tháng đóng cửa du lịch quốc tế, du lịch nội địa cũng không thể triển khai khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ; hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm; nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể.

Nhằm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trên cơ sở tỷ lệ tiêm chủng cao trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, đã đồng ý chủ trương mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 tới đây.

Đề xuất tiếp tục cải thiện chính sách về thị thực

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người làm du lịch cho rằng, để mở cửa du lịch thực sự an toàn hiệu quả thì còn cần cải thiện hơn nữa về chính sách thị thực. Theo TAB, trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, chính sách miễn thị thực được áp dụng cho cả khách mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông gồm 88 nước miễn thị thực song phương và 13 nước miễn đơn phương. Do phần lớn khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông, chính sách miễn thị thực của Việt Nam trước tháng 1/2020 dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ được áp dụng cho 24 nước, bao gồm 13 nước được miễn thị thực đơn phương và 11 nước được miễn thị thực song phương.

Trong số này, tính đến ngày 30/6/2021, có 5 nước Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha là các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, đã hết thời hạn miễn thị thực. Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và một số nước Bắc Âu cũng là thị trường trọng điểm của Việt Nam nhưng chuẩn bị hết thời hạn miễn thị thực (ngày 30/12/2022). Nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách tạo thuận lợi về thị thực, nhất là áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế.

6-1.jpg -0
Du khách được chào đón khi đến du lịch Việt Nam.

Mức chi tiêu bình quân trên đầu người của khách du lịch Tây Âu tại Việt Nam khoảng 1.200 – 1.400 USD, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch từ các thị trường gần khoảng 700 – 1.000 USD. Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cho các thị trường xa, có nhiều khách du lịch hơn đến Việt Nam và có mức chi tiêu bình quân cao hơn trong tour du lịch ở nước ta, TAB đề nghị gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước: Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha. Đồng thời, cho phép công dân của 5 quốc gia Tây Âu nói trên kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Danh sách miễn thị thực cần mở rộng thêm cho công dân các quốc gia Australia, NewZealand, Canada, Thụy Sĩ; gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương từ ngày 1/1/2023 cho công dân một số nước và tiếp tục bổ sung danh sách các nước được cấp thị thực điện tử…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtour, Trưởng Ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Việc nới lỏng các chính sách về y tế, thị thực vô cùng cần thiết với doanh nghiệp lúc này. Hiện nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị để sẵn sàng đón khách. Vì ngay trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì bộ máy, tổ chức nghiên cứu thị trường, sản phẩm, quảng bá, xúc tiến ở các thị trường tiềm năng. Từ cuối tháng 11/2021, nhiều doanh nghiệp đã triển khai đón khách quốc tế theo chương trình thí điểm của Chính phủ. Mở cửa vào 15/3 chỉ sớm hơn so với chương trình thí điểm (tháng 5/2022). Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang chờ các quy định được ban hành chính thức để cập nhật đến du khách.

Đồng quan điểm nói trên, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp vẫn đang rất nóng lòng chờ các quy định, chính sách triển khai mở cửa du lịch hoàn toàn được ban hành chính thức. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp tự tin triển khai hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ông Dũng cũng đề xuất, chính sách thị thực cần được nới lỏng hơn nữa.

Ngoài khôi phục chính sách miễn thị thực cho các quốc gia theo danh sách như trước dịch, chúng ta cần nghiên cứu mở rộng hơn. Bởi lẽ, đến nay, thị trường du lịch đã thay đổi nhiều so với trước đại dịch. Có quốc gia được miễn thị thực đã không còn là thị trường tiềm năng. Có quốc gia chưa được miễn thị thực thì nay lại dễ khai thác. Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên chủ động đề xuất thêm về đàm phán song phương, tránh tình trạng khách đến Việt Nam hoặc từ Việt Nam đi du lịch nước khác, khi trở về vẫn phải bị cách ly.

N.Hoa – T.Hằng – L.Hiệp
.
.
.