Người dân là chủ thể xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 10/12/2022, 08:17

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ là việc quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn bảo đảm hài hòa sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả người dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh là chủ thể xây dựng, sáng tạo và thụ hưởng “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên thành phố mang tên Bác.

Đây là nội dung được Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh” do Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sài Gòn đồng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/12.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, là thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI đã xác định: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng, tính cách, con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân Thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của thành phố mang tên Bác, huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Người dân là chủ thể xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh -0
Từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên cả ba phương diện về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng

“Với tinh thần đó, Thành phố đã từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên cả ba phương diện về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng. Trong thời gian qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị của Thành phố tích cực triển khai chương trình bằng các hành động thiết thực”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà cho biết.

Nhấn mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Đó là việc củng cố, tạo lập các giá trị văn hóa trên địa bàn Thành phố (cả vật chất lẫn tinh thần) mà nền tảng là từ những giá trị của cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nói cách khác là làm cho môi trường sống của Thành phố chứa đầy các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào văn hóa con người Thành phố và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, đặc thù của người dân Thành phố.

Từ yêu cầu trên, bà Phạm Phương Thảo gợi mở Thành phố cần triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng công trình, sản phẩm cụ thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc chuẩn hóa, đa dạng hóa giáo dục đạo đức, văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh; phấn đấu mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học… là không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ; kiên trì xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử có văn hóa của người dân trong cộng đồng, thực hiện văn hóa giao thông, xây dựng các công trình xanh - sạch - đẹp ở các khu phố, khu dân cư...

Theo bà Phạm Phương Thảo, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, trong đó Đảng bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị giữ vai trò nòng cốt. Cùng với phát huy vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, tạo điều kiện để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh - động lực thúc đẩy phát triển đi lên của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Đề cập đến các giải pháp để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sáng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Cần xác định rõ việc xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ chính trị để thực hiện thắng lợi cho Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là việc làm tự giác, nhu cầu khách quan để xây dựng mỗi địa phương thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình hơn. Mặt khác, tiếp tục triển khai các không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường học tập với những hình thức đa dạng, phát huy được những thuận lợi của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sôi động, đáp ứng được thị hiếu văn hóa, yêu cầu trải nghiệm của tầng lớp trí thức tại các cơ sở giáo dục.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Sáng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trường học cần thể hiện vai trò kiến tạo, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nhân loại tới cộng đồng thông qua những dự án hợp tác xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với các đơn vị ở địa bàn dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, lực lượng vũ trang để từ đó có thể phát huy thế mạnh của các bên có liên quan trong việc chung tay xây dựng những giá trị văn hóa. Ngoài ra, môi trường giáo dục cũng phải mang lại những giá trị tinh thần để làm động lực nghiên cứu, học tập, lao động, sáng tạo đối với mỗi cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để xây dựng đất nước, cần có kế hoạch hành động cụ thể và khả thi để phát huy giá trị của các không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở mức cao nhất.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận làm rõ hơn một số quan điểm, nhận thức về không gian văn hóa, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và mục tiêu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đưa ra định hướng, giải pháp xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, con người Thành phố và hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh; nâng cao niềm tự hào, trách nhiệm của mỗi người dân Thành phố vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều đại biểu cũng nêu ra các giải pháp để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng; phát huy vai trò truyền thông trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình…

H.Tuấn
.
.
.