Lợi ích kép từ việc đưa trò chơi dân gian vào trường học

Thứ Bảy, 24/02/2024, 07:54

Nếu như trước đây, trò chơi dân gian thường chỉ được đưa vào trường học trong các dịp Tết hay lễ hội thì nay đã trở thành hoạt động thường xuyên tại nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô, giúp gia tăng sự kết nối giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với lớp, với trường. Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngày 22/2, có mặt tại Trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông (Hà Nội) trong giờ ra chơi, chúng tôi đã cảm nhận được niềm vui, sự háo hức, hứng khởi của các em học sinh khi các em được hòa mình vào các trò chơi dân gian sau những tiết học căng thẳng. Các em chơi kéo co, nhảy bao bố, chơi ô ăn quan, trồng nụ, trồng hoa… Em Nguyễn Nhật Anh, lớp 4A9 cho biết: “Những trò chơi dân gian rất bổ ích, thú vị. Sau khi chơi xong, chúng em thấy sự gắn kết với nhau hơn”.

z4866071458037_cc9450f49cb20b74db0d407a0928a539.jpg -0
Học sinh Trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông (Hà Nội) hào hứng tham gia các trò chơi dân gian tại sân trường.

Chia sẻ với PV Báo CAND, cô Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên cho biết: Các trò chơi dân gian đã được nhà trường tổ chức cho học sinh vui chơi từ nhiều năm. Cuối năm 2023, khi Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản hướng dẫn về việc đưa trò chơi dân gian vào trường học, nhà trường đã nghiên cứu và lựa chọn nhiều trò chơi dân gian trong các buổi sinh hoạt ngoài trời và cả những tiết học trong lớp phù hợp với lứa tuổi của các em.

“Để có thể hướng dẫn được các em, các cô giáo phải tìm hiểu rất kỹ các trò chơi như trò “Mèo đuổi chuột” với các bài đồng dao, các cô giáo phải thuộc và dạy lại cho các em. Thầy cô cũng rất chú trọng giảng dạy về nguồn gốc, sự ra đời và phát triển của các trò chơi dân gian để các em hiểu thêm về giá trị văn hóa của dân tộc. Đáng mừng là nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ các phụ huynh”, cô Phương Thị Thìn cho hay.

Cô giáo Phạm Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A6, Trường Tiểu học Văn Yên cho rằng, các trò chơi đã được tổ chức dưới các hình thức đa dạng, phong phú, giúp các em vừa rèn luyện sức khỏe, sự nhanh tay, nhanh mắt, vừa là cách để các em có tinh thần thoải mái nhất trước khi bước vào giờ học. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để các em thêm yêu và gắn kết với trường, lớp, thầy cô, bạn bè, bồi đắp tình yêu với giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là cách để các em có thể tạm quên đi những trò chơi trên điện thoại, máy tính.

Tại Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thay vì hoạt động riêng lẻ trong giờ ra chơi, học sinh các khối lớp lại quây quần tham gia các trò chơi dân gian theo từng nhóm. Em Nguyễn Minh Thư, học sinh lớp 8A1 cho biết: “Em thấy vui vì có những phút giây thư giãn cùng bạn sau những giờ học căng thẳng. Các trò chơi dân gian giúp chúng em rèn luyện thể chất, trí tuệ và gắn kết với nhau hơn”.

Để khuyến khích học sinh tham gia sân chơi lành mạnh, Trường THCS Chương Dương đã tổ chức Hội thi trò chơi dân gian năm 2024 với sự tham gia củahơn 1.000 học sinh toàn trường. Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ưu thế của trò chơi dân gian chính là phù hợp với tất cả những ai muốn chơi, mọi học sinh đều bình đẳng. Tuy nhiên, do khuôn viên của nhà trường chật hẹp nên các trò chơi vận động khó có thể tiến hành thường xuyên với quy mô toàn trường. Nhà trường đã nghiên cứu lựa chọn một số trò chơi phù hợp thực tế và điều kiện cơ sở vật chất sẵn có để triển khai đồng loạt. Qua các trò chơi, các em có thói quen vui chơi lành mạnh, xa dần điện tử và các hoạt động không có giá trị giáo dụctrên mạng xã hội. Ngoài ra, trong các tiết học Giáo dục thể chất, giáo viên cũng đã linh hoạt, sáng tạo lồng ghép trò chơi dân gian để học sinh trải nghiệm, tạo không khí học tập sôi nổi, hào hứng, hạn chế sự đơn điệu.

Tháng 10/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn cơ sở giáo dục trên địa bàn đưa trò chơi dân gian vào trường học. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học không chỉ giúp xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà còn góp phần duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc. Do đó, Sở GD&ĐT yêu cầu việc tổ chức phải đảm bảo thường xuyên, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với từng cấp học. Các nhà trường phải lựa chọn được các trò chơi phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất thực tế của mình. Việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học cũng cần được thực hiện linh hoạt như lồng ghép trong giờ học môn Giáo dục thể chất, sinh hoạt lớp, hoạt động tập thể, giờ ra chơi và hoạt động ngoại khóa trên cơ sở phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.

H.Thanh-N.Khiêm
.
.
.