Họp hội đồng nghệ thuật về xây dựng tượng đài Nguyễn Du

Thứ Bảy, 03/08/2024, 18:39

Công tác lựa chọn mẫu tượng dựng tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du được huyện Thường Tín (Hà Nội) thực hiện cẩn trọng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và công chúng để đảm bảo chất lượng nghệ thuật của công trình. Khi hoàn thành, đây sẽ là điểm đến văn hoá nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế.

Chiều 3/8, Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du để xét duyệt mẫu tượng bước 2 tượng đồng Nguyễn Du đặt tại vườn hoa Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín.

Lan tỏa giá trị văn hóa của Đại thi hào Nguyễn Du -0
Mẫu tượng Đại thi hào Nguyễn Du được trưng bày tại cuộc họp chiều 3/8.

Theo ghi chép lịch sử, tháng 11/1802, Nguyễn Du được vua Gia Long bổ nhiệm làm Tri phủ Thường Tín. Lúc bấy giờ, Thường Tín là một phủ lớn, gồm địa bàn 3 huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên (Hà Nội) ngày nay. Trong 3 năm làm Tri phủ, Nguyễn Du đã có công phát triển kinh tế địa phương, xây dựng phủ Thường Tín thành vùng đất giàu lúa gạo, nơi có các nghề mộc, khảm, sừng và là trung tâm giao thương do sự kết nối của sông Nhuệ, Kim Ngưu và Tô Lịch.

Sau khi tổ chức Tọa đàm khoa học về Danh nhân văn hóa, Đại thi hào Nguyễn Du với huyện Thường Tín (tháng 9/2023) và sắp xếp, bài trí bố cục các hạng mục trong không gian vườn hoa Nguyễn Du tại thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hoá, quyết tâm xây dựng công trình tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du đặt tại vườn hoa Nguyễn Du.

Lan tỏa giá trị văn hóa của Đại thi hào Nguyễn Du -0
Các đại biểu dự cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du.

Tượng đài Nguyễn Du gồm tượng và bệ tượng, chiều cao dự kiến khoảng 3,6m. Phần tượng sử dụng chất liệu đồng đúc, phần bệ tượng là bê-tông cốt thép ốp đá tự nhiên. Khu vực đặt tượng tại vườn hoa Nguyễn Du được thiết kế đồng bộ cảnh quan.

TS Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện uỷ Thường Tín, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du, khẳng định: Việc xây dựng tượng đài Nguyễn Du tại vườn hoa Nguyễn Du, thị trấn Thường Tín, nơi ông từng làm Tri phủ 3 năm (từ năm 1802 đến 1804), thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín với những đóng góp to lớn của Nguyễn Du.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tiến Minh, Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm là những kiệt tác thơ ca của nền văn học Việt Nam. Trong đó, tác phẩm Truyện Kiều có sức sống bền bỉ, thường xuyên được các nhà lãnh đạo Việt Nam và quốc tế trích dẫn. Hơn hai thập kỷ qua, đã có 3 vị Tổng thống Mỹ lẩy Kiều trong những sự kiện ngoại giao quan trọng để nói về những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ Việt - Mỹ.

Tượng đài Nguyễn Du được xây dựng sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan, không gian nghệ thuật khu vực công viên, nhằm giáo dục truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân cho các thế hệ mai sau. Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng nghệ thuật lựa chọn phương án mẫu tượng bước 1 hồi tháng 6/2024 vừa qua, Hội đồng nghệ thuật đã thống nhất lựa chọn mẫu để nghiên cứu bước 2; đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp để hoàn thiện mẫu tượng bước 2.

Lan tỏa giá trị văn hóa của Đại thi hào Nguyễn Du -0
TS Nguyễn Tiến Minh phát biểu tại cuộc họp. 

Ông Nguyễn Tiến Minh cũng nhấn mạnh, Hội đồng nghệ thuật luôn rất mong muốn được lắng nghe những góp ý của các thành viên hội đồng, các nghệ sĩ, các chuyên gia và của cả công chúng để đảm bảo tượng đài khi hoàn thành có thiết kế phù hợp với bối cảnh lịch sử, đạt được sự hài hòa và có tính mỹ thuật cao, mang những nét đặc trưng nhất của Đại thi hào Nguyễn Du.

Tại cuộc họp, Hội đồng nghệ thuật và các đại biểu đã lắng nghe đại diện nhóm tác giả, nhà điêu khắc Đoàn Bằng, thông tin về mẫu tượng bước 2, khẳng định các tác giả đã lắng nghe và điều chỉnh mẫu tượng nhằm thể hiện chân thực nhất tư thế ngồi uy nghi, vững chãi của Đại thi hào Nguyễn Du trên phiến đá cổ kính với tay phải cầm bút, tay trái cầm sách - những vật dụng gắn với cuộc đời sáng tác của ông.

Các thành viên Hội đồng nghệ thuật, các chuyên gia về điêu khắc, văn hoá, những người có nhiều năm nghiên cứu về Đại thi hào Nguyễn Du sau đó đóng góp nhiều ý kiến thiết thực tới nhóm tác giả nhằm tiếp tục chỉnh sửa mẫu phác thảo phù hợp hơn, làm cơ sở để khẩn trương thực hiện các công việc chuẩn bị đúc tượng tiếp theo.

Lan tỏa giá trị văn hóa của Đại thi hào Nguyễn Du -0
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường phát biểu tại cuộc họp.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, việc xây dựng tượng đài Nguyễn Du ở Thường Tín sẽ góp phần mang lại một công trình văn hoá lâu dài, ý nghĩa tại địa phương. Ông đề nghị nhóm tác giả điều chỉnh những chi tiết quan trọng về trang phục và sắc thái của tượng, qua đó mô tả một cách thực tiễn hơn, đời hơn và "nho" hơn thần thái Đại thi hào Nguyễn Du.

Trong khi đó, hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, người có hơn 20 năm nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều với hàng ngàn bức tranh minh hoạ Truyện Kiều, đã giới thiệu bức tượng cổ mà ông sưu tầm về Đại thi hào Nguyễn Du để Hội đồng nghệ thuật và các tác giả tham khảo điều chỉnh mẫu tượng.

  • Lan tỏa giá trị văn hóa của Đại thi hào Nguyễn Du - 0

  • Lan tỏa giá trị văn hóa của Đại thi hào Nguyễn Du - 1

    Bức tượng được hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn giới thiệu tại cuộc họp.

..

Ông cho rằng, công trình tượng đài Nguyễn Du tại địa phương có nhiều gắn bó với Đại thi hào như Thường Tín sẽ mang tính giáo dục cao cho các thế hệ ngày nay và mai sau.

Những năm qua, song song với việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế địa phương, huyện Thường Tín đã huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, với một trong những trọng tâm là tu bổ, tôn tạo các di tích.

Tháng 9/2023, huyện Thường Tín khởi công dự án đầu tư xây dựng vườn hoa Nguyễn Du (giai đoạn 2) tại thị trấn Thường Tín. Vườn hoa Nguyễn Du có vị trí tại trung tâm, tiếp giáp các cơ quan trụ sở hành chính của huyện. Công trình quy mô gần 12.000m2, kết nối với các di tích danh nhân lịch sử khác, tạo chuỗi điểm đến phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, đồng thời nhắc nhở, giáo dục các thế hệ người Thường Tín noi gương, phát huy những giá trị của “đất danh hương, đất khoa bảng”.

Thái Hà
.
.
.