Giám sát, xử lý nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng
Thời gian qua, tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tình trạng các nghệ sĩ, diễn viên, hotgirl mạng xã hội quảng cáo mỹ phẩm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra phức tạp trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok hay nền tảng trực tuyến là YouTube… Việc quảng cáo thông qua các công nghệ này khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát hơn.
Các nghệ sĩ như Q.L, V.D, Q.T, Đ.T... quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... nhưng bị dư luận phàn nàn sản phẩm không đủ chất lượng, hoặc nói quá lên. L.D.B.L, L.G… cũng từng quảng bá về kem trộn, thuốc giảm cân khi các sản phẩm này chưa được kiểm chứng nguồn gốc… Sau khi bị dư luận phản ánh và phàn nàn, các nghệ sĩ đã xin lỗi và xóa bài viết.
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn nêu tình trạng một số nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu, quảng cáo trái luật một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo..., có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và tài sản người tiêu dùng. Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật thành phố phải yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở cũng đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch đột xuất kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu mỹ phẩm trên địa bàn.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm ngàn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu nhập lậu tại một kho rộng gần 500m2 của Công ty TNHH Công nghệ Dotcom (quận Tân Phú). Các sản phẩm này chủ yếu là kem tẩy tế bào chết, kem dưỡng, kem chống nắng, nước tẩy trang, nước hoa hồng, nước hoa, son dưỡng, sữa rửa mặt, chì kẻ mắt…
Trên các sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Sản phẩm không có tài liệu liên quan đến chất lượng của hàng hóa kèm theo và không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp của hàng hóa để xuất trình chứng minh nguồn gốc. Có tới gần 92.000 sản phẩm…
Cùng thời điểm, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa bột... không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu tại Công ty TNHH Kamiki (quận 10)…
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Thanh tra Sở Y tế sẽ xử phạt hành chính, kiên quyết tịch thu và tiêu hủy các sản phẩm dạng này. Cũng theo bà Như thì Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cùng phối hợp với Sở Y tế thành phố để giám sát, xử lý nghệ sĩ, diễn viên quảng cáo mỹ phẩm không đúng theo quy định pháp luật.
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết khi nghệ sĩ, diễn viên… đã ký kết hợp đồng quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhưng nói không đúng sự thật về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, người sử dụng không có kết quả tốt như lời quảng cáo hoặc gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng thì những người truyền tải sản phẩm quảng cáo sẽ chịu trách nhiệm tương ứng với tính chất hành vi và hậu quả mà người sử dụng sản phẩm bị ảnh hưởng. Nếu người tiêu dùng khởi kiện thì những người nghệ sĩ vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
Để tránh trường hợp này, khi ký hợp đồng quảng cáo sản phẩm, nghệ sĩ phải hiểu rõ về mặt pháp lý, Luật Quảng cáo, truyền tải sản phẩm quảng cáo đúng sự thật theo quy định pháp luật, không nói quá, nói sai về sản phẩm.
Khi nghệ sĩ làm việc với chủ sở hữu sản phẩm, nghệ sĩ phải hiểu mình truyền tải những gì đúng pháp luật, đồng thời người nghệ sĩ thấy trách nhiệm trong hợp đồng quảng cáo đó và đưa ra giới hạn câu, từ không phải hoàn toàn nói theo câu, từ người quảng cáo. Khi ký hợp đồng quảng cáo, các nghệ sĩ nên liên hệ với cơ quan, cá nhân am hiểu về pháp lý để được tư vấn về trách nhiệm, lời nói, hành động khi truyền tải sản phẩm quảng cáo này…