Gắn du lịch với lễ hội truyền thống: Cần chú trọng phát triển bền vững
Trong số gần 8.000 lễ hội trên cả nước hiện nay, có 7.039 lễ hội truyền thống. Đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch của rất nhiều địa phương, vừa góp phần quảng bá hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống của các vùng miền, quốc gia, dân tộc đến nhân dân trong nước và quốc tế.
Thu hút khách du lịch
Theo Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Ninh Bình, hiện nay, toàn tỉnh có 243 lễ hội, trong đó có 242 lễ hội truyền thống và 1 lễ hội văn hóa. 2 lễ hội truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm Lễ hội Hoa Lư và Lễ hội Làng Bình Hải.
Các lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động với nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia tích cực của chủ thể là người dân ở địa bàn dân cư. Bên cạnh phần nghi lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, sinh hoạt của người dân như hát Xẩm, Chèo, Chầu văn, Ca trù, Trống nhảy, Múa trống, Cồng Chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, múa sạp…
Các hoạt động phần hội được tổ chức có sự kết nối nhuần nhuyễn với các nghi thức phần lễ tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian của lễ hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lễ hội truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa con người và vùng đất cố đô.
Tuy nhiên, tại một số lễ hội, việc tổ chức còn nặng hình thức, phô trương; có nơi còn xem nhẹ nội dung giáo dục truyền thống, văn hóa và việc thực hiện nếp sống văn minh chưa thực sự đi vào nếp sống, thói quen của du khách khi đến tham quan, chiêm bái và tham gia lễ hội… Tất cả những điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị và ý nghĩa của lễ hội, tạo nên mặt trái trong môi trường văn hóa lễ hội, nhất là lễ hội truyền thống.
Với Thừa Thiên - Huế, TS Trần Văn Dũng, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, việc khai thác giá trị văn hóa trong lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững. Di sản văn hóa Huế đã gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thúc đẩy du lịch phát triển.
Festival Huế qua 10 kỳ tổ chức đã giới thiệu với quốc tế về những tài nguyên và bản sắc văn hóa của Việt Nam nói chung, Thừa Thiên-Huế nói riêng một cách sống động nhất. Những lễ hội truyền thống trở thành điểm nhấn quan trọng trong việc xác định những nội dung của các kỳ Festival. Đã có hơn 20 lễ hội được tổ chức, dàn dựng, tái hiện.
Việc khai thác và phát huy giá trị di sản lễ hội truyền thống đã thúc đẩy phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống đáp ứng công tác bảo tồn và cả nhu cầu của khách du lịch. Festival nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai; minh chứng cho sự thành công đã đạt được trong việc phục hồi lại các lễ hội của quá khứ và làm sống lại, tỏa sáng các giá trị truyền thống văn hóa trước đây…
Năm 2022, Lễ hội Điện Huệ Nam có diện mạo mới lạ và độc đáo. Bên cạnh lễ rước Thánh bằng thuyền truyền thống, lễ hội đã tái hiện và xây dựng một carnival dân gian hấp dẫn, phô diễn nét độc đáo của những trang phục cổ xưa đầy màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ. Hoạt động lễ hội truyền thống này thu hút hàng vạn lượt người tham dự...
Thống kê cho thấy, khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản văn hóa nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế của Thừa Thiên-Huế. Doanh thu từ du lịch dịch vụ dựa trên nền tảng khai thác di sản văn hóa chiếm tỷ trọng lớn.
Số liệu thống kê từ năm 1990 đến năm 2019, du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên-Huế từ 81.500 lượt (1990) đã đạt 4,817 triệu lượt (2019); doanh thu từ 154 tỷ (1990) đã tăng lên 12,000 tỷ (2019); đóng góp từ mức 7% trong GDP của tỉnh (1995) đã tăng lên trên 12% (2019). Trong đó điểm đáng lưu ý là 85% du lịch Huế là du lịch di sản. Điều này cho thấy, di sản văn hóa Huế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Cần tránh khai thác quá đà
Trao đổi về vai trò phát triển kinh tế, gắn lễ hội với du lịch, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng nhận định: Các lễ hội đang từng bước tạo điểm nhấn thu hút khách thập phương, phát triển du lịch và một sản phẩm của loại hình du lịch văn hoá trong chiến lược phát triển du lịch. Những năm gần đây, các lễ hội dân gian truyền thống (chùa Hương, Phủ Giầy, Hòn Chén, Tháp Bà, Núi Bà…); lễ hội văn hóa – du lịch (lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Bình Định, carnival Hạ Long…) có sức thu hút rất lớn khách hành hương. Lễ hội còn là sản phẩm độc đáo của du lịch, tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Lễ hội là một sản phẩm đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và giới thiệu, truyền bá những đặc sắc văn hóa của dân tộc, vùng miền cho du khách trong và ngoài nước. Du khách đến với lễ hội để tìm thấy bản sắc độc đáo trong đó.
Thạc sĩ Ninh Thị Thương, cán bộ Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cũng cho rằng, lễ hội truyền thống là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch lễ hội và ngày càng trở thành đối tượng thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, lễ hội truyền thống được khôi phục mạnh mẽ, thậm chí làm mới để khẳng định bản sắc văn hoá địa phương, quảng bá du lịch và thu hút du khách. Điều này cho thấy du lịch đã góp phần phát triển lễ hội truyền thống, môi trường văn hoá lễ hội truyền thống theo chiều hướng tích cực.
Nhưng bên cạnh đó, du lịch cũng có những tác động tiêu cực đến các thành tố môi trường văn hoá lễ hội truyền thống với các hoạt động, các biểu hiện lệch chuẩn, biến tướng gây phản cảm đối với những người dự hội, thậm chí làm ô nhiễm môi trường sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo này. Với mục đích thu hút du khách, một số lễ hội tổ chức trên sân khấu, nghệ nhân trở thành diễn viên, làm cho không gian văn hoá lễ hội truyền thống mất đi tính thiêng.
Để quảng bá du lịch, lễ hội truyền thống ngày càng được phục dựng, làm mới ở nhiều địa phương, kể cả những nơi chưa đủ điều kiện để tổ chức, dẫn đến tình trạng một số lễ hội na ná giống nhau về hình thức, nội dung, không còn giữ được yếu tố đặc trưng, đặc sắc vốn có. Mất đi giá trị truyền thống, yếu tố tâm linh suy giảm, giá trị kinh tế lấn át giá trị thực hành văn hoá dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi lễ hội truyền thống là nguồn lợi riêng của địa phương. Điều này làm cho môi trường lễ hội truyền thống không còn hấp dẫn du khách...
Vì vậy, cần nhìn nhận mối quan hệ giữa lễ hội truyền thống và du lịch cần khách quan, đúng mức, từ đó giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá lễ hội truyền thống, xây dựng lối sống con người Việt Nam theo chiều hướng tốt đẹp, góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững đất nước.