Đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19: Còn nhiều thách thức
Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe (CSSK) có xu hướng phát triển mạnh hơn sau dịch COVID-19. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm này nhưng chưa thực sự được khai thác, phát huy tương xứng.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch CSSK. Cụ thể, bờ biển dài 3.260km, nhiều bãi tắm biển đẹp và thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng. Ngành địa chất của nước ta đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, trong đó đã điều tra, nghiên cứu và phân tích 287 nguồn và phân thành 11 loại khác nhau, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ cho đời sống con người. Những địa điểm có nguồn nước khoáng nóng này đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Việt Nam có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc, nền Đông y phát triển lâu đời…
Đại diện Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam, TS. Vũ Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch CSSK gắn với các suối khoáng nóng. Hiện nay, nhiều nguồn suối khoáng nóng đang được khai thác như ở Quảng Ninh (Quang Hanh), Tuyên Quang (Mỹ Lâm), Ninh Bình (Kênh Gà), Hòa Bình (Kim Bôi), Khánh Hòa (Tháp Bà), Phú Thọ (Thanh Thủy), Lâm Đồng (Đam Rông), Bà Rịa Vũng Tàu (Bình Châu), Thừa Thiên-Huế (Mỹ An), Đà Nẵng (Núi Thần Tài), Điện Biên (Pua He)…
Ngoài ra, còn một số điểm đến có nguồn suối khoáng có chất lượng cao đang được người dân bước đầu đầu tư khai thác. Nhiều điểm đến có suối khoáng nóng tự nhiên, lộ thiên khác chưa được khai thác. Việc phát triển các điểm đến du lịch có suối khoáng nóng hiện nay chủ yếu gắn với việc đầu tư nhỏ lẻ của người dân địa phương hoặc gắn với các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Một số điểm đến cụ thể như suối khoáng nóng Trạm Tấu ở Yên Bái, khu suối khoáng nóng bản Mướt ở điểm du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến, huyện Mường La tỉnh Sơn La… Khách du lịch chủ yếu đi du lịch với mục đích kết hợp trải nghiệm tắm khoáng nóng. Tại các điểm đến này hầu như chưa có dịch vụ bổ sung gì khác cho việc CSSK của khách du lịch…
Ông Vũ Tuấn Phong, Giám đốc công ty Haydi tour, đơn vị chuyên về du lịch thiền từ năm 2010 cho biết, đơn vị đã từng gặp nhiều bất cập trong triển khai các tour du lịch này. Nhân sự để hướng dẫn khách đến các tour và trải nghiệm hiệu quả, giải thích ý nghĩa cho khách hiểu, tìm không gian cho du lịch thiền rất khó. Ở Huế, Phú Quốc có triển khai du lịch thiền nhưng còn nhỏ lẻ. Du lịch thiền, du lịch yoga còn hạn chế về không gian, nhân sự, chưa có sự liên kết, hỗ trợ thúc đẩy quảng bá, phát triển….
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTT&DL Võ Quốc Đoàn cũng chia sẻ, ông từng quan sát, trải nghiệm nhiều dịch vụ du lịch CSSK nhưng còn nhiều sản phẩm chưa đạt niềm tin và uy tín với khách, nhiều khi quảng cáo quá đà. Nếu làm dễ dãi quá còn gây tác động tiêu cực, tạo hiệu ứng ngược… Vì vậy, du lịch CSSK, sản phẩm phải được chuẩn hoá, có tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định về quy trình, sản phẩm cung cấp cho khách…
TS.Trần Hữu Thuỳ Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cũng cho biết, theo khảo sát chi tiêu của du khách ở Thừa Thiên-Huế, các khoản chi cho các dịch vụ y tế, CSSK rất ít, chiếm dưới 5% trong cơ cấu chi tiêu. Trong khi đó, Thừa Thiên-Huế là vùng đất có bề dày truyền thống về y học bao gồm cả Đông y và Tây y, trong đó nổi bật là Đông y phục vụ cung đình. Địa phương có tiềm năng lớn về du lịch CSSK nhưng đến nay mới khai thác được một phần. Nguyên nhân là chính sách cho du lịch y tế nhất là các khâu quảng bá chưa có. Đáng lưu ý là chưa có đơn vị lữ hành nào liên kết với các nhà đầu tư quan tâm trực tiếp đến lĩnh vực này, do đó tính quảng bá chưa cao, chưa thu hút được du khách. Đây là bài toán đặt ra cho ngành du lịch, cho lĩnh vực du lịch y tế trong thời gian tới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi trong nước và thế giới, trong đó nhu cầu nghỉ dưỡng, CSSK được ưu tiên hàng đầu.
Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Hiệp hội Du lịch CSSK thế giới đã đưa ra 7 xu hướng của du lịch CSSK trong thời gian tới, đặc biệt từ sau khi diễn ra đại dịch COVID-19. Ngành du lịch Việt Nam cần xem xét, nhận diện các xu hướng này, sớm đưa ra những sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu CSSK của thị trường trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cũng nhận định, việc khai thác các tài nguyên để phát triển du lịch CSSK ở Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của khách du lịch. Tuy nhiên, những thành công này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà chúng ta có. Các sản phẩm du lịch CSSK còn ít, chưa đa dạng. Chúng ta chưa có nhiều các cơ sở dịch vụ CSSK đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách du lịch, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao. Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch CSSK như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, yoga, làm đẹp... vẫn ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, có cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Bên cạnh đó, mặc dù có hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng, song, chúng ta vẫn chưa khai thác tốt để phát triển loại hình du lịch CSSK. Chắc chắn, để có thể khai thác hết thế mạnh của mình, thu hút khách du lịch, nâng cao lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần có định hướng và giải pháp phát triển phù hợp cho sản phẩm du lịch này…