Đội ngũ sáng tác trẻ với việc kế thừa và cách tân trong văn học nghệ thuật
Với chủ đề “Vấn đề kế thừa và cách tân trong văn học nghê thuật: vai trò, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, sáng tác trẻ”, lớp bồi dưỡng do Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương tổ chức đã khai mạc sáng 27/6 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, khẳng định, lớp bồi dưỡng là dịp tốt để các học viên được cung cấp thông tin về tình hình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay. Lớp bồi dưỡng giúp cho đội ngũ các cây viết trẻ đang hoạt động trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở các viện nghiên cứu, trường đại học, báo, tạp chí, các cơ quan chuyên môn về văn học, nghệ thuật, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương, địa phương nắm bắt tình hình, có nhận thức đúng đắn trao đổi kinh nghiệm về công tác chuyên môn, các tình huống diễn ra trong thực tế. Đồng thời, nâng cao trình độ nhận thức lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, kỹ năng viết bài phê bình văn học nghệ thuật, năng lực lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương bày tỏ niềm vinh hạnh khi tỉnh Phú Yên được Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương chọn là nơi tổ chức lớp bồi dưỡng. “Công tác lãnh đạo và quản lý văn hoá không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hoá. Văn hoá tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác văn hoá là việc làm rất quan trọng", Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương nói.
Đồng chí nhấn mạnh: “Lớp bồi dưỡng là cơ hội để Phú Yên cùng các tỉnh bạn trao đổi, cập nhật thông tin mới về văn học nghệ thuật; đồng thời là cơ hội để quảng bá quê hương, con người xứ “hoa vàng trên cỏ xanh”. Tôi mong rằng, qua lớp tập huấn này, các học viên có điều kiện thực tế tại tỉnh Phú Yên, cảm nhận nhiều hơn về vùng đất này. Những chất liệu về thiên nhiên, văn hoá, ẩm thực cùng với tình yêu đối với Phú Yên sẽ giúp các học viên có sáng tác nhiều tác phẩm hay, đặc sắc”.
Cũng tại phiên khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã trình bày chuyên đề: “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và sự phát triển tư duy cho lý luận của Đảng về văn học nghệ thuật 80 năm qua”. Chuyên đề đặc biệt nhấn mạnh tới nội dung quan trọng trong về văn hoá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra trong Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất: “Văn hoá liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lí của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ… Văn hoá phải làm thế nào để cho ai cũng có lí tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng…”.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cũng đã đề cập lại một cách sâu sắc vai trò và sứ mệnh của văn hoá trong đề cương văn hoá Việt Nam 1943: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ… văn hoá nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Chính trị, kinh tế, văn hoá, đều phải coi là quan trọng ngang nhau”.
Trong 4 ngày diễn ra lớp bồi dưỡng, các học viên còn được lắng nghe, thảo luận về các chuyên đề: “Xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam - kết hợp tính dân tộc, tính hiện đại trong sáng tác và đổi mới tư duy quản lý”; “Cách tân trong văn học và nhiệm vụ bảo tồn giá trị truyền thống"; “Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa giá trị truyền thống và đáp ứng thị hiếu của giới trẻ trong âm nhạc hiện nay” và “Thị hiếu thẩm mĩ của khán giả và vấn đề kế thừa,cách tân trong sân khấu hiện nay”.