‘Đánh thức’ danh thắng Vọng Cảnh

Chủ Nhật, 18/10/2015, 08:20
Sau hơn 10 năm bị “bỏ quên”, giữa tháng 10/2015, đồi Vọng Cảnh - một trong 3 danh thắng nổi tiếng của Huế, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý quy hoạch thành công viên, hệ thống cây xanh sinh thái để... phục vụ các hoạt động du lịch thay cho dự án resort cao cấp vốn bị dư luận phản đối trước đây.

Đồi Vọng Cảnh nằm bên bờ sông Hương, đứng trên đồi có thể phóng tầm mắt nhìn lên thượng nguồn sông Hương với núi Kim Phụng, núi Kim Kê hòa lẫn vào mây trời xanh biếc, nhìn thấy những vườn thanh trà, cam, quýt; hay quan sát lăng tẩm vua chúa Nguyễn... Vì thế, ngoài sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh được ví như một tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho xứ Huế.
Từ đồi Vọng Cảnh, du khách có thể ngắm thượng nguồn sông Hương.

Thế nhưng, vào đầu năm 2005, khu vực Vọng Cảnh lại được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép cho Công ty Du lịch Hương Giang và Công ty Việt Nam hotel, Projekt BV  (Hà Lan), để thực hiện dự án Life Resort, gồm 2 khối nhà khách sạn cao cấp, tổng cộng 100 phòng nghỉ, với tổng vốn đầu tư gần 5 triệu USD. Mặc dù được giới nghiên cứu cảnh báo dự án sẽ phá vỡ toàn bộ cảnh quan danh thắng Vọng Cảnh và khu vực phía Tây Nam TP Huế, song tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn bất chấp cho xây dựng khu resort này, với mục đích... “phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Tuy nhiên, trước sự lên tiếng phản đối kịch liệt của dư luận, Bộ VHTT&DL đã có Công văn số 656/VHTT-DSVH gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, chỉ đạo dừng việc xây dựng khách sạn ở khu vực đồi Vọng Cảnh, với lý do: “Việc xây dựng ảnh hưởng danh thắng, xâm phạm các di tích lịch sử văn hóa ở Tây Nam TP Huế, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản...”.

Khi dự án được ngừng thi công, tháng 1/2006, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành Quyết định số 228/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận. Song mãi đến tháng 10/2015, mới có quyết định phê duyệt quy hoạch này.

Theo ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc xây dựng quy hoạch chi tiết đồi Vọng Cảnh kéo dài suốt 10 năm qua là do phụ thuộc vào việc thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế (năm 2011) và dự án quy hoạch chi tiết đôi bờ sông Hương (đang thực hiện) được tổ chức KOICA- Hàn Quốc tài trợ. Và lần này, việc triển khai các điểm du lịch sinh thái với mật độ xây dựng thấp sẽ không ảnh hưởng đến mặt nước sông Hương, đảm bảo yếu tố tự nhiên của danh thắng và các di sản lăng tẩm ở vùng phụ cận…

Theo quy hoạch, đồi Vọng Cảnh sẽ trở thành công viên đi dạo, ngắm cảnh, giao lưu văn hóa kết hợp làm điểm dừng chân cho các tuyến du lịch đường bộ và đường thủy dọc sông Hương. Những công trình kiến trúc xây dựng ở khu vực đồi Vọng Cảnh là các chòi nghỉ, chòi ngắm cảnh... với chiều cao công trình không quá 3 tầng. Tại khu vực di tích như lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh... ngoài việc tuân thủ quy định về khoanh vùng di tích sẽ được tạo dựng thêm vùng đệm bằng hệ thống cây xanh, vùng sinh thái nông nghiệp. Khu vực núi Bàu Hồ ven sông Hương được trồng cây xanh tạo cảnh quan sinh thái…

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc làm trên sẽ giúp đồi Vọng Cảnh “hồi sinh” sau nhiều năm bị lãng quên; để danh thắng trở thành một địa chỉ hấp dẫn du khách, góp phần phục vụ phát triển du lịch, kinh tế của địa phương.

Anh Khoa
.
.
.