Dự án khu du lịch trên đồi Vọng Cảnh: Lợi ít, hại nhiều

Thứ Hai, 28/02/2005, 11:18

Theo các nhà đầu tư, khu du lịch trên đồi Vọng Cảnh sẽ làm đẹp thêm cảnh quan nơi đây và tạo công ăn việc làm cho dân địa phương nhưng trên thực tế nguy cơ xâm hại địa điểm này đã rõ ràng. Việc xây dựng khu du lịch là vi phạm Luật di sản và các quyết định do chính UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành.

Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến đóng góp việc xây dựng khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức ngày 27/2, các nhà nghiên cứu Huế, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, một số cơ quan, ban, ngành chức năng liên quan vẫn kịch liệt phản đối, bày tỏ quan điểm không đồng tình.

 

Ngoài các vi phạm Luật Di sản văn hóa, Quyết định số 2327 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành ngày 11/10/1999 và những cảnh báo về hậu quả khôn lường, việc xây dựng khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh còn vi phạm nghiêm trọng các quyết định do chính UBND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành trước đây.

 

Năm 1976, UBND cách mạng Bình Trị Thiên (cũ) đã có Quyết định số 99 QĐ, nội dung xác nhận khu vực danh thắng, di tích lịch sử...  Theo đó, đồi Vọng Cảnh, xã Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy (nay là xã Thủy Biều, Tp. Huế) nằm vào số 24 (kể từ trên xuống), là nơi để ngắm phong cảnh sông Hương, đồi núi và lăng tẩm. Đây là một điểm danh thắng độc đáo.

 

Năm 1993, sau khi vừa mới tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, ngày 8/10/1993, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra Quyết định số 1046-QĐ/UBND với danh sách kèm theo, đồi Vọng Cảnh nằm vào số 87. Tại đây có ghi: "Đồi Vọng Cảnh ở hữu ngạn bờ sông Hương. Từ đồi Vọng Cảnh có thể nhìn bao quát cảnh sắc của Huế. Từ xưa trên đồi có vọng lâu để nghỉ ngơi và xem phong cảnh".

 

Xét về lợi ích của dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: "Việc xây dựng khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh, mục đích khai thác tiềm năng du lịch, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên ở đây và tạo công ăn việc làm cho phía người dân địa phương”. Tuy nhiên, theo dư luận , cảnh quan thiên nhiên không thể đẹp thêm khi một công trình khách sạn cao tầng trông giống như hai đoàn tàu nằm ngay bên sườn đồi, "án ngự" tiền án quần thể các lăng tẩm, chùa chiền, danh lam thắng cảnh ở khu vực phía Tây - Nam Tp. Huế. Nó còn có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng di tích danh thắng đồi Vọng Cảnh, bởi trên thực tế sau khi công trình khách sạn được xây dựng đưa vào hoạt động, một phần đất của đồi Vọng Cảnh sẽ dành cho việc mở đường, bãi giữ xe...

 

Về vấn đề công ăn việc làm cho người dân địa phương, đó không phải là giải pháp tốt bởi tối đa cũng chỉ có 200 người được làm việc ở đây. Chẳng lẽ chỉ vì 200 việc làm mà đành phải đổi lấy một danh thắng nổi tiếng từ xưa, vốn ăn sâu trong tiềm thức của người Huế mà rộng ra là nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế!? Nói tóm lại, một dự án được tiến hành xây dựng "trượt" ra ngoài hành lang pháp lý, đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của bà con là điều không thể chấp nhận

Thế Cương - Thanh Bình
.
.
.