Nghẹn ngào tiễn đưa nhà văn Nguyễn Khắc Phục
- Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và “N.K.P gửi lại”
- Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn tiếp tục say mê "hú họa"
- Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và sự "hú họa" của "hắn"
Dự tang lễ có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành phố Hà Nội; NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; NSND Lê Khanh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ vv…cùng đông đảo các thế hệ nhà văn, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, các nhà làm sân khấu đến tiễn đưa nhà văn tên tuổi.
Tang lễ nhà văn Nguyễn Khắc Phục |
Trong điếu văn đọc tại lễ tang, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Nguyễn Khắc Phục là nhà văn thông tuệ, kiến văn sâu rộng. Vì thế, những tác phẩm của ông dù được viết bằng sự thôi thúc nội sinh, cũng như những tác phẩm do cơ quan Nhà nước đặt hàng, đều xuất phát từ tâm huyết, cảm xúc, có chất lượng cao. Tiêu biểu là các tiểu thuyết “Bay qua cõi chết”, “Thành phố đứng đầu gió”, “Ngôi đền”, “Thăng Long ký”, “Thành phố rồng” vv…
Ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca, Nguyễn Khắc Phục còn là tác giả của hơn 100 kịch bản sân khấu, kịch bản phim nhựa, phim truyền hình và phim tài liệu. Hơn 60 kịch bản sân khấu được ông tuyển chọn, xuất bản đã biểu lộ rõ nhất sức làm việc phi thường và bền bỉ của ông.
Những tác phẩm của ông đều đề cập tới nhiều lĩnh vực, vấn đề lớn của xã hội, đất nước trong chiến tranh cũng như thời hậu chiến. Nhiều kịch bản của ông đã được các đoàn nghệ thuật, các hãng phim giàn dựng, đoạt huy chương vàng tại các hội diễn.
Các văn nghệ sĩ đến tiễn đưa nhà văn Nguyễn Khắc Phục |
Ông cũng được nhận nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng và các tổ chức văn học khác. Năm 2007, ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm sân khấu. Ở các thể loại khác, văn học và điện ảnh, ông cũng hoàn toàn xứng đáng được nhận giải thưởng tương tự. Ông còn là tác giả của những kịch bản lớn, trong đó có kịch bản khai mạc và bế mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long –Hà Nội.
Trong di cảo của mình, ông còn hàng chục tiểu thuyết, thơ và kịch bản chưa được công bố. 10 năm cuối đời, ông say mê hội họa. Tranh của ông đã được tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông vẽ đầy sắc thái ma mị với những ý tưởng bất chợt, với những gam màu sáng tối biểu cảm tâm thức của ông trước thời cuộc mà ông đau đáu theo dõi, lo âu, hy vọng và thất vọng.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân xúc động: Một trái tim nồng nhiệt với cuộc sống, với văn học nghệ thuật đã ngừng đập. Tổn thất này trước hết thuộc về gia đình ông và giới văn học nghệ thuật cũng mất đi một tài năng sáng tạo, một ngòi bút luôn tìm kiếm và khám phá cái mới, một ngòi bút không ngừng tuyên chiến với cái cũ, cái quen thuộc.
Thế giới văn học mà ông để lại cho người đọc, mãi mãi là một thế giới đa dạng, đánh thức cảm xúc của con người, nhân ái và độ lượng với con người. Cầu chúc ông lên đường bình an và thanh thản, bởi những gì ông để lại sẽ sống mãi trong ký ức của chúng ta.
Ghi sổ tang của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ: Các nhà văn Việt Nam và đông đảo bạn đọc không bao giờ lại nghĩ có ngày này, ngày đau thương chia tay một nhà văn xuất sắc, một cây bút sung sức nhất –nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Đau xót quá, không thể tin, dù đó là một sự thật!
Tiễn đưa người bạn lâu năm, nhà văn Đỗ Chu xót xa: “Phục ra đi sớm quá, tiếc cho toàn gia đình, cho bạn bè anh em. Lúc sống đã đẹp, lúc ra đi lặng lẽ cũng đẹp. Nhớ bạn đau lòng …”
Ghi sổ tang của nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Phạm Quang Nghị |
Các văn nghệ sĩ như NSND Đặng Nhật Minh, NSƯT Lê Chức, Chu Lai, Đỗ Chu, NSND Lan Hương, nhạc sĩ Trọng Đài vv…đều bày tỏ sự tiếc thương nhà văn Nguyễn Khắc Phục, bởi ông ra đi khi vẫn tràn đầy năng lực, nhiệt huyết và tấm lòng với văn chương, với đất nước.
Sau lễ tang, gia đình và bè bạn đã đưa tiễn nhà văn Nguyễn Khắc Phục tại đài hóa thân Hoàn Vũ.