Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và sự "hú họa" của "hắn"

Chủ Nhật, 15/06/2008, 09:00
Bẵng đi mấy tháng tôi không gặp “hắn”. Vào trang web của “hắn”, thấy “hắn” có vài dòng cáo lỗi bạn bè vì đang có công chuyện phải đi xa, không có entry (bài) mới trong website của mình. Rồi cũng qua mạng, tôi thấy có một nhà báo nói “hắn” đang lang thang trên Tây Nguyên để… vẽ! Ghê thật, “hắn” sắp thành họa sĩ rồi đây!

Hôm ấy, có lẽ là ngày 10/3/2008, tôi đến nhà, “hắn” không kể với tôi về một ý tưởng kịch bản mới hay một chương trong cuốn tiểu thuyết “hắn” đang viết dở dang, mà lại đưa cho tôi xem một bức tranh chì màu, nhìn lâu mới biết là chân dung một người đàn ông tôi không thể biết là ai. “Hắn” bảo tôi:

- Ông vẽ đi! Thích lắm! Tôi vừa vẽ bức chân dung tự họa này. Thì ra bây giờ tôi mới ngộ ra rằng vẽ mới là điều thú vị nhất. Chỉ có vẽ mình mới diễn tả hết cảm xúc của mình, mình mới là mình.

Tôi cười cười, bảo “hắn”:

- Tôi không dở hơi để cầm cọ vẽ. Tôi có biết gì về hội họa đâu mà vẽ vời như ông!

“Hắn” không lấy đó làm buồn. Từ ngày biết “hắn” mấy chục năm trước có bao giờ tôi nghe “hắn” nói biết vẽ, mặc dù “hắn” có thể thao thao bất tuyệt với tôi về hội hoạ và “hắn” có khá nhiều bạn bè thân thiết là hoạ sĩ, có người còn là họa sĩ tiếng tăm nổi như cồn, nhưng cũng như tôi, “hắn” có biết vẽ gì đâu, cũng mù tịt như mình!

Bẵng đi mấy tháng tôi không gặp “hắn”. Vào trang web của “hắn”, thấy “hắn” có vài dòng cáo lỗi bạn bè vì đang có công chuyện phải đi xa, không có entry (bài) mới trong website của mình. Rồi cũng qua mạng, tôi thấy có một nhà báo nói “hắn” đang lang thang trên Tây Nguyên để… vẽ! Ghê thật, “hắn” sắp thành họa sĩ rồi đây!

Cách đây mấy bữa, tôi lại mò đến nhà “hắn”. Vừa đến đầu ngõ, thấy mấy người đang túm tụm quanh bàn cờ tướng ở quán nước chè, tôi phát hiện ra “hắn” ngay! “Hắn” đang say sưa đánh cờ chẳng khác nào lúc “hắn” lên đồng cùng chữ nghĩa. Tôi ghé vào, “hắn” bảo:

- Chờ tí, sắp xong rồi!

Sắp xong của “hắn” kéo dài gần nửa tiếng, kịp để “hắn” đánh thêm một ván cờ với một đối thủ nặng ký mà “hắn” gặp ở quán nước.

“Hắn” kéo tôi về nhà, còn kịp trả tiền mấy chén nước chè mạn, chứ không phải ghi sổ như “hắn” vẫn nói đùa. Bước lên căn nhà “hắn” thuê mà tôi khá quen thuộc, tôi giật mình vì sự xáo trộn trật tự của căn nhà không tưởng tượng được.

Mấy mét vuông của "phòng riêng", nơi “hắn” để chiếc máy tính và tấm đệm ngả lưng, nay là nơi để giá vẽ tranh, trên đó là một bức tranh to tướng “hắn” đang vẽ dở, còn dưới sàn là la liệt những tuýp, những tuýp màu vẽ. Chiếc máy tính bây giờ khép nép nằm vào một góc, tấm đệm đã không còn chỗ cũ. Còn cái phòng rộng hơn hắn kê bộ salon to đùng, ngày mới dọn đến “hắn” nghiến răng bỏ ra 10 triệu để mua, nay chẳng thấy đâu, chỉ ngổn ngang, lộn xộn, toàn tranh là tranh. Tranh treo, tranh xếp đầy phòng, tranh ngự trị cả trên tường lối lên của cái cầu thang vừa bé, vừa dốc, rất khó đi…

Tôi nhìn "phòng" tranh của “hắn” mà sửng sốt. Tôi không ngờ “hắn” vẽ được nhiều đến thế và tranh của “hắn” lạ đến thế. Đành rằng tôi là kẻ mù về tranh, nhưng dù chỉ là một người thưởng thức bình dân, tôi cũng có được cái cảm giác thú vị khi ngắm nhìn những bức tranh của “hắn”.

“Hắn” say sưa "khoe" với tôi những bức tranh mà “hắn” thích. Đây là bức “hắn” vẽ từ ý tưởng khi đọc báo biết có một nữ tử tù bị án tử hình đã tìm mọi cách để có thai trong trại giam mong thoát được cái chết, và chị ta đã làm được.

“Hắn” bảo chỉ có những đứa con mới cứu được cha mẹ, chứ có cầu xin bằng cách nào đi nữa thì trời đất, thánh thần cũng không thể cứu được mạng người khi con người đã phạm trọng tội. Đây là bức “hắn” vẽ một người bị đóng hộp, tay chân, tim phổi cũng bằng thừa, chỉ còn cái đầu lìa khỏi cổ là còn bay, bay mãi…

Không hiểu sao, trong hàng chục bức tranh của “hắn”, tôi lại thích ngắm 5 bức tranh “hắn” vẽ về lợn hơn cả. “Hắn” bảo, “hắn” tuổi lợn nên vẽ về lợn cũng chính là vẽ về “hắn”.

Con lợn rất gần gũi với con ngươì, nhưng lại hay bị con người coi thường, thậm chí khinh rẻ. Chả thế, ai bị mắng "ngu như lợn" là có thể nổi xung lên rồi! Nhưng con lợn lại là con vật rất thông minh, chỉ có nó mới có đủ sự thông minh để dẫn dắt con người ra khỏi đầm lầy mỗi khi lâm nạn.

Ở đâu đó, người ta còn huấn luyện cho lợn để đánh hơi phát hiện… ma tuý mà hiệu quả không kém gì các chú chó làm "nghề" này đã được tặng thưởng huân chương chiến công!

“Hắn” đặt tên cho các bức tranh về lợn của “hắn” là "Lợn tư duy", "Lợn hãnh tiến",  "Lợn phổng mũi", "Lợn đóng dấu" và "Lợn chê cám". “Hắn” bảo, đừng coi thường "Lợn tư duy", nó thông minh và đáng yêu ra phết!

Còn nhìn vào bức tranh "Lợn phổng mũi" và "Lợn hãnh tiến" “hắn” vẽ vừa thấy buồn cười vừa thấy đáng ghét. Con lợn phổng mũi quen ưa nịnh nên một bên má đỏ au, căng tròn, cái tai to tướng; còn bên kia mặt quắt lại, đen xì, cái tai bé xíu vì không thích nghe lời nói thật, nói thẳng, chỉ thích nghe lời nịnh nọt, xun xoe!

Con lợn hãnh tiến thì "mặt sắt đen xì", dáng vẻ vênh vênh vang vang, tự đắc không giống đồng loại "hiền lành" của mình một chút nào. Còn trên cái mũi hếch của con "Lợn đóng dấu" trong bức tranh của “hắn”, “hắn” vẽ một con dấu hình vuông, "bảo chứng" cho con lợn lành, không gây dịch bệnh, không làm hại ai cả...

“Hắn” nói với tôi, tính cách “hắn”, con người “hắn” có đầy đủ những điều “hắn” gửi gắm trong các bức tranh “hắn” vẽ về lợn, kể cả bức tranh "Lợn chê cám" của “hắn”. Đôi lúc “hắn” thấy mệt mỏi, chê cơm như… lợn chê cám. Mà một khi lợn đã chê cám thì chỉ còn cách là bị… phanh thây, mổ bụng. Vì thế trong bức tranh này, “hắn” vẽ con lợn không còn nguyên thân, chân đã thành… chân giò, còn các bộ phận khác thì được phơi bày trong một khung cảnh có dao chọc tiết lợn và các móc sắt treo trong một nhà mổ! Ghê quá!

“Hắn” hỏi tôi, thấy tranh của “hắn” thế nào? Dẫu mù về tranh, nhưng tôi bảo “hắn”:

- Ông vẽ được lắm, tôi không ngờ. Này, tranh ông có thể bán được chứ chẳng chơi! Khéo mấy chục năm sau ông lại thành Van-gốc, thành Pi-cát-xô của Việt Nam chứ chơi à?

“Hắn” cười:

- Rồi ông xem, thế nào tôi cũng thành Van… ngọn, thành Phi-cát… thùng cho coi!

Tôi thật thà bảo “hắn” mở phòng trưng bày tranh, chắc có nhiều người thích. “Hắn” cười, tiết lộ:

- Có mấy ông bạn họa sĩ và nhà phê bình hội hoạ đến chơi, tôi hỏi họ ba điều: "Tranh tôi vẽ có lố bịch không? Có giống ai không? Có vui không?". Họ trả lời, tranh tôi vẽ không lố bịch, không giống ai và xem tranh thấy vui. Thế là tôi yên tâm và dự định ngày 1-7 này "ăn theo" thi sĩ, họa sĩ Trần Nhương triển lãm tranh của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phần trưng bày của Trần Nhương có tên "Thi hứng", còn của tôi sẽ là "Hú họa". Ông Nhương là thi sĩ, lại là họa sĩ tên tuổi, có tranh treo trong bảo tàng rồi, nên tranh của ông ấy trưng bày lần này có chất thơ, bay bổng. Còn tôi, vẽ tranh chỉ là sự hú họa, nay "ăn theo" ông ấy đưa ra để cho bạn bè xem. Nếu ai thấy được có khen một tiếng thì đấy chẳng qua là tôi gặp may, "hú họa" mà có. Còn ai không thích, chê, thậm chí chê thậm tệ, thì tôi cũng xin thưa, tôi vẽ "hú họa" ấy mà, chấp làm gì!…

Nói rồi “hắn” kéo tôi ra quán bia hơi đầu phố, lôi ghế ngồi vỉa hè, gọi mấy vại bia và đĩa lạc, vừa uống vừa "hưởng lạc" cùng bạn bè. Mấy cháu bán bia đã quá quen mặt, cứ bố bố con con với “hắn”, mời “hắn” gọi đồ ăn. “Hắn” cười thật tươi, không nói giơ một cẳng chân ra trước mặt một cháu bán bia, chỉ chỉ. Tôi chợt nghĩ, chắc “hắn” gọi món chân giò, cái thứ chân giò trong bức tranh "Lợn chê cám" của “hắn”!

Nhưng không phải. “Hắn” bảo chẳng cần nói, các "con" trong quán đều biết, “hắn” chỉ như vậy là gọi món "bít tất" (bít-tết) mà “hắn” khoái khẩu!

Gần 40 năm quen biết Nguyễn Khắc Phục, từng sống chết có nhau trong những ngày chiến tranh tại chiến trường Quảng Đà, tôi chưa có một dòng nào viết về “hắn”, trong khi không biết bao nhiêu nhà văn, nhà báo đã viết về “hắn”, về tiểu thuyết, về thơ, về kịch… của “hắn”.

Lần này, tôi đánh bạo viết vài dòng "hú họa" về “hắn”, lại viết về một lĩnh vực tôi hầu như chẳng biết. Mong sao sự "hú họa" đó được bạn đọc thương tình, châm chước cho tôi

Dương Đức Quảng
.
.
.