Quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan: Vẫn lúng túng và nhiều vướng mắc

Thứ Năm, 27/10/2016, 08:59
Sau 5 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMOs) được thành lập, đi vào hoạt động, một số tổ chức khác cũng đang rục rịch ra đời.

Đây được coi là cầu nối giữa chủ sở hữu tác phẩm và người sử dụng tác phẩm trong việc quản lý, sử dụng, chi trả tiền tác quyền cho chủ sở hữu tác phẩm và những người có liên quan. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các tổ chức này đang vướng nhiều vấn đề, kể cả cách thức, hiệu quả hoạt động cho đến việc bị cho là thiếu minh bạch thông tin tài chính tạo nhiều luồng thông tin trái chiều trong dư luận.

Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc – một trong số các đối tượng gặp khó khăn trong bảo vệ tác quyền hiện nay.

NSND Thanh Hoa, Chủ tịch  Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) tâm sự rằng 50 năm nay chị được công chúng yêu mến trên sân khấu. Từ khi nhận nhiệm vụ này, chị loay hoay chưa biết làm sao cho tốt nhất.

Nhìn “gương” nhạc sĩ Phó Đức Phương bị cả người làm nghề lẫn dư luận phản ứng thời gian qua, chị thật sự rất lo lắng. Nữ nghệ sĩ cũng rất băn khoăn vì mỗi tác phẩm được chuyển đến tay người sử dụng liên quan đến rất nhiều bên, kể cả các tổ chức đại diện tập thể về quyền tác giả, hiệp hội ghi âm.

Không lẽ, một đơn vị, một tác phẩm, có đến 3 đại diện cùng đến “một nhà” đòi tác quyền. Nếu không đòi quyền lợi riêng mà đòi chung cho cả 3 bên thì mức phí ra sao để đảm bảo quyền lợi của các bên cũng là vấn đề “đau đầu”, chưa thống nhất được.

Trao đổi về thực trạng và giải pháp bảo đảm cho quyền tác giả và quyền liên quan, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, ở Việt Nam hiện nay có 5 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã được thành lập: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) và Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA).

Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã đi vào hoạt động có kết quả bước đầu, đáng khích lệ, tạo niềm tin cho các hội viên ủy thác quyền đồng thời góp phần đưa các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được, các tổ chức đại diện tập thể cũng còn gặp nhiều khó khăn. 

Cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể chưa đầy đủ, năng lực quản lý, thực thi của các tổ chức đại diện tập thể chưa chuyên nghiệp. Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng tác phẩm, các đối tượng quyền liên quan còn nhiều hạn chế và chưa nghiêm túc.

Tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra với các hình thức và mức độ khác nhau. Để nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, thời gian tới cần rất nhiều giải pháp tích cực hơn.


Ngọc Nguyễn
.
.
.