Tôn vinh, phát huy di sản của vị hậu tổ sân khấu Tuồng

Thứ Ba, 19/09/2017, 13:10

Ngày 19-9, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ ân khấu Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã phối hợp tổ chức kỷ niệm 172 năm ngày sinh và 110 năm ngày mất danh nhân văn hóa Đào Tấn. Có sự tham gia của đông đảo các trí thức, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, tại lễ kỷ niệm, những đóng góp to lớn của vị hậu tổ sân khấu Tuồng thêm một lần được khẳng định, soi chiếu dưới nhiều góc độ phân tích của các nghệ sĩ, học giả và bằng khá nhiều trích đoạn tác phẩm Tuồng nổi tiếng.  


NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định, nhà thơ, nhà soạn Tuồng lỗi lạc Đào Tấn, danh nhân văn hóa tiêu biểu của vùng đất Bình Định là “ông quan nghệ sĩ với bút pháp hiện thực”, đã có đóng góp to lớn cho sân khấu nói chung, nghệ thuật sân khấu Tuồng nói riêng.

Danh nhân Đào Tấn sinh ra tại Bình Định. Từ thủa thiếu thời, ông đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, sớm hấp thu và có những cách tân trong sáng tác nghệ thuật sân khấu Tuồng, thành danh trên con đường khoa cử, làm rạng danh nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam. 

Kỷ niệm 110 năm ngày mất của danh nhân Đào Tấn

Gần 30 năm làm quan triều Nguyễn nhưng làm nên danh Đào Tấn không phải là hoạt động chính trị mà là sự nghiệp văn chương. Nhiều tác phẩm của ông đã đưa nghệ thuật Tuồng lên những đỉnh cao mới, trở thành  những kiệt tác sân khấu”“Hộ sanh đàn”, “Trầm Hương các”, “Diễn võ đình”… Ông cũng là tác giả của nhiều làn điệu độc đáo trong âm nhạc Tuồng, là tác giả tập sách lý luận sân khấu đầu tiên của nước ta mang tên “Hí trường tùy bút”. 

Đào Tấn sáng lập và chủ trì hoạt động của rạp hát “Như Thị Quan” ở Nghệ An và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật Tuồng mang tên “Học bộ đình” tại Nghệ An và Bình Định quê hương ông. Đây cũng là nơi đào tạo những nghệ sĩ Tuồng xuất sắc thuộc nhiều thế hệ. Ngoài ra, ông còn được coi là một một nhà văn lớn của đất nước khi là tác giả của hơn 1000 bài thơ, từ và tập bút ký “Mộng Mai văn sao”.

Từ hơn một thế kỷ qua, tên tuổi và sự nghiệp của Đào Tấn đã là một niềm tự hào của những người hoạt động văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, nhiều vở Tuồng của ông tiếp tục được các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên cả nước dàn dựng, biểu diễn. Thơ, từ của ông được tuyển chọn, biên dịch, giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của ông được nghiên cứu ngày càng toàn diện sâu sắc qua hàng chục hội thảo khoa học có tính chất quốc gia.

Biểu diễn một trích đoạn tiêu biểu của hậu tổ sân khấu Tuồng Đào Tấn

Một số thành phố trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vinh, Quy Nhơn… đã có những con đường mang tên Đào Tấn. Một khu tưởng niệm Đào Tấn đã bước đầu được xây dựng tại quê hương Tuy Phước, Bình Định của ông và trong tương lai nơi này sẽ mở rộng thành Bảo tàng Đào Tấn.

Phát biểu tại buổi lễ, NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định: Kỷ niệm 172 năm ngày sinh và 110 năm ngày mất của Đào Tấn là dịp để chúng ta một lần nữa tôn vinh vị danh nhân văn hóa kiệt xuất của đất nước và tích cực hành động, thực hiện các nhiệm vụ kế thừa, phát huy các di sản vô giá mà Đào Tấn để lại phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trước hết là thực hiện tuyên truyền quảng bá sâu rộng hơn ở trong và ngoài nước về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn, phổ biến có hiệu quả hơn các tác phẩm của ông. 

NSND Vương Duy Biên cũng đề nghị các đơn vị nghệ thuật Tuồng cũng như các đơn vị sân khấu khác trong cả nước nên có kế hoạch tái tạo các kiệt tác của Đào Tấn theo cách mới phục vụ người xem hôm nay.

GS.TS Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cũng chia sẻ: Lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất của danh nhân Đào Tấn đã góp phần làm sinh động, đa dạng về con người, sự nghiệp nghệ thuật của vị hậu tổ Tuồng, tạo nền tảng, điều kiện để các nghệ sĩ trẻ hôm nay biết yêu và hiểu biết hơn những giá trị của Đào Tấn và các tiền nhân để lại.

N.Hoa
.
.
.