NSND Đàm Liên: “Bà chúa” của sân khấu tuồng

Thứ Hai, 09/06/2008, 14:37

NSND Đàm Liên sinh năm 1943, tức là năm nay bà đã 65 tuổi. Nhưng nhìn vào người phụ nữ đối diện chẳng ai nghĩ, bà đã ở tuổi ngoài "lục tuần". Da trắng, đôi mắt đằm và một mái tóc đen nhức. Bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Đàm Liên bảo đó là nhờ... tuồng. Suốt cuộc đời bà, từ khi đã mang lấy nghiệp, chẳng lúc nào bà thôi đắm đuối và thủy chung với nó.

Tôi đã thấy một nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đàm Liên trong những vai tuồng "Ông già cõng vợ đi xem hội", "Trưng Trắc", "Phương Cơ giả điên qua ải", "Hề nghe tin dữ"... mà ở đó bà mải miết diễn, khóc cười theo từng số phận nhân vật để rồi nhiều thế hệ khán giả Việt Nam đã gọi bà với những danh xưng "Bà chúa của sân khấu tuồng", "Vua tuồng"... Nhưng tôi cũng kịp bắt gặp một người đàn bà của tuổi ngoài 60 cô đơn đi giữa con đường đông đúc phố Chùa Hà, hầu như ngày nào cũng vậy, với bà, được đi ra chợ, được gặp mọi người, được nghe những tiếng đời ồn ã và bụi bặm dường như lâu lắm rồi, đã trở thành một nhu cầu tự thân.

Tuồng với Đàm Liên như duyên tiền định

Sinh ra ở vùng đất miền Trung Phú Yên, từ nhỏ Đàm Liên đã nổi tiếng là cô gái xinh đẹp và có giọng hát hay. Tuổi thiếu nữ, ước mơ của cô là được trở thành một diễn viên múa hoặc một diễn viên đóng phim, nhưng mẹ cô, một nghệ sĩ của đoàn tuồng nhất quyết hướng cô con gái đi theo nghiệp tuồng.

Mùa hè năm 1958, trong một dịp theo mẹ vào Đồng Hới công tác, cô bé đang độ tuổi trăng tròn tình cờ gặp đoàn làm phim “Chung một dòng sông”. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi đó đã định lựa chọn Đàm Liên vào một vai diễn nhưng những nghệ sĩ ở đoàn tuồng nhất quyết không đồng ý. Trở lại Hà Nội, cô bé bướng bỉnh đã lén đi thi tuyển vào đoàn múa của nghệ sĩ Phùng Thị Nhạn và trúng tuyển với số điểm rất cao. Nhưng mọi người trong đoàn tuồng, đặc biệt là nghệ sĩ Sáu Lai lại nhất mực can thiệp để cô không thể theo học múa. Cô bé Đàm Liên đã “phản ứng” bằng cách nộp đơn thi tiếp vào trường điện ảnh để rồi trong danh sách những người trúng tuyển, một lần nữa tên cô có dịp vinh danh.

Nhưng cuộc đời luôn có sự tiền định ngẫu nhiên mà đôi khi con người không thể biết trước. Sự phản ứng quyết liệt của mẹ và đoàn tuồng không cho Đàm Liên theo điện ảnh để rồi về sau, sân khấu tuồng có một tên tuổi và những dấu ấn sâu đậm của cô gái đến từ đất Phú Yên đã để lại cho loại hình sân khấu truyền thống này của dân tộc.

Bây giờ đã ngoại "lục tuần", Đàm Liên nhận ra rằng, với cuộc đời bà, nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Đấy là sau này, chứ tại thời điểm đó, phải từ bỏ những môn nghệ thuật mình yêu thích để đi theo tuồng, với Đàm Liên, đó như một sự ép buộc. “Nhưng nếu không học tuồng thì cũng chẳng biết học gì? Thôi thì cứ học cho đỡ... mất thời gian”. Đàm Liên có ngờ đâu, loại hình nghệ thuật này như một mạch nước ngầm trong mát, thấm dần, len lỏi vào tâm hồn lúc nào không hay.

Cũng có thể như một duyên tiền định, cũng có thể từ năng khiếu diễn xuất trời cho, chỉ hơn một năm sau, năm 1960, Đàm Liên đã có thể đóng những vai như Trưng Trắc, Liễu Nguyệt Tim... Một thời gian sau, trong một chuyến đi chơi tình cờ, đoàn của cô đã có dịp gặp đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác Hồ). Đồng chí Vũ Kỳ nhìn Đàm Liên rồi bảo: “Đưa cô nhỏ này vào diễn tuồng cho Bác xem”. Và rồi lần đầu tiên cô bé Đàm Liên được gặp Bác Hồ.

Cô diễn vai Trưng Trắc, Đàm Liên nhớ lại: “Bác rất giản dị và gần gụi. Không hiểu sao lần đầu tiên diễn cho một vị Chủ tịch nước xem mà tôi có cảm giác như diễn cho người cha mình hằng kính yêu mà lâu ngày được gặp lại. Tôi diễn xuất, và sống đến tận cùng với thân phận của nhân vật. Xem xong Bác khen: “Cháu diễn đáng yêu lắm”. Câu nói ấy của Bác là niềm động viên và như một động lực để tôi có thể thủy chung gắn bó với nghề”.

Bắt đầu từ đó, cái tên Đàm Liên đã nổi danh trong làng tuồng với một loạt những vai diễn kiệt xuất. Trong đó có thể kể đến "Phương Cơ giả điên qua ải", "Bà Huyện đánh ghen", "Ông già cõng vợ đi xem hội"...

Một ngày không diễn là một ngày bứt rứt không yên

NSND Đàm Liên sinh năm 1943, tức là năm nay bà đã 65 tuổi. Nhưng nhìn vào người phụ nữ đối diện chẳng ai nghĩ, bà đã ở tuổi ngoài "lục tuần". Da trắng, đôi mắt đằm và một mái tóc đen nhức. Bà trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Đàm Liên bảo đó là nhờ... tuồng. Suốt cuộc đời bà, từ khi đã mang lấy nghiệp, chẳng lúc nào bà thôi đắm đuối và thủy chung với nó.

Ngày trẻ không nói, bây giờ tuổi đã cao nhưng mỗi ngày không được diễn một điệu tuồng là bà cảm thấy bứt rứt không yên. Nếu có những cuộc biểu diễn thì không sao, còn cứ có thời gian rảnh ở nhà, bà lại đem những điệu tuồng đã từng đi suốt cuộc đời mình ra tập lại. Tập đôi khi cho đỡ mòn mỏi vì tuồng là sự sống của bà. 

Là một người đắm đuối và gắn bó với tuồng suốt một thời gian dài như vậy, Đàm Liên đã có công không nhỏ trong việc lưu giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này để nó không bị mai một. Nhiều nghệ sĩ trẻ, qua tay bà đào tạo, đã dần khẳng định được vị trí của mình trong vai trò kế tiếp các thế hệ đi trước. Bà dạy nhiệt tình, không nề hà thù lao, có cũng tốt mà không có cũng chẳng lấy làm điều. Bà vô tư truyền đạt, thổi ngọn lửa nghề vào cho bậc hậu sinh như một thiên sứ. Như một nhiệm vụ mà bản thân bà cũng không hiểu vì sao mình lại làm như vậy, nó như một sự tri ân của bà dành cho tuồng.--PageBreak--

Những tưởng rằng, trong cuộc sống hiện đại, vai trò của tuồng và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác ngày càng mai một nhưng Đàm Liên không nghĩ vậy. Bởi vì chẳng đâu xa, chỉ cách đây mấy hôm, ngồi ở một quán nước bên đường, có vài thanh niên đã đến tận nơi để hỏi bà: “Thưa cô, cô có phải là diễn viên tuồng? Cô đóng "Ông già cõng vợ đi xem hội"?". “Đấy, chị có thấy không? Nếu không thích sao có người còn phát hiện ra tôi? Bảo tôi đẹp. Nếu vậy chỉ là ngày xưa thôi, chứ bây giờ có tuổi rồi nên nói vậy cũng không đúng”.

Bà cho rằng nghệ thuật gì đi chăng nữa, bao giờ cũng “hữu xạ tự nhiên hương”, tức là anh đắm đuối, sống chết với nghề thì không lo người khác không ghi nhận. Chỉ qua một lần tiếp xúc với một số bạn trẻ ở quán nước, bà càng có dịp hiểu thêm giá trị của nghệ thuật và giá trị bản thân để rồi từ đó càng thấy phải có trách nhiệm với tuồng. Làm sao để ngày càng có nhiều cơ hội hơn nữa đưa tuồng vào cuộc sống, đến được với công chúng. Khác với các môn nghệ thuật sân khấu khác, không du dương như cải lương, không màu sắc như chèo, tuồng cũng nói lên những nỗi buồn nhưng là nỗi buồn bi hùng, nỗi buồn của tâm trạng và cảm xúc.

Tuồng là một thứ nghệ thuật diễn từ bên trong. Yêu và hiểu tuồng cặn kẽ như vậy, không chỉ đóng góp qua những lần diễn xuất, giảng dạy mà bà còn tham gia nhiều cuộc hội thảo về tuồng, trong đó đề tài tham luận: “Tuồng trong xu thế hội nhập” của bà được giới chuyên môn đánh giá cao, ra album đầu tiên về tuồng, và mới đây nhất, bà đã cho ra đời VCD-DVD “nghệ thuật tuồng qua những vai diễn của NSND Đàm Liên”. Đây là VCD-DVD đầu tiên và duy nhất của sân khấu tuồng cũng như của NSND Đàm Liên.

Bà còn là người bồi đắp cho sân khấu tuồng thêm phong phú khi phát hiện ra 15 kiểu cười dành cho nữ. Bà vẫn chưa quên cách đây không lâu, vở diễn “Bí ẩn linh hồn” do bà diễn xuất đã được mọi người ghi nhận là đẳng cấp cao của tuồng. Trong Đẹp Fashion Show 5 - “Bí ẩn linh hồn”, khán giả đã được trở về với thế giới tâm linh thuần khiết của người Việt một cách bất ngờ. Đó là một câu chuyện tình cảm động mang màu sắc văn hóa dân gian kể về một chàng trai lọt vào cõi âm để tìm người yêu đã mất. Trên nền kịch bản chung đó, show là sự kết hợp hài hòa cái đẹp của âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, trang phục... và đặc biệt là sự xuất hiện của NSND Đàm Liên với trích đoạn “Hề nghe tin dữ” thông qua tiếng cười đặc sắc diễn tả nội tâm nhân vật vừa bất ngờ vừa đau đớn, vừa như không muốn chấp nhận sự nghiệt ngã... NSND Đàm Liên đã góp phần đẩy thành công của show diễn lên đến đỉnh cao, cũng chính là khẳng định đẳng cấp của mình trong nghệ thuật diễn tuồng.

“Thôi đành ru lòng mình vậy...”

Tôi đến thăm NSND Đàm Liên trước một ngày giỗ của chồng bà, nhạc sĩ tài hoa Vĩnh An. Trong thoang thoảng mùi hương trầm đốt sớm, bà tỉ mẩn lên kế hoạch cho ngày mai, sắp xếp lại cốc chén, lau chùi lại ban thờ... Cô con gái duy nhất của vợ chồng ông bà, cũng có dịp từ Vũng Tàu bay ra, làm cho căn phòng trống trải thêm ấm cúng.

Nhắc về chồng, nhạc sĩ Vĩnh An, trong lòng Đàm Liên lúc nào cũng là những thương nhớ. Nhạc sĩ Vĩnh An hơn bà những 15 tuổi. Thời ấy, Đàm Liên là mơ ước của không ít các chàng trai, các “công tử hào hoa” nhưng không hiểu sao, bà lại chọn nhạc sĩ Vĩnh An, một người đàn ông đã có tuổi lại bị cận thị nặng (lời của bà). Chỉ có những người trong cuộc, chỉ có những người nghệ sĩ họ mới có thể cảm nhận và chia sẻ sâu sắc những tình lẫn nghĩa cho nhau đến vậy.

Đàm Liên bảo bà không bao giờ thấy ân hận, chính Vĩnh An là người bắc cái thang để bà bước từng bậc, đến được đỉnh điểm trong nghệ thuật... “Đi tìm người hát câu hát lý thương nhau” là bài hát mà ông đã viết tặng riêng cho bà. Đã hơn 10 năm từ ngày nhạc sĩ Vĩnh An ra đi, mỗi lần nhắc đến chồng, bà không khỏi những thổn thức. “Mỗi bước ra đi/ Dừng chân ngó lại/ Lòng càng quạnh hiu/ Đau thắt con tim...”. Đột nhiên Đàm Liên hát cho tôi nghe những lời buồn ấy trong một sớm mùa hè diệu vợi. Đó là bài thơ bà tự sáng tác. Và đó là cảm giác thật của bà.

Cô con gái, vội vã trở về với mẹ được một khoảng thời gian rồi lại vào Nam. Chỉ có bà ở lại. Hà Nội vẫn bộn bề những cảm xúc xưa cũ, nỗi buồn cũng xưa cũ... Bây giờ với Đàm Liên, tuồng như một ngọn lửa thắp sáng và sưởi ấm con tim. Bà bảo với tôi vậy, nên dù nắng hay mưa, nóng hay lạnh, bất kể có lời mời biểu diễn nào là bà lại dắt xe ra đi. Nó là nhu cầu của bản thân, cũng là cơ hội để bà có thể tích góp thêm chút tiền, chẳng phải để làm gì cho riêng mình cả. Nó dành cho người đã khuất. Từ lâu, mơ ước có thể làm riêng một chương trình ca nhạc dành cho chồng với tiêu đề: Nhạc sĩ Vĩnh An - Đi tìm người hát câu hát lý thương nhau, với bà luôn thường trực, hiện hữu...

Hải Châu
.
.
.