Tọa đàm, triển lãm “Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động”
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Tranh cổ động là một thể loại của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, có lối biểu đạt nội dung dễ hiểu, rõ ràng, thuyết phục, có tính khái quát, tính thẩm mỹ, tính trực quan. Trong lịch sử cách mạng nước ta, ngay từ khi ra đời, tranh cổ động đã nhanh chóng trở thành một phương tiện nghệ thuật hiệu quả góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Cũng như báo chí, những thông điệp mà tranh cổ động mang luôn có tính thời sự trong thời đại của chúng ta hôm nay và chắc chắn đây sẽ tiếp tục là dòng tranh có khả năng khơi dậy mạnh mẽ khả năng sáng tạo của các họa sĩ trong quá trình tiếp cận công chúng và thâm nhập đời sống xã hội. Vì vậy, các nhà báo, các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn khiến chúng ta nghĩ đến những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, đi đầu trong hoạt động phản ánh các vấn đề thời sự và có tác động trực tiếp, mạnh mẽ trong đời sống đất nước.
Ban tổ chức tiếp nhận hiện vật, tranh cổ động hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. |
Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng bày tỏ, ông vô cùng tâm đắc với ý kiến của Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khi cho rằng: “Tranh cổ động vẫn luôn đồng hành với những sự kiện lớn của đất nước, góp một tiếng nói quan trọng để cùng với các lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển tải tới người dân những thông điệp bằng một ngôn ngữ riêng, đặc biệt”.
Việc tổ chức tọa đàm và trưng bày “Nghệ thuật tuyên truyền và đời sống đất nước trong tranh cổ động” sẽ giúp công chúng tin tưởng hơn ở sức mạnh của nghệ thuật tuyên truyền ở tranh cổ động, ở trên báo chí cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác.
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, quản lý đã cùng thảo luận, làm sáng rõ hơn về nghệ thuật tuyên truyền ở góc độ tranh cổ động. Một số tham luận còn chỉ ra nhiều điểm chung giữa tranh cổ động và báo chí như: “Tranh cổ động – Nghệ thuật và chất báo chí” của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí – Truyền thông; “Tranh cổ động với báo chí cách mạng Việt Nam” của nhà nghiên cứu Tạ Thu Phong. TS Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam đi sâu phân tích tranh cổ động trong đời sống xã hội Việt Nam xưa và nay…
Dịp này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng đã tổ chức tiếp nhận nhiều hiện vật và Bộ sưu tập 1010 bức tranh cổ động do Nhà báo Nguyễn Đăng Tiến dày công sưu tầm, hiến tặng. 200 tranh cổ động qua các thời kỳ cũng đã được ban tổ chức trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng.