Tản mạn “Giữa mùa hoa Pơ lang” cùng Phạm Xuân Trường
- Ra mắt sách về đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội thời Pháp
- Ra mắt sách kỹ năng sống “Muốn nghèo cũng khó lắm chứ bộ”
Những năm tháng tuổi thơ của của Phạm Xuân Trường ở xứ sở hoa phượng đỏ được khắc họa mộc mạc, dung dị qua tác phẩm “Bánh đa cua”. Ở đó, có những con người bình dị làm đủ các nghề như: Dạy học, viết báo, công nhân cảng, lái xe, đạp xích lô... Tất cả đều ăn sáng ở quán bánh đa cua của cụ già lưng còng.
Hương vị bánh đa cua là cả một miền ký ức in đậm trong niềm thương của tác giả, để rồi khi xa quê nỗi nhớ cứ da diết, day dứt, khắc khoải về một món ăn thời xa vắng, có dáng hình người mẹ thân yêu nhất của mình.
Sách do Nhà Xuất bản Quân đội ấn hành |
Tình mẹ gói gém trong món bánh đa cua luôn ngóng chờ đứa con đi xa trở về. Nhưng rồi chẳng kịp nữa. Quê hương, ngôi nhà, góc phố, bóng mẹ đã tan mờ... những kỷ niệm nhạt nhòa không thành tiếng.
9 tác phẩm của Phạm Xuân Trường trong tập sách này, dù dài dù ngắn, người đọc đều nhận thấy vấn đề con người là vấn đề chính yếu. Các truyện ngắn, bút ký đều được viết ra một cách tự nhiên, chân thật, không có sự gượng ép hay trang điểm cầu kỳ. Phạm Xuân Trường có lối kể chuyện dung dị, câu văn chứa đựng sự mộc mạc, chân chất của một con người mang đậm chất lính.
Có cơ hội đi nhiều, gặp gỡ nhiều, thấu hiểu nhiều nên Phạm Xuân Trường có cái nhìn sâu lắng, tinh tế với mỗi vùng đất, con người, những cơn gió và các loài hoa. Trong bút ký “Giữa mùa hoa Pơ lang”, anh nhớ da diết hoa Pơ lang nở đỏ thắm bên dòng sông Pô Cô thuở nào, bóng cây Kơ nia hùng vĩ sừng sững giữa đại ngàn Tây Nguyên và cả ngôi nhà rông cao vút trên nền trời xanh thẳm. Những em gái buôn làng Kom Pơ Nay mang vẻ đẹp hoang sơ trong ánh lửa bập bùng cứ thổn thức vờn quanh nỗi nhớ của Phạm Xuân Trường.
Tác giả Phạm Xuân Trường |
Ngoài những trang văn đời thường, tập sách đã dành phần lớn thời lượng cho các truyện ngắn, truyện ký về đề tài chiến tranh và người lính. Bút ký "Chàng sĩ quan trẻ đam mê khoa học Nguyễn Danh An", người đọc cảm nhận rõ rệt hơi thở cuộc sống hiện đại, sức làm việc bền bỉ, bản lĩnh và ý chí kiên định của người lính trẻ. Hay truyện ký “Má Sáu Ngẫu”, tác giả đã khắc họa được người phụ nữ suốt đời tận tâm tận lực phục vụ tổ quốc trong thời kỳ chiến tranh.
Những trang viết về tình cảm vợ chồng của má, về những chuyến đi công tác giao liên trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường. Sau cùng, Phạm Xuân Trường đã xây dựng một hình tượng Má Sáu Ngẫu tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam, đảm đang, tháo vát việc nước việc nhà. Trải qua rất nhiều gian nguy, rất nhiều khổ đau vẫn hướng về ngày thắng lợi cuối cùng của cách mạng.