Sống lại những ngày Toàn quốc kháng chiến

Thứ Sáu, 16/12/2016, 08:34
Thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, tối ngày 15-12, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sống mãi với Thủ đô” đã diễn ra tại hai điểm cầu chợ Đồng Xuân và Bảo tàng Lịch sử quân đội Việt Nam.

Bằng âm nhạc và ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu cùng những nhận định đánh giá của các chuyên gia lịch sử và bằng cả ký ức chân thật nhất của các nhân chứng, khán giả như được trở lại những ngày này của 70 năm về trước, khi cả Hà Nội sục sôi trước vận mệnh của Tổ quốc. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội thay mặt cả nước nổ phát súng đầu tiên…

“Sống mãi với Thủ đô” còn mang đến sự sinh động, hơi thở hiện đại nhưng vẫn đảm bảo truyền tải đầy đủ nội dung, ý nghĩa những dấu mốc lịch sử đã qua. Qua chương trình, khán giả hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc và những sự kiện lịch sử như 60 ngày đêm Hà Nội kiên cường chiến đấu giữ chân địch để Trung ương an toàn rút lên chiến khu Việt Bắc mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm…

Mời các bạn cũng ngắm nhìn lại hình ảnh về những người lính “Sống mãi với Thủ đô” trong sự kiện lịch sử 60 ngày đêm kiên cường chiến đấu.

Mùa đông của Hà Nội cách đây 70 năm, người dân Thủ đô với hình ảnh thân quen trà đá vỉa hè và háo hức đọc báo in.
Trước tình hình Hà Nội sắp bị thực dân Pháp tấn công, những người con Hà Nội và anh em tự vệ quyết tâm ở lại chiến đấu, bảo vệ Thủ đô.
Họ đón nhận vũ khí và chiến đấu với ý chí quyết chiến trong mỗi người.
Cái ôm trong rưng rưng với một đồng đội, người đã lén viết đơn xin vào đội bom ba càng phá xe tăng. (Đội đánh bom ba càng là những chiến sĩ mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ).

Các cuộc chiến bắt đầu nổ ra liên tục.

Mặc cho mưa bom, bão đạn, giây phút sinh tử cận kề...

Hay trước những đợt càn quét của địch, nhiều đồng chí của ta bị thương, hi sinh.

Dù đầy gian khó nơi chiến trường, những người lính vẫn luôn biết cách an ủi, động viên nhau, chia sẻ với nhau nụ cười.

Sau giây phút ngắn ngủi đó, những người lính lại càng quyết tâm hơn trong chiến đấu và sẵn sàng hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Thực dân Pháp điên cuồng càn quét nhiều hơn và bắn tan ụ súng trên tầng ba ngôi nhà cổ ở phố Hàng Giấy.
Ban ngày, chúng ngang nhiên uống rượu say diễu phố.
Tết năm ấy, các cô gái làng hoa Ngọc Hà đã vượt vòng vây mang đào vào Liên khu I để tặng các chiến sĩ Quyết tử.

Trong mịt mù khói lửa, những cành đào đỏ thắm như những giọt máu theo gió mùa lạnh buốt rơi đầy trên chiến lũy, làm nên một “lũy hoa” giữa lòng 36 phố phường Hà Nội.

Trong 60 ngày đêm, đã có khoảng 10 đội cảm tử được thành lập, với tổng cộng gần 100 đội viên. Họ được gọi là Quyết tử quân. 

Trước khi làm nhiệm vụ, các mỗi người khoác lên cổ chiếc khăn đỏ, tham gia lễ truy điệu sống chính bản thân mình, và được trao một thứ vũ khí đặc biệt, nó có tên là bom ba càng.

Những trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra ở Liên  Khu I kể từ sau Tết Đinh Hợi. Trường Ke, nhà Xô-va, phố Hàng Thiếc, và ác liệt nhất là trận đánh chợ Đồng Xuân.

Trong suốt hai tháng cầm cự liên tục, lời thề quyết tử đã được cụ thể hóa bằng phương châm: Một người, một tổ cũng đánh. Một quả lựu đạn, một chai xăng krếp, một bom ba càng cũng tiến công địch.

Trước nhiệm vụ bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài. Trong bối cảnh vô cùng cam go, lương thực, vũ khí đều cạn kiệt, mọi con đường rút đều bị giặc phong tỏa. Lúc này, một cậu bé liên lạc xuất hiện, người từng dẫn đường cho đội du kích Hồng Hà vào Liên khu I, đã tìm ra lối thoát cho 1.200 con người.
Ra đi để hẹn ngày trở lại với Thủ đô. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn bảo toàn được lực lượng, làm nên một cuộc rút lui thần kỳ sau 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” để 9 năm sau ca khúc khải hoàn chiến thắng.
Xuân Trường
.
.
.