Phục hưng gốm cổ Chu Đậu lừng danh

Thứ Hai, 29/02/2016, 13:29
Gốm cổ Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) hội tụ những nét tinh túy về văn hóa và nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc. Mỗi sản phẩm gốm Chu Đậu tinh xảo với nét vẽ thanh tú, chất men độc đáo.

“Những nét vẽ như rồng bay phượng múa. Những hoa văn tạo dáng đứng sơn hà”. Gốm Chu Đậu hiện được lưu giữ tại 46 bảo tàng trên thế giới, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Chất thơ trên những hoa văn làm cho đồ gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao “Đẹp kiêu sa lay động trái tim người”.

Bức thư của cán bộ Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

Năm 1980, khi đến thăm Bảo tàng Topkapi Saray, Istambul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makoto Anabuki, cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội nhìn thấy chiếc bình hoa lam quý giá có dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Năm Thái Hòa thứ 8, đời vua Lê Thánh Tông, dương lịch là năm 1450, thợ gốm họ Bùi Thị Hý, châu Nam Sách, vẽ).

Ngày 10-6-1980, ông Makoto Anabuki viết thư gửi cho ông Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng, nhờ các nhà khảo cổ học tìm hiểu xuất xứ của chiếc bình gốm này. Sau đó, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành đươc giao nhiệm vụ tìm hiểu về xuất xứ chiếc bình trên. T

háng 4-1986, Sở Văn hóa-Thông tin Hải Dương khai quật di tích Chu Đậu. Các nhà khoa học tìm thấy nhiều di vật gốm mỹ nghệ cao cấp. Đến nay, sau các cuộc khai quật tại xã Thái Tân và xã Minh Tân, huyện Nam Sách, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều hiện vật gốm cổ, hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Qua đó giúp người dân địa phương biết về quá khứ của tổ tiên. Trước đây, khi đào ao, xây nhà, nhân dân thấy những mâm bồng, con kê vành khăn (công cụ chống dính của lò gốm) không biết những thứ đó dùng để làm gì, nên thường cho trẻ nhỏ chơi.

Sau đó, sản phẩm gốm Chu Đậu được tìm thấy ở nơi hai con tàu bị đắm tại vùng biển Pandanan (Philippines) và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997. Hơn 340 nghìn hiện vật gốm Chu Đậu, trong đó có khoảng 240.000 hiện vật còn lành được trục vớt, chứng tỏ gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi thời bấy giờ. Năm 1983, công cuộc tìm kiếm vết tích dòng gốm cổ ở Chu Đậu, Nam Sách bắt đầu bằng chuyên đề "Nghiên cứu gốm sứ cổ Hải Hưng".

Thôn Chu Đậu là một trong 14 địa điểm được khảo sát, khai quật, nghiên cứu với độ sâu trung bình 2m, vùng đất khai quật là 160m² trên tổng diện tích 40.000m². Từ năm 1986 đến nay, các nhà khoa học tiến hành 8 lần khai quật di tích thuộc xã Thái Tân và Minh Tân, huyện Nam Sách. Qua đó, phát hiện hàng vạn hiện vật gồm các loại như: bát đĩa, ấm, bình, con giống, chậu...

Năm 1993, tại eo biển Philippines trục vớt một con tàu đắm ở thế kỷ XV, trong đó có 3.000 đồ gốm và được xác định là gốm Chu Đậu. Năm 1997, sau khi trục vớt một con tàu đắm tại Cù Lao Chàm đã phát hiện khoảng 340.000 hiện vật gốm, trong đó có 240.000 hiện vật còn nguyên. Các nhà khoa học xác định, con tàu chở hiện vật gốm mỹ nghệ từ Chu Đậu. Theo các nhà nghiên cứu, gốm Chu Đậu là dòng gốm đẹp trên thế giới vào thế kỷ XIV- XVII.

Sản phẩm gốm Chu Đậu.

Hồi sinh tinh hoa gốm cổ thuần Việt

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, người tâm huyết trong việc phục dựng, sản xuất gốm Chu Đậu: Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp với hình dáng thanh tao, nước men trong mà mỏng, hoa văn là hình ảnh đời sống thôn làng Việt. Gốm Chu Đậu là gốm đạo, gốm bác học, văn hóa vật chất tâm linh, in đậm dấu ấn văn hóa của Phật giáo, Đạo giáo, đạo nhà, đạo nho. 

Gốm Chu Đậu có kiểu dáng riêng, có màu men trắng ngà hoa lan và họa tiết màu lam. Gốm Chu Đậu hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn: trong như ngọc, trắng như ngà, sáng như gương, kêu như chuông và mỏng như giấy. Với tro trấu, vôi, đất, cao lanh, các nghệ nhân xưa làm nên một loại men cao cấp kỳ lạ : men lam, men ngà, men ngọc..., thổi vào tác phẩm hình ảnh thiên nhiên sinh động và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng “Có gốm Chu Đậu trong nhà. Như là có cả ông bà tổ tiên”.

Sản phẩm tiêu biểu đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình hoa lam và bình tỳ bà (bình cha, bình mẹ), tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực âm dương - trời đất - vợ chồng. Bình tỳ bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà gồm bốn tầng hoa văn, trong lòng miệng bình vẽ hoa lá. Bình tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ, hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, hiền thục, nết na. Họa tiết trên miệng là lông chim Lạc Việt thể hiện khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Hình ảnh lá chuối, lá lúa, lá mía cách điệu kết hợp với họa tiết hoa dây thể hiện cuộc sống miền quê dân dã, mộc mạc vùng châu thổ sông Hồng. Họa tiết chủ đạo trên bình là tứ cảnh. Phần gốc bình là họa tiết cách sen cách điệu, thể hiện cho Phật giáo. Họa tiết lông chim lạc Việt quanh miệng bình thể hiện truyền thống con Rồng cháu Lạc. 

Vai bình vẽ những họa tiết ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa thổ). Thân bình thể hiện bốn mùa tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) và sóng nước Bình Than. Phần chân bình tạo bởi những họa tiết cánh sen. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương (chồng, cha), trụ cột, nền tảng, chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình và xa hơn nữa là trời đất, vũ trụ. Hoa văn trang trí bằng hoa cúc đại đóa thể hiện chính nhân quân tử.

Năm 2001, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đầu tư giai đoạn 1 với 24 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại khôi phục nghề làm gốm Chu Đậu. Hàng trăm thanh niên, chủ yếu là con em của làng Chu Đậu được tuyển chọn và đào tạo, truyền dạy kỹ thuật cơ bản và bí quyết trong từng công đoạn chế tác gốm. Xí nghiệp mời các nghệ nhân đến dạy nghề cho con em địa phương. Gốm Chu Đậu ngày nay kế thừa những tinh hoa văn hóa của cha ông, sản xuất theo dây chuyền hiện đại, kỹ thuật phục nguyên nhiều gam màu cổ, kết hợp với những kiểu dáng, màu men mới, hoa văn, họa tiết phù hợp với thẩm mỹ đương đại. 

Năm 2003, gốm Chu Đậu xuất chuyến hàng đầu tiên gồm 8.490 sản phẩm, trị giá 20.000 USD sang Tây Ban Nha, nơi nhập chuyến hàng cuối cùng của Chu Đậu vào thế kỷ XVII. 

Gốm Chu Đậu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng: "Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hoá Việt Nam". Gốm Chu Đậu được công nhận 3 kỷ lục Việt Nam: chiếc bình hoa lam đại có kích thước lớn nhất, chiếc bình tỳ bà đại có kích thước lớn nhất, chiếc đĩa gốm với 1000 chữ long viết bằng thư pháp có kích thước lớn nhất. Đến nay, huyện Nam Sách có 3 cơ sở thuộc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu và gốm sứ Lưu Gia khôi phục sản xuất gốm Chu Đậu.

Đăng Hùng
.
.
.