Nỗi lòng của các nghệ sĩ tâm huyết với Nhã nhạc cung đình Huế

Thứ Bảy, 03/11/2018, 09:16
Đi đôi với việc phục dựng, biểu diễn và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát cung đình Huế còn nỗ lực truyền bá Nhã nhạc cung đình Huế đến với cộng đồng.

Việc làm này nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về di sản văn hóa từng được UNESCO tôn vinh, góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của loại hình di sản phi vật thể này. Tuy nhiên, sự nỗ lực của các nghệ sĩ chưa được cơ quan chức năng ghi nhận, tôn vinh…

Ghé thăm Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình (NTTTCĐ) Huế vào những ngày cuối tháng 10, chúng tôi bắt gặp các nghệ sĩ, diễn viên ở đây đang tích cực tập luyện những tiết mục Nhã nhạc cung đình để chuẩn bị cho Hội nghị di sản văn hóa phi vật thể Châu Á-Thái Bình Dương 2018 sắp diễn ra tại TP Huế.

Nghệ sĩ Phan Thị Bạch Hoa (54 tuổi), cho hay, sau một chặng đường dài thực hiện công tác phục hồi, bảo tồn, đến nay Nhã nhạc cung đình Huế đang được lan tỏa rộng khắp và được đông đảo du khách trên thế giới biết đến.

Đây chính là kết quả đạt được sau nhiều năm tỉnh Thừa Thiên- Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện rất nhiều chương trình, dự án liên quan đến Nhã nhạc cung đình; trong đó có việc xây dựng cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ cho Nhà hát NTTTCĐ Huế, tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, hình thức diễn tấu, các bài bản bị thất lạc, mở rộng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu tư liệu, chuẩn hóa chương trình biểu diễn Nhã nhạc và múa cung đình.

Qua trò chuyện, NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát NTTTCĐ Huế cho biết thêm, Nhã nhạc là loại hình âm nhạc được xem là quốc nhạc sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình như: Tế giao, Tế miếu, lễ Đại triều… và tùy theo từng lễ, tế mà có các thể loại nhạc khác nhau.

Ví dụ như Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần; Cung trung nhạc biểu diễn trong các cung Hoàng thái hậu và Thái hoàng thái hậu; Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa; Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông. Nhã nhạc vốn có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình.

Đến cuối thời Nguyễn, chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc (gồm trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa) và Tiểu nhạc (trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền). “Ngoài số lượng diễn viên, nghệ sĩ với hơn 150 người thì Nhà hát hiện có phòng chuyên môn, ứng dụng có chức năng xây dựng hồ sơ khoa học, tìm kiếm, lưu trữ, phục dựng các bài bản nhạc cung đình bị thất truyền.

Nghệ sĩ biểu diễn Nhã nhạc trong Nhà hát Duyệt thị đường phục vụ du khách.

Chính vì thế mà sau nhiều năm nỗ lực, đơn vị đã bảo tồn, phục dựng được nhiều bản nhạc quý, quan trọng của triều Nguyễn như 10 bản Ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xung phong, Long hổ, Tẩu mã); Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc. Các bản nhạc thường dùng trong dàn Đại nhạc (Tam luân cửu chuyển, Thái bình cổ nhạc, Đăng đàn cung, Phú lục)… cùng một số bài bản khác, qua đó góp phần vào công tác bảo tồn di sản Nhã nhạc”, NSND Bạch Hạc chia sẻ.

Theo NSND Bạch Hạc, cùng với việc tập luyện Nhã nhạc để phục vụ đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế, các diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát NTTTCĐ Huế còn tham gia xây dựng, biểu diễn nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật tại các lễ hội Festival Huế. Điển hình như chương trình sân khấu hóa “Văn hiến Kinh kỳ” lần đầu tiên ra mắt công chúng và du khách tại Festival Huế 2018 đã đem lại sự mới mẻ, hấp dẫn, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử của 5 di sản của Cố đô Huế.

“Để góp phần phát huy giá trị di sản Nhã nhạc, thời gian qua, các nghệ sĩ của Nhà hát cũng dành thời gian để truyền bá Nhã nhạc đến cộng đồng, đặc biệt là ở trường học. Như phối hợp với các trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế); Tiểu học Cư Chánh (Thủy Xuân, TP Huế)… tổ chức biểu diễn, giảng dạy các điệu múa Lục cúng hoa đăng cho các em học sinh...

Đáng buồn là có rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát dù nỗ lực cống hiến hết mình nhưng chưa được các cấp công nhận, tôn vinh xứng đáng. Như nghệ sĩ Phan Thị Thu Thủy, Phan Thị Bạch Hoa, Nguyễn Đình Việt, Văn Mười, Kim Tuyến… đều có thời gian dài gắn bó với Nhà hát từ thời sơ khai, nhiều nghệ sĩ đạt các Huy chương Vàng Hội diễn khu vực, Huy chương Bạc Hội diễn Quốc gia và thậm chí có nghệ sĩ cống hiến trọn đời cho Nhã nhạc cung đình Huế sắp về hưu nhưng đến nay chưa được công nhận là Nghệ sĩ ưu tú.

Đây chính là nỗi lòng của các nghệ sĩ từng sống chết với nghề diễn xướng Nhã nhạc cung đình Huế. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần có sự ghi nhận, tôn vinh xứng đáng đối với các nghệ sĩ. Bởi không ai khác, họ chính là những người đã góp phần không nhỏ vào công tác giữ gìn, quảng bá di sản Nhã nhạc ra cộng đồng và thế giới”, NSND Bạch Hạc tâm sự.

Ngày 7-11-2003, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Hồ sơ Nhã nhạc do Trung tâm BTDT Cố đô Huế thực hiện gồm có trên 100 trang (hồ sơ viết), gần 100 trang phụ lục, trên 50 ảnh tư liệu và hiện trạng, phim slide, băng hình thuyết minh, băng hình minh họa cùng nhiều tài liệu liên quan khác.

Hồ sơ đã khẳng định Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình đạt đỉnh cao vào thế kỷ 19 ở Việt Nam và Cố đô Huế là trung tâm hội tụ, lan tỏa những giá trị này.

Anh Khoa
.
.
.