Phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội:

Nhiều cơ hội mới cho nghệ thuật biểu diễn

Thứ Năm, 15/07/2021, 07:48
Những ngày qua, thông tin Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) được xác định là 1 trong 12 lĩnh vực được Hà Nội tập trung đầu tư trong phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn cho loại hình nghệ thuật này.

Theo dự thảo đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội được xác định có nhiều thuận lợi để phát triển NTBD. Theo đó, Hà Nội là địa phương có chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng có tính hệ thống và mang tính chuyên nghiệp cao. Hiện nay, 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội đều được đầu tư cơ sở vật chất tương đối ổn định. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 11 đơn vị nghệ thuật Trung ương, trong đó có những nhà hát nằm ở vị trí ở trung tâm, phương tiện giao thông đi lại thuận tiện như Nhà hát Chèo Việt Nam (Kim Mã), Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Huỳnh Thúc Kháng) và Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Trần Nhân Tông). Đề án cũng xác định, Hà Nội là thị trường khá thuận lợi, hấp dẫn để phát triển biểu diễn nghệ thuật.

Nhà hát Kịch Hà Nội, 1 trong 6 Nhà hát thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Với đặc điểm là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, văn hóa, Hà Nội thường xuyên đón nhận các đơn vị nghệ thuật nước ngoài tới giao lưu, biểu diễn. Thống kê cũng cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cấp 1.455 giấy phép biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn thành phố. Mặt khác, lực lượng cán bộ, nghệ sĩ diễn viên của Hà Nội khá hùng hậu, năng lực sáng tạo của một số đơn vị, nghệ sĩ không thua kém các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương...

Đồng nhận định là Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển NTBD theo hướng công nghiệp, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội còn cho biết, các nghệ sĩ rất vui và đây là nội dung được các văn nghệ sĩ chờ đợi từ rất lâu. Trong phát triển CNVH nói chung, phát triển NTBD của Thủ đô nói riêng, các văn nghệ sĩ là chủ thể, là hạt nhân để phát triển. Nhưng CNVH rất rộng lớn. Muốn phát triển, chúng ta phải hiểu rõ từ khái niệm, đến các chi tiết, nội dung cụ thể và phải xây dựng cơ chế đặc thù, văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, có nhiều chất liệu cho các nghệ sĩ sáng tạo nhưng nghệ thuật phải đi vào đời sống. Ví dụ, năm 2019, Nhà hát Kịch Hà Nội dựng vở “Hà thành chính khí” nói về cụ Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết để bảo vệ thành thời chống Pháp. Đây là một nhân vật anh hùng của cả nước. Khi diễn cho học sinh xem, nhiều cháu chia sẻ, các cháu đã thấy lịch sử không còn khô khan, khó xem, khó nhớ. Sau khi xem vở diễn, các cháu yêu mến cụ Hoàng Diệu, yêu Hà Nội hơn…”, NSND Trung Hiếu nói.

Cũng theo NSND Trung Hiếu, nghệ sĩ rất cần được tạo điều kiện để được thăng hoa sáng tạo hơn nữa. Bởi lẽ, chỉ riêng với các nhân vật lịch sử của Hà Nội, chúng ta đã có thể xây dựng hẳn thành một đề án sân khấu. Hiện nay, Nhà hát đang cùng với Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Tài chính Hà Nội phối hợp xây dựng đề án “Sân khấu học đường”. Đây là đề án nhằm đưa tác phẩm sân khấu vào học đường. Nhà hát lấy các kiến thức từ sách giáo khoa để chuyển thể thành các tác phẩm, qua đó, học sinh thấy được không chỉ tiếp cận kiến thức ở trong con chữ trên giấy mà được thấy qua những hình tượng, nhân vật điển hình. Nội dung các tác phẩm chú trọng kiến thức lịch sử, phù hợp với nhiều lứa tuổi, kể cả học sinh lớp 1.

Nhà hát hy vọng đề án sớm được Thành ủy, UBND TP Hà Nội phê duyệt để các khán giả nhỏ tuổi tiếp cận nhiều hơn với sân khấu. Chúng tôi mong muốn đề án sớm được Thành ủy phê duyệt, để các cháu tiếp cận với sân khấu. Bởi lẽ, đây chính là các khán giả tiềm năng của sân khấu. Trên thế giới, việc này không mới. Trong các trường đều có khoa dành cho văn học nghệ thuật. Ai muốn học thì tự túc và học tự nguyện. Trong thực tế, đây cũng là những trường có nhiều nhân tài…

 NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cho rằng, ứng dụng CNVH vào hoạt động NTBD là thiết thực sản xuất ra chuỗi giá trị sản phẩm văn hóa nghệ thuật để phục vụ công chúng nhiều hơn, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế quốc dân. So với nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng,trang  thiết bị, phương tiện biểu diễn  cho các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội được đầu tư hơn.

Tuy nhiên đối với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng thì những đầu tư cho nghệ thuật chưa tương xứng và cũng chưa theo kịp được sự phát triển công nghiệp và công nghệ như vũ bão hiện nay. Các nhà hát chưa mang tính hiện đại, công năng sử dụng không hợp lý, phương tiện kỹ thuật không đồng bộ. Bảo vệ bản quyền là khâu hết sức phức tạp và khó khăn. Sản phẩm văn hóa nghệ thuật chưa phát huy “sức mạnh mềm” xứng tầm với sự phát triển kinh tế. Hoạt động nhỏ lẻ, các sản phẩm sản xuất ra chưa hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật thương mại toàn cầu.

Cũng theo NSND Thúy Mùi, phát triển NTBD, phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là đòi hỏi hết sức cần thiết và cấp bách nhưng phải đồng bộ theo xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Cần tiếp tục đổi mới cơ chế, cơ cấu các đơn vị NTBD để có môi trường lành mạnh và công bằng. Phải có những nhà hát với trang thiết bị, cơ sở vật chất tương xứng và phải có một đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ và khán giả mang tầm trí thức thời đại mới…

N.Nguyễn
.
.
.