Phát triển nghệ thuật biểu diễn: Nhìn đâu cũng thấy khó?

Chủ Nhật, 20/06/2021, 08:27
Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, mục tiêu doanh thu của ngành nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đạt khoảng 31 triệu USD.

Trong giai đoạn hiện tại, NTBD có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nhưng cũng gặp nhiều thách thức, đòi hỏi có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội.

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, phát triển công nghiệp (CN) trong NTBD có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo ra cách nhìn nhận đánh giá, cách thưởng thức mới của công chúng đối với NTBD và các loại hình nghệ thuật (NT) cũng phải chuyển mình nâng cao cách tiếp cận với công chúng và đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Hiện nay, các nhà hát chuyên nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình NTBD sân khấu đến gần hơn với khán giả, đồng thời thu về nhiều giá trị lợi ích về tinh thần, vật chất và đưa đến sự đa dạng hóa những thành phần tham gia sản xuất hàng hóa.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”.

Số lượng và quy mô chương trình, sản phẩm NTBD tăng mạnh, đặc biệt là trong ca múa nhạc, biểu diễn hài, chọc cười mang tính giải trí và các chương trình sự kiện VHNT quảng trường. Đây là những hình thức NT rất hiệu quả trong việc ứng dụng công nghiệp, công nghệ cao. Tuy nhiên, phát triển NTBD cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề. Trong đó, NT sân khấu đang gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút khán giả. Tình trạng thưa vắng khán giả trẻ kéo dài nhiều năm qua chưa được giải quyết. Một số chương trình mang tính tính giải trí thương mại cao như âm nhạc, biểu diễn hài, chọc cười mang và các chương trình sự kiện VHNT quảng trường rất hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ nhưng cũng khó minh định được những giá trị đích thực của nó.

Một số ca sĩ nghệ sĩ nghiệp dư nhờ vào công nghệ lăng xê thành thần tượng, “hốt bạc” trong giới trẻ. Không ít những chương trình nội dung sơ sài, rẻ tiền, thiếu tính giáo dục thậm chí hết sức phản cảm thì lại đem đến giá trị thương mại rất cao. Trong khi đó, các đơn vị NT chuyên nghiệp chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn  một cách tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu thưởng thức NT ngày càng cao của công chúng.

Bàn về NTBD trong CNVH, Thạc sĩ, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và cán bộ của Nhà hát, Thạc sĩ Nguyễn Tuyết Hoa đồng khẳng định: Cách mạng 4.0 mang lại các cơ hội quảng bá toàn cầu và đem lại các giá trị lớn từ khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số nhưng NTBD cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức không nhỏ. Những thiếu sót trong hành lang pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ cũng dẫn đến sự yếu kém trong bảo vệ các thành quả sáng tạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành CNVH và sáng tạo vẫn đang loay hoay tự bảo vệ trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền.

Sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại lai, đặc biệt là sản phẩm đến từ các nước có ngành CNVH phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… Trong khi đó, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của ngành NTBD trong nước còn chưa cao, thiếu các sản phẩm văn hóa thương hiệu quốc gia mang chất lượng ở cấp độ khu vực và quốc tế.

Cũng theo Thạc sĩ, NSƯT Trần Ly Ly và Thạc sĩ Nguyễn Tuyết Hoa, cơ chế chính sách đối với nghệ sĩ đang có rất nhiều bất cập. Theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ, người được tuyển dụng công chức, viên chức… một số loại công việc đơn vị sự nghiệp công lập có trình độ tuyển dụng tối thiểu là đại học. Trong khi diễn viên múa ballet, chỉ cần mức trung cấp hoặc cao đẳng. Nếu để học xong đại học mới tuyển dụng thì thời gian cống hiến sẽ còn rất ít vì tuổi nghề diễn viên múa thấp. Hiện tại, ngân sách hằng năm Nhà nước cấp cho Nhà hát vừa đủ chi lương cho diễn viên, viên chức, người lao động. Chi phí dành cho sáng tạo và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật hầu như không có. Cơ chế lương và chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp cho nghệ sĩ cũng có nhiều bất cập.

Theo quy định hiện hành, diễn viên đóng vai chính trong vở diễn sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch, xiếc, rối; diễn viên hát chính, diễn viên múa chính, nhạc công độc tấu với dàn nhạc; người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống được chi trả 80.000 đồng/buổi tập. Diễn viên đóng vai thứ chính, nhạc công chịu trách nhiệm lĩnh tấu trong dàn nhạc… được trả 60.000 đồng/buổi tập. Diễn viên đóng vai phụ là 50.000 đồng/buổi tập. Nhân viên hậu đài, hóa trang được 35.000 đồng/buổi tập. Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế với các mức chi trả từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng/buổi diễn…

Để có thể đưa ngành NTBD phát triển lên một tầm cao mới, có thể đóng góp vào nguồn thu của nền kinh tế, cần xây dựng các cuộc khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn. Cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật. Chú trọng hướng phát triển của NTBD để có được một “nên văn hóa đỉnh cao” mà các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, trong đó đặc biệt là Hà Nội, cần phải có.

N.Nguyễn
.
.
.