Nhà thơ Tố Hữu – Trăm năm nhìn lại
- Bảo tàng Tố Hữu đón khách tham quan
- Nhà thơ Tố Hữu với văn hóa dân tộc
- Vài mẩu chuyện vui về bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu
- Nhà thơ Tố Hữu với thơ tình
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tạ Quang Đông… cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Kỷ niệm 100 ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu là một sự kiện văn hóa lớn. Lớn vì ông đã tham gia quá nhiều vào cuộc đời của chúng ta. Lớn vì chúng ta đã quá quen có Tố Hữu trong mỗi chặng đường, mỗi dấu mốc của lịch sử cách mạng. Lớn là vì Tố Hữu không chỉ cần thiết cho quá khứ mà còn rất cần thiết cho hiện tại và tương lai. Thơ của ông là tiếng hát thiết tha, nóng bỏng và ngọt ngào vì độc lập tự do, hạnh phúc của con người.
Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh: Năm 1938, Tố Hữu công bố bài thơ “Từ ấy”. Lúc đó Thơ Mới đang lên, cuốn hút những tài năng lớn nhất của thơ ca tiền chiến, tạo nên một thi đàn tráng lệ trước sự chiêm ngưỡng, trầm trồ, sung sướng của hàng vạn trí thức và lớp thanh niên đang miệt mài Âu hóa. Ây vậy mà Tố Hữu, và chỉ có một Tố Hữu, lặng lẽ và can đảm rẽ sang một lối khác, quyết liệt làm nên một thế giới khác, một vẻ đẹp khác, một sức mạnh khác.
Ông đọc kỹ Thơ Mới, đọc vượt lên tận cái nguồn của Thơ Mới là thơ ca lãng mạn Pháp, và ông còn đọc rộng ra thêm nữa. Với tất cả cái vốn ấy, đủ làm ông tự tin để tách hẳn quỹ đạo Thơ Mới, làm nên một quỹ đạo thơ khác, khác hẳn, đó là thơ cách mạng, một nền thơ chưa từng có. Một sự bổ sung vinh quang cho thơ ca Việt, giữa cuộc tiếp xúc hai chân trời Âu – Á…
Tố Hữu kéo vương miện của thơ ca làm chiếc nón nơi cày cuốc cày cuốc, làm vành mũ nơi chiến trường. “Từ ấy” là một tập thơ “nội dung một trăm phần trăm và nghệ thuật một trăm phần trăm” như ý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chỉ riêng một “Từ ấy” đã đủ làm nên một sự nghiệp thơ ca lớn của Tố Hữu. Và nền thơ cách mạng có thể tự hào xem “Từ ấy” là pháo đài vinh quang, là trận thắng mở màn của thơ ca cách mạng.
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu |
“Thơ Tố Hữu là một pho sử thi rộng lớn về đất nước và con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại và công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Mọi sự kiện của đất nước đều trỏ thành sự kiện của tâm hồn ông, kết đọng trong những trang thơ vừa lay động vừa khái quát. Đó là một kỳ tích mà không một thi sĩ nào cùng thời có thể đạt tới được.
Không một thi sĩ nào có khả năng bao quát cục diện đất nước với cái nhìn toàn cảnh rộng lớn và sâu sắc bằng Tố Hữu. Nhà thơ nắm bắt tài tình xu thế của lịch sử, dòng chủ lưu của đời sống đến các sự kiện có tính cắm mốc cho từng giai đoạn. Với Tố Hữu, sông núi đã hóa thành văn, biết bao tên đất tên người đã trở nên bất tử. Đó là một tài năng hiếm có về tình cảm hóa lịch sử, tình cảm hóa chính trị. Đất nướ trong một con người, nhân trong một thi sĩ. Đó là Tố Hữu”.
“Tố Hữu là người hướng dẫn tinh thần, người tổ chức, người tiên phong của nền thơ cách mạng. Sự phát triển của mỗi tài năng, mỗi nhà thơ có phong cách, giọng điệu riêng của mình. Nhưng vai trò và ảnh hưởng của Tố Hữu không ai có thể phủ nhận được. Một trăm năm, Tố Hữu như một ngọn núi lớn, thời gian càng lùi xa càng thấy cao. Ông là một sự kết tinh đẹp đẽ của nên thơ ca cách mạng với những tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân văn. Tố Hữu đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một tinh hoa văn hóa kết tinh những phẩm chất cao đẹp của dân tộc và thời đại”. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Dịp này, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu chia sẻ nhiều nghiên cứu mới, nhiều kỷ niệm sâu sắc về nhà thơ Tố Hữu. Nhớ về ông, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Từ thủa nhỏ, mới chừng 8-9 tuổi, tôi đã thuộc lòng nhiều bài thơ Tố Hữu. Có bài chỉ đọc hai, ba lần là thuộc lòng ngay và nhớ đến tận bây giờ. Thơ Tố Hữu đã lặng lẽ dẫn đường cho tôi học tập và làm thơ, đặc biệt, đã góp phần rất quan trọng để dạy tôi làm người, trước hết là một người lính, biết bảo vệ Tổ quốc, đồng thời với biết bảo vệ những giá trị chân chính và nhân văn, trước sự xâm lăng của cái ác, cái xấu, của thói lưu manh và sự vô trách nhiệm, biết thương mẹ và thương những người mẹ chiến sĩ: “Con đi đánh giặc mười năm/ Không bằng vất cả đời bầm sáu mươi…”.
Tố Hữu là một người thắm thiết yêu quê hương, chỉ cần hai câu thơ thôi: “Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên…” mãi mãi làm rung động biết bao nhiêu lòng người, bao nhiêu hồn người, đâu phải chỉ là người xứ Huế. Thơ Tố Hữu là thế, luôn dạy tôi biết yêu nước, thương dân, biết gắn bó cuộc đời mình với thơ ca và với cách mạng. Cái giá trị cốt lõi của thơ Tố Hữu, theo tôi chính là ở điều này.”
Giáo sư Phong Lê thì khẳng định: “Tố Hữu, đó là một sự nghiệp thơ gắn bó và song hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cũng có thể nói, Tố Hữu là ca sĩ sớm nhất và lớn nhất, có thanh âm vang ngân nhất trong bản hợp ca cách mạng của nhân dân”...