Nghệ nhân người Pháp truyền dạy nghề làm gốm Raku cho trẻ khuyết tật
Mang tình thương yêu trẻ em, đặc biệt là những trẻ không may bị khuyết tật nên ông Oliver Oet (62 tuổi, người Pháp) đã không ngại đường sá xa xôi, cách trở để đến Cố đô Huế và truyền dạy những kỹ thuật làm gốm Raku của Nhật Bản cho các em.
Việc làm ý nghĩa của ông không những được cộng đồng ghi nhận mà còn giúp trẻ khuyết tật được học nghề và tự tin hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi ghé thăm Trung tâm Hy vọng Huế (đóng tại số 20 Nhật Lệ, TP Huế), là địa chỉ nuôi dạy trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Và thật bất ngờ khi chứng kiến hơn 10 em nhỏ quây quần bên trong khu nhà xưởng của Trung tâm để làm nên những sản phẩm gốm xứ mang “thương hiệu” Raku có nguồn gốc từ Nhật Bản. Không ai khác, người truyền dạy kỹ thuật làm gốm cho các em chính là nghệ nhân nổi tiếng người Pháp - Oliver Oet.
Tìm hiểu được biết, Oliver Oet có một người em tên Vincent Marie Oet không may bị tật nguyền và đã qua đời. Vì thế mà năm 1974, gia đình Oliver Oet đã đứng ra thành lập tổ chức E.S.A.T (Etablissemet De Services Et Daide Par Le Travail) ngay tại Paris dành cho người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt và đến nay, E.S.A.T đã có 3 trung tâm tại Thủ đô Paris.
Nghệ nhân Oliver Oet cho hay, đúng 7 năm về trước, khi gia đình ông tổ chức ngày hội cho trẻ khuyết tật trên đường phố Paris thì một người phụ nữ Pháp gốc Việt đã đến gặp và đề nghị ông giúp đỡ cho trẻ khuyết tật Việt Nam.
Trước lời đề nghị chân thành ấy, sau khi hỗ trợ cho nhiều cán bộ thuộc các Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Việt Nam sang Pháp học làm gốm Raku, năm 2012, ông Oliver Oet đã đến Trung tâm Hy vọng Huế để bắt đầu thực hiện dự án giúp đỡ các em nhỏ tại đây.
Suốt 3 năm liền, người nghệ nhân này đã tự bỏ tiền túi mua sắm các trang thiết bị máy móc kỹ thuật, men màu rồi đưa từ Pháp sang để xây dựng xưởng gốm ngay tại Trung tâm.
“Gốm Raku có nguồn gốc từ Nhật Bản nhưng lại rất thịnh hành ở Pháp và tôi mong muốn truyền dạy các kỹ thuật làm gốm cho trẻ khuyết tật với hy vọng sự sáng tạo nghệ thuật sẽ giúp các em quên đi những mất mát để vươn lên trong cuộc sống”, Oliver Oet chia sẻ.
Nghệ nhân Oliver Oet truyền dạy kỹ thuật làm gốm Raku cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm Hy vọng Huế. |
Và với quyết tâm này, bình quân mỗi năm, nghệ nhân Oliver Oet dành nhiều tuần liền để bay sang Việt Nam dạy cho các em nhỏ ở Trung tâm Hy vọng Huế về cách làm gốm Raku.
Sau thời gian học tập, hiện nhiều trẻ khuyết tật ở Trung tâm đã làm ra được những sản phẩm gốm Raku như bình, ly, tách và hình các con thú.
Em Hồ Văn Ân (13 tuổi, ở huyện miền núi A Lưới) được nuôi dạy tại Trung tâm trải lòng: “Nhờ được học làm gốm nên em và các bạn đã mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài các kỹ thuật làm gốm cơ bản, hiện em đang chăm chỉ rèn luyện tay nghề để có thể làm nên những sản phẩm gốm Raku tinh xảo, đẹp mắt nhằm không phụ lòng thầy Oliver Oet”.
Với mục đích thúc đẩy sự phát triển của trẻ khuyết tật, đầu năm 2015, Oliver Oet còn đứng ra vận động thành lập một tổ chức từ thiện với tên gọi Ateliers Vincent Marie Oet (AVMO) với sự tham gia của hơn 60 thành viên.
Và mỗi năm tổ chức AVMO do nghệ nhân Oliver Oet làm đại diện đều tổ chức ngày đoàn kết Pháp - Việt ngay trên sông Seine. Tại đây, những câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam và vô số sản phẩm gốm Raku do chính tay các em ở Trung tâm Hy vọng Huế làm nên đã được giới thiệu và quảng bá đến đông đảo người dân nước Pháp.
Qua sự quảng bá ấy nên nhiều năm qua, tour du lịch giới thiệu làm gốm Raku tại Trung tâm Hy vọng Huế đã thu hút nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Hy vọng Huế cho biết: “Chính sự tận tâm và nhiệt tình của nghệ nhân Oliver Oet đã làm thay đổi nhiều mảnh đời bất hạnh ở Trung tâm. Không những dạy nghề làm gốm Raku mà ông còn truyền lửa nhiệt huyết cho trẻ khuyết tật để giúp các em biết cách làm việc nhóm, quản lý thời gian để làm việc hiệu quả. Đây chính là nền tảng vững chắc giúp các em có thêm bản lĩnh, tự tin để dễ dàng hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, kể từ ngày xưởng gốm Raku được hình thành, mỗi tháng Trung tâm đón từ 5 đến 6 đoàn khách nước ngoài, thậm chí có tháng cao điểm lên đến 20 đoàn khách đến từ các nước châu Âu. Đây là điều mà Trung tâm rất phấn khởi”.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, nghệ nhân Oliver Oet cho hay: “Tôi còn rất nhiều dự định dành cho trẻ em khuyết tật ở Việt Nam nhưng vẫn chưa thực hiện được. Thời gian tới, vợ chồng tôi và các thành viên sẽ dành thêm nhiều thời gian để dạy nghề và dạy tiếng Anh cho các em khuyết tật, đồng thời sẽ giới thiệu thêm các đoàn du khách sang Việt Nam tham quan xưởng gốm Raku tại Trung tâm Hy vọng Huế thay vì tham quan tại Pháp”.
Trung tâm Hy vọng Huế là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập từ năm 1999. Đây vừa là nơi ăn ở và là nơi đào tạo 6 ngành nghề chính cho học viên, gồm may dân dụng, công nghiệp; may túi xách; hàng thủ công mỹ nghệ; dệt vải trên máy cải tiến; dệt Dèng và làm gốm Raku. Suốt gần 20 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã mở hàng chục khóa đào tạo nghề cho khoảng 1.000 học viên là người khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi ra nghề, các em đã tìm được những công việc thích hợp và có khả năng tự lo liệu cho bản thân. |