Nghệ nhân xứ Huế kỳ công “nâng tầm” thương hiệu tre Việt

Chủ Nhật, 18/02/2018, 10:24
Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của mình, nghệ nhân Đoàn Minh Căn (51 tuổi, ở thôn Dương Nổ, xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã biến những gốc tre vô tri, vô giác thành những tuyệt tác nghệ thuật có một không hai...


Ông Căn hiện là tác giả duy nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng tạo nên những chiếc lồng tre trị giá bạc tỷ; đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá sản phẩm tre Việt ra nhiều nước trên thế giới…

“Đệ nhất lồng tre xứ Huế”...

Những ngày cuối năm, trên khắp các nẻo đường xứ Huế rộn rã với không khí chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất thì trong ngôi nhà khang trang nằm sát bờ sông Phổ Lợi chảy qua thôn Dương Nổ vẫn còn vọng ra tiếng đục đẽo khẩn trương của hàng chục người thợ, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Đoàn Minh Căn. Những người thợ trẻ đang miệt mài công việc “thổi hồn” vào những thớ tre.

Theo ông Căn, do vào dịp Tết Nguyên đán, khách du lịch nước ngoài đến Huế rất đông và họ đặt hàng trước những sản phẩm tre mỹ nghệ để đem về nước nên ông phải hối thúc học trò “tăng ca” cho kịp đơn hàng cho khách.

Ông Căn bén duyên với nghề tre mỹ nghệ thật lắm tình cờ. Ông kể rằng, sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm 1982, ông được gia đình cho theo học nghề điêu khắc. Sau khóa học, ông tiếp tục tìm đến nghệ nhân Phan Thế Huề, là một trong những người thợ từng tham gia chạm khắc nhiều công trình nổi tiếng trong hoàng cung triều Nguyễn để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Trở về quê, ông mở xưởng mỹ nghệ sản xuất các mặt hàng gia dụng phục vụ cho người dân địa phương và nhận nhiều con em đến học nghề miễn phí. Ban đầu, xưởng của ông chỉ sản xuất các sản phẩm như hộp, bình đựng trà, vật trang trí, để bàn và một số mặt hàng lưu niệm bán cho khách du lịch.

Về sau, để đáp ứng thị hiếu khách hàng, ông nghiên cứu, mày mò sáng tạo, chế tác nên các sản phẩm tinh xảo, độc đáo hơn, trong đó có các lồng tre được chạm khảm theo các tuồng, tích, câu chuyện lịch sử Việt Nam; hoặc tái hiện các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… Cũng chính vì thế mà ông Căn được mệnh danh là “Đệ nhất lồng tre xứ Huế” khi đã sản xuất và quảng bá, giới thiệu sản phẩm tre Việt ra thị trường khu vực và thế giới.

Nghệ nhân Đoàn Minh Căn, người chế tác nên những lồng tre tinh xảo có giá bạc tỷ.

“Để có nguyên liệu sản xuất, tôi phải lặn lội lên vùng núi Nam Đông, A Lưới mới “tuyển” được những cây tre già ưng ý. Sau công đoạn phần thô, tôi dùng bút vẽ từng họa tiết lên các thớ tre đã được kết lại để tạo hình. Do tre có tính giòn, dễ vỡ nên khi chạm khắc đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỷ mẫn, chỉ cần bị lệch, hoặc lực quá mạnh thì tre sẽ vỡ làm đôi. Riêng những phần có độ cong được dùng lửa để uốn với nhiệt độ vừa phải”.

Ông Căn kể tiếp rằng, trải qua rất nhiều lần thất bại, ông đã tự chế tạo ra bộ dụng cụ khoan, đục, cưa, dùi để phục vụ nghề. Tuy nhiên, muốn chế tác nên một sản phẩm tre mỹ nghệ hoàn thiện đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng, có tính thẩm mỹ và kiên nhẫn...

“Rinh” nhiều giải thưởng quốc tế

Với hơn 35 năm gắn bó với nghề, ông Căn đã khiến giới chuyên môn đánh giá cao, bởi đôi tay tài hoa của ông đã chế tác nên vô số sản phẩm độc đáo bằng chất liệu từ cây tre đất Việt. Năm 2009, ông Căn trở thành nghệ nhân “có tên tuổi” khi một trong những sản phẩm lồng tre do ông làm nên vinh dự đạt giải nhất toàn quốc tại Hội thi sản phẩm hàng thủ công Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Chỉ cho chúng tôi thấy chiếc lồng tre được treo ngay ngắn tại gian chính căn nhà với vô số hình thù được chạm khắc tinh xảo, ông giới thiệu: “Đây là chiếc lồng tre có tên gọi là “Thập nhị hoa giáp quần tiên”. Tôi mất trọn hơn 3 tháng miệt mài đục đẽo những thớ tre mới làm nên tác phẩm này đấy!”.

Nói rồi ông chỉ từng bộ phận của chiếc lồng giới thiệu: “Này nhé, phần trên chiếc lồng là móc treo được tạo dáng hình chim phượng, tiếp đến là bộ “chao móc” 4 nhánh được chạm khắc hình ông tiên cưỡi rồng và cưỡi hổ; ở giữa là quả bầu tròn chạm lộng xuyên hình người và cây lá. Còn bộ phận cầu chính được chạm tinh xảo với hình 2 con rồng và quả đào tiên”.

Đặc biệt nhất là bức phù điêu ở mặt đáy lồng được ông Căn chạm khảm 12 con giáp cùng hình ảnh các tiên ông trên nền phong cảnh. Trong đó các con giáp được xếp đặt theo bộ “Tam hạp” (Thân - Tý - Thìn;  Hợi - Mão - Mùi) và bộ “Tứ khắc” (Dần - Thân - Tỵ - Hợi).

Nhiều năm qua, bằng niềm đam mê với tre mỹ nghệ, ông Căn cùng các học trò của mình đã làm nên hàng ngàn sản phẩm lồng tre đa dạng mẫu mã được thị trường trong và nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ưa chuộng. Và cứ mỗi chiếc lồng tre như thế, người nghệ nhân nổi tiếng xứ Huế “gửi” vào đó một câu chuyện kỳ thú, hay tuồng tích lịch sử thông qua những hình ảnh được chạm khắc tinh xảo trên bề mặt chiếc lồng.

Ngoài ra, ông còn sáng tạo nên vô số sản phẩm hũ trà, song bình, thẻ bài treo tường mai lan cúc trúc, quả hộp ngũ giác, lồng vuông trúc bát tiên quần thú, lồng quả tròn tích long phụng. Bình quân mỗi sản phẩm có giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. Trong đó, nhiều lồng tre tinh xảo có giá hơn 1 tỷ đồng vẫn được nhiều người đặt mua để phục vụ thú chơi chim cảnh.

Qua cuộc trò chuyện chúng tôi mới hiểu được rằng, chính sự đam mê và gắn bó với nghề đã giúp nghệ nhân Đoàn Minh Căn giành được nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Mới đây nhất, vào giữa tháng 10-2017, tại Kuala Lumpur, Malaysia, bộ sản phẩm “lồng tre Huế” do ông chế tác đã vượt qua hàng trăm sản phẩm độc đáo của các nghệ nhân đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó khẳng định vị thế mới của sản phẩm tre Việt Nam trên thị trường thế giới. Ông đã bỏ ra nhiều tâm huyết để nâng tầm cho thương hiệu tre Việt nên đã được Ban tổ chức trao huy chương về thành tích tiên phong trong phong trào hội nhập quốc tế.

Trước đó, sản phẩm “Đĩa để bàn” của ông Căn còn đạt giải thưởng “Dấu son tuyệt hảo” tại hội thi UNESCO - SEAL của 29 nước châu Á…

Dù có nhiều thành tích đạt được trong chặng đường dài gắn bó với tre mỹ nghệ nhưng mỗi lần có người nhắc đến “tương lai” của nghề này, nghệ nhân Đoàn Minh Căn không giấu được sự trăn trở. Ông nói: “Làm nghề gì cũng đòi hỏi sự khổ luyện, tâm huyết nhưng đối với thủ công mỹ nghệ thì cần sự kiên trì, chịu khó cao độ mới điêu khắc nên những sản phẩm đạt độ tinh xảo cao.

Cũng vì sự đòi hỏi của nghề quá khắt khe nên người học ngày càng ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên nhiều năm qua, tôi đã nỗ lực đào tạo ra các thế hệ học trò với hàng chục người có tay nghề và hy vọng các bạn trẻ sau này sẽ tiếp tục phát huy tài năng để các sản phẩm tre mỹ nghệ của Việt Nam tiếp tục vươn xa và được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới”.

Năm 2007, ông Đoàn Minh Căn được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Thừa Thiên - Huế”; năm 2008 ông được phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” và năm 2017, ông được vinh danh là một trong những nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngoài các giải thưởng quốc tế, nhiều sản phẩm của nghệ nhân Đoàn Minh Căn còn đạt các giải cao trong nước, như hũ trà và song bình đạt giải ba toàn quốc hội thi Sản phẩm thủ công lần thứ IV-2007; lồng vuông trúc bát tiên quần thú đạt giải sản phẩm tiêu biểu hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII- Cúp Thăng Long 1000 năm; các sản phẩm đĩa phù điêu tre, quả hộp ngũ giác, đĩa và hộp để bàn, thẻ treo tường lần lượt được công nhận là sản phẩm thủ công tiêu biểu năm 2007 và 2008...
Lê Anh Khoa
.
.
.