NSND Trần Ngọc Giàu - Vở “Chuyên án Z5” có nhiều yếu tố hấp dẫn khán giả

Chủ Nhật, 24/05/2020, 17:59
Sau buổi sơ duyệt đầu tiên, những ngày này, vở diễn “Chuyên án Z5” đang được các chiến sĩ, nghệ sĩ của Nhà hát CAND cùng đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu gấp rút hoàn thiện. 


Đây là  một trong số tác phẩm được đầu tư dàn dựng, tham dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND năm 2020. Tranh thủ những phút giải lao trong ngày tập xuyên trưa 24-5, NSND Trần Ngọc Giàu đã chia sẻ với chúng tôi khá nhiều điều thú vị quanh vở diễn này.

Phóng viên: Thưa NSND Trần Ngọc Giàu, ông là một trong số các đạo diễn được nhiều nhà hát, đoàn kịch mời dàn dựng vở mới trong các Liên hoan, hội diễn. Vì sao ông lại nhận lời mời của Nhà hát CAND, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội dựng vở “Chuyên án Z5”?

NSND Trần Ngọc Giàu: Vì đợt này, Giám đốc Nhà hát CAND – NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền muốn có một chút thay đổi. Các bạn diễn viên cũng muốn có thay đổi một chút sau khi đã quen thuộc với phong cách dàn dựng của các đạo diễn ở phía Bắc. Bản thân tôi cũng cần một sự thay đổi. Tôi hy vọng, qua những sự giao lưu như thế này, các bạn diễn viên tìm ra cái khác của các bạn và tôi cũng tìm ra cái khác cho chính bản thân mình.

NSND Trần Ngọc Giàu, đạo diễn vở "Chuyên án Z5"

Phóng viên: Sự mới mẻ thường hấp dẫn người nghệ sĩ trong lao động sáng tạo nhưng cũng có nhiều thách thức. Ông lại phải đi về giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, chỉ làm việc cùng các cán bộ chiến sĩ trong thời gian ngắn nên sẽ có nhiều khó khăn hơn?

NSND Trần Ngọc Giàu: Đây là vở thứ 3 tôi cộng tác với Nhà hát CAND. 2 vở trước, tôi dựng để đơn vị đi diễn thôi, không phải tham gia Liên hoan. Nhưng, đây cũng vẫn có thể coi là… lần đầu, vì mới có khoảng 1 nửa trong số diễn viên tham gia “Chuyên án Z5” từng làm việc với tôi. Một nửa còn lại tôi mới làm việc lần đầu tiên. May mắn là Ban giám đốc Nhà hát đã chọn những diễn viên tốt nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho đạo diễn làm việc nên tôi cũng không có sự thay đổi nhiều trong phân vai. Thực ra, Ban Giám đốc Nhà hát đã quen với từng diễn viên, khả năng diễn xuất của họ, nên chọn đã kỹ lưỡng rồi.

NSƯT Hồng Tuấn, Mỹ Duyên tái xuất trong vở "Chuyên án Z5"

Tuy nhiên, dựng vở về công an cho một đơn vị trong lực lượng công an nên có tính đặc thù. Vở diễn phải có tính tư tưởng, chủ đề ca ngợi, nêu bật hình tượng người chiến sĩ công an. Đây là những đòi hỏi khó với nghệ sĩ vì đề tài này thường là khô. Vì vậy, khi dựng vở, tôi cố gắng phả đời sống lên sân khấu thông qua các chi tiết rất đời thường và đi sâu vào tâm lý nhiều hơn là trình bày vấn đề. Chúng tôi cố gắng làm mềm hóa đi, để nội dung trong vở diễn không nặng về vấn đề mang tính nghiệp vụ và đẩy mạnh khai thác nhân vật ở góc độ con người. Ở đó, cán bộ chiến sĩ công an có những trăn trở, có những tiếc nuối, đôi khi bắt đối tượng phạm tội nhưng cũng trĩu nặng tâm tư chứ không đơn thuần là sự hài lòng là mình đã hoàn thành nhiệm vụ, khép lại được một vụ án. Chúng tôi mong muốn khán giả xem, hiểu được rằng khi thực thi công vụ, mục đích của lực lượng công an không chỉ là truy bắt tội phạm mà làm cho xã hội tốt hơn mới là mục đích chính.

Phóng viên: “Chuyên án Z5” khai thác về đề tài chống tham nhũng. Lâu nay, khi dựng vở về đề tài này, đạo diễn, nhà sản xuất thường cho rằng có những “vùng cấm” không nên chạm đến nhằm giữ độ an toàn cho việc phổ biến tác phẩm. Có khi nào ông phải đắn đo, cân nhắc để cho chi tiết này hay bỏ chi tiết khác để đảm bảo độ an toàn cho vở diễn theo cách này không?

NSND Trần Ngọc Giàu: Đề tài của vở diễn không mới, thậm chí là những câu chuyện mà chúng ta đã quen, đã thấy nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như quan chức cấp cao, đứng đầu tỉnh sai phạm, bị ra tòa. Nhưng đây là vở đầu tiên mà tôi tham gia đưa các câu chuyện như thế này trên sân khấu. Vấn đề hiện nay không phải là có hay không “vùng cấm” về chống tham nhũng trong sáng tạo nghệ thuật. Vì thực tế, chúng ra đã bắt và xử nhiều vụ như nội dung vở diễn phản ánh.

Câu chuyện trong kịch là câu chuyện phổ biến nhưng khi mình đưa lên sân khấu nó lại có tác động trực quan đến người xem. Cái khó là mình phải làm sao để thuyết phục người xem tin rằng những trường hợp này không phải là tất cả, không phổ biến mà chỉ là một bộ phận thôi. Người công an bắt tội phạm là đương nhiên nhưng không phải để thỏa mãn rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ mà có khi còn có cả nỗi đau vì có khi người bị bắt cũng từng là đồng chí của mình, vì lầm lạc mà phạm tội. Mình phải làm sao để người ta thấy mình đặt ra vấn đề xã hội, phòng chống tham nhũng từ bộ máy công quyền, góp phần thức tỉnh và tác động trở lại theo hướng tích cực hơn. Đây là cái khó, rất khó.

Nghệ sĩ Nhà hát CAND trên sàn tập

Phóng viên: Ông đã làm cách nào để biến những cái khó ấy thành hiện thực?

NSND Trần Ngọc Giàu: Trong vở, tôi để bà vợ của ông Phó Chủ tịch tỉnh lao vào tất cả mọi việc vì tương lai của con bà theo nghĩa để cho nó được cái gì đó, bất chấp việc đó có nên làm hay không. Câu chuyện này rất đời, rất thực tế. Có rất nhiều người trong xã hội hiện nay quan niệm rằng họ thấy người bên cạnh làm sai thì mình cũng có thể làm sai theo. Điều này rất nguy hiểm và là thông điệp mà chúng tôi muốn lên tiếng cảnh báo. 

Điều thứ hai mà tôi muốn khán giả thấy, cảm nhận được rằng có những cái sai ban đầu người ta tưởng chừng nhỏ, vì lý do nào đó, họ bỏ qua, không tự hạn chế mình, không tự cảnh tỉnh. Đến khi bị cuốn vào guồng quay rồi, họ không dừng lại được. Như trong chuyện kịch này, ban đầu, ông Phó Chủ tịch tỉnh chỉ làm lơ một chút cho vợ mình, làm lơ một chút vì con mình, nhưng sau đó dẫn đến sai phạm thành dây chuyền. Cuối cùng ông không kiểm soát được, không sửa chữa được. Có nhiều chi tiết, thay vì tả thực, mình hình tượng hóa lên… Thân nhân của những người phạm tội cũng là một vấn đề và chúng tôi hy vọng thông qua câu chuyện được chuyển tải trên sân khấu sẽ thức tỉnh, tác động đến xã hội.

Phóng viên: Đến thời điểm này ông đã hài lòng với tác phẩm chưa? Ông có tự tin là vở diễn sẽ thu hút được khán giả, nhất là trong điều kiện sân khấu còn nhiều khó khăn như hiện nay?

NSND Trần Ngọc Giàu: Kịch bản đề dàn dựng “Chuyên án Z5” không phải là một kịch bản thật hay nhưng nó có chất liệu phong phú. Làm sao để chuyện kịch là câu chuyện thông thường lên sân khấu vẫn có cái để người ta xem là một thử thách không phải của riêng đạo diễn mà là của cả một tập thể diễn viên. Bây giờ các bạn ấy đã có cảm giác tự tin hơn rằng vở diễn có nhiều cái để cho người ta xem, có đời sống của nhân vật chứ không chỉ là những chất liệu có tính báo chí. 

Về khán giả, người nào làm sân khấu cũng có hy vọng và niềm tin trong chinh phục khán giả. Đây là vở diễn về đề tài công an, của một đơn vị nghệ thuật trong lực lượng công an đầu tư dàn dựng thì phải có những đặc thù, tuyên truyền cho lực lượng công an. Tôi cố gắng để tác phẩm của mình không chỉ tuyên truyền mà nó có đời sống riêng, thuyết phục được người xem. Mà muốn thuyết phục được khán giả thì như tôi vừa nói, là phải có cái để cho người ta xem. Với cá nhân tội thì đây là một vở để khán giả có nhiều cái để xem, không chán, không bỏ về giữa chừng, chuyện biết rồi nhưng người ta xem vẫn thích.

Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn!


Hoa Nguyễn (thực hiện)
.
.
.