Liên hoan quốc tế thử nghiệm sân khấu 2016: Mừng vui trong... tiếc nuối

Thứ Tư, 26/10/2016, 09:47
Tổ chức trở lại sau gần 10 năm gián đoạn, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III năm 2016 được kỳ vọng như là một cú hích thúc đẩy sức sáng tạo và thổi làn gió mới cho sân khấu nước nhà. Tuy nhiên, liên hoan bị thu hẹp lại, giảm cả số lượng tác phẩm, đơn vị tham gia, sự kiện hoạt động bên lề… trong sự tiếc nuối của các nghệ sĩ sân khấu trong và ngoài nước.

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2016 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức từ 11-11 đến 19-11 tại Hà Nội. Đăng ký tham gia có 22 quốc gia với 39 vở diễn và 1 hội thảo chính.

Riêng Việt Nam có 16 đơn vị sân khấu với 19 vở diễn đăng ký. Tuy nhiên, công bố chính thức ngày 25-10 của Ban tổ chức thì tham gia liên hoan chỉ còn 10 vở diễn của 10 quốc gia và 8 vở diễn của 8 đơn vị sân khấu tại Việt Nam. Hội thảo về nghệ thuật sân khấu hậu hiện đại của một nhà nghiên cứu nước ngoài đăng ký phối hợp với Ban tổ chức cũng bị ngưng lại.

Ngoài lý do tiêu chí lựa chọn khắt khe, liên hoan thu hẹp còn vì lý do tài chính và một số lý do khác. Trong số 8 vở diễn của Việt Nam được chọn tham gia liên hoan lần này, số lượng vở diễn thuộc nghệ thuật sân khấu truyền thống cực kỳ ít.

Ngoài chương trình nghệ thuật giải trí Ionah có kết hợp kịch, xiếc, múa…, chỉ có vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Múa rối Thăng Long được chọn.

Các vở diễn thuộc thể loại tuồng, chèo đều vắng bóng. Cải lương có 2 vở đăng ký: “Ngạ Quỷ” của Nhà hát cải lương Việt Nam và “Cạm bẫy và trừng phạt” của Nhà hát cải lương Hà Nội đều bị loại.

Việc thu hẹp quy mô, hoạt động của Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2016 khiến nhiều nghệ sĩ, nhà phê bình và cả thành viên Ban tổ chức đều… tiếc nuối.

“Cơn bão” của Đoàn kịch nói CAND được đánh giá là vở có nhiều “đất” cho thử nghiệm nghệ thuật nhưng cũng là một trong những vở khó nhất của Shakespeare.

NSND Trần Nhượng, Chủ nhiệm câu lạc bộ sân khấu thử nghiệm cho biết: Ngay từ khi có thông tin liên hoan được tổ chức, những người làm nghệ thuật sân khấu, kể cả ở các đoàn, đơn vị sân khấu nhỏ ở các tỉnh đều náo nức. Ai cũng xác định đây là dịp hiếm hoi để cọ xát, học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm làm nghề, tìm hiểu đời sống sân khấu quốc tế. 

Để có vở diễn tham gia, các đơn vị, những người làm nghề vừa phải thuyết phục lãnh đạo địa phương, đồng thời đi tìm thêm nguồn kinh phí đầu tư dựng vở. Việc thu hẹp liên hoan, có ít vở diễn được chọn tham dự khiến nhiều đơn vị, nghệ sĩ rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thư, Giám đốc Nhà hát kịch Quân đội tâm sự rằng, chị và các nghệ sĩ đã rất thất vọng khi tác phẩm “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” bị Ban tổ chức loại khỏi sân chơi. 

Đây là vở diễn mà chị và các nghệ sĩ đã đầu tư rất nhiều tâm huyết, tổ chức khá nhiều diễn viên tham gia với mong muốn nghệ sĩ của mình có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những thành tựu, sự phát triển nghệ thuật sân khấu hiện đại trên thế giới. Rất may, đơn vị vẫn còn có “Dưới nước là cát” được chọn dự thi.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi hội thảo về sân khấu hậu hiện đại không thành hiện thực vì đây thực sự là vấn đề rất cần thiết cho cả người làm nghệ thuật lẫn người làm công tác phê bình hiện nay.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đại diện Ban tổ chức phân trần rằng, các thành viên trong hội đồng thẩm định và lựa chọn tác phẩm đều rất tiếc khi phải loại một tác phẩm nào đó khỏi sân chơi chung. Nhưng, đây là liên hoan quốc tế. Nếu chọn vở ít tính thử nghiệm, không phù hợp với tiêu chí của liên hoan, chất lượng chưa như mong muốn sẽ khó thuyết phục được nghệ sĩ đồng nghiệp.

Nghệ thuật tuồng, chèo không có tác phẩm dự thi. Cải lương bị loại hết vì vở diễn không đạt yêu cầu. Đoàn Kịch nói CAND có 1 vở được chọn là “Cơn bão”. Đây là một tác phẩm có rất nhiều “đất” cho các nghệ sĩ thử nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật nhưng cũng là vở diễn rất khó của Shakespeare. Để đạt được tiêu chí của liên hoan, vở diễn đã phải chỉnh sửa rất nhiều so với ban đầu.

Với các vở diễn của nghệ sĩ thế giới, nhiều tác phẩm có những thử nghiệm sáng tạo nghệ thuật rất mới lạ, độc đáo nhưng không phù hợp thuần phong mỹ tục cũng bị loại…

Cũng theo NSND Lê Tiến Thọ, trong hoạt động nghệ thuật của Việt Nam hiện nay, người làm nghề rất cần và cần phải biết thế giới họ đang phát triển như thế nào. Liên hoan sân khấu lần này được tổ chức nhằm tạo sân chơi để giao lưu và trao đổi, học tập lẫn nhau, để thấy thế giới trong thị trường hiện nay, nghệ sĩ trên thế giới đã đưa nghệ thuật sân khấu phát triển đến đâu.

 Thực tế, qua các vở diễn gửi đến tham gia liên hoan cũng nhận thấy, sân khấu hiện nay đã không còn giống truyền thống, mà nó đã tạo ra nhiều hình thức phối hợp, đặc biệt là đưa điện tử vào sân khấu, vừa giản lược yếu tố con người, sân khấu cũng lung linh, huyền ảo, hiện đại hơn. Diễn viên cũng không còn là trung tâm nữa.

Sân khấu truyền thống ở châu Á cũng đã có ít đối thoại, lời thoại và dùng nhiều hơn hình ảnh, động tác để chuyển tải thông điệp, nội dung của tác phẩm đến với công chúng.

Những chương trình biểu diễn hoành tráng trên thế giới vẫn có nhưng những sân khấu để đi biểu diễn lưu động với quốc tế, họ giản lược đến mức tối đa về con người. Có những vở như Hamlet của Shakespeare, chỉ có 1 người diễn. Nhưng họ dùng các kỹ thuật phối hợp và vẫn chuyển tải được Hamlet trong vở diễn của mình.

Các nghệ sĩ thế giới có rất nhiều ý tưởng, thử nghiệm độc đáo, mới lạ, hiện đại hơn trong hành trình tiếp cận và chinh phục khán giả của mình.

Thông qua các vở diễn của nghệ sĩ các nước, hy vọng chúng ta tiếp cận, cập nhật được nhiều hơn đời sống sân khấu với rất nhiều thay đổi hiện nay để tự đổi mới mình, nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động nghệ thuật, để sân khấu nước nhà không tụt hậu quá xa so với thế giới.

Ngọc Nguyễn
.
.
.