Kho tư liệu khổng lồ và cầu nối thời gian
- An ninh T4 và ‘kho tư liệu vô giá’ trong ngày 30-4 lịch sử
- Nhân chứng thời khắc mở “kho” tư liệu quân báo Sài Gòn - Gia Định
- Công bố "kho" tư liệu đặc sắc về nghệ thuật Việt Nam thời Pháp thuộc
Thế nhưng, hiếm có nơi nào sở hữu số lượng lớn các tài liệu nghiên cứu lịch sử, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là các tài liệu chính thức đã giải mật của Chính phủ Hoa Kỳ về Chiến Tranh Việt Nam như Trung tâm Tư liệu của Chi nhánh Hà Nội - Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông.
Ngày 22-2, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Chi nhánh Hà Nội chính thức ra mắt.
Thực tế hiện nay, các bảo tàng lưu giữ kỷ vật chiến tranh tư nhân đều lưu giữ các hiện vật theo các nhóm kỷ vật quân đội trang bị cho bộ đội; kỷ vật là đồ dùng cá nhân do người lính sáng tạo để phục vụ cuộc sống sinh hoạt; kỷ vật là chiến lợi phẩm thu được của địch và kỷ vật người lính được tặng thưởng. Tuy nhiên, hiếm có nơi nào lưu giữ được những tài liệu, ấn phẩm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam như Trung tâm Tư liệu của Chi nhánh Hà Nội - Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông.
Hiện Trung tâm sở hữu trên 10.000 cuốn sách và hàng triệu loại tài liệu về cuộc chiến tranh Việt Nam của các cơ quan trọng yếu của Chính phủ Hoa Kỳ, cùng hàng ngàn bản đồ cổ về Việt Nam… Những tư liệu này được sưu tầm ở Hoa Kỳ, Pháp và một số nước Châu Á từ nhiều năm nay. Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông mà trực tiếp là Chi nhánh của Viện ở Hà Nội và Tạp chí của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông sẽ tập trung khai thác, nghiên cứu về lịch sử, cương thổ, về các cuộc chiến tranh Việt Nam và những vấn đề khác.
Sự phong phú của các nguồn tài liệu là điểm đặc sắc của Trung tâm. Phần lớn các tư liệu hiện có (chủ yếu viết bằng tiếng Anh) được thu thập từ các văn khố, các cơ quan chính phủ và tổ chức có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến tranh Việt Nam, giúp cho độc giả tiếp cận được các cái nhìn từ nhiều phía.
Toàn cảnh lễ ra mắt Chi nhánh Hà Nội của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. |
Bên cạnh các tư liệu về lịch sử chiến tranh Việt Nam, Trung tâm còn sưu tập và lưu trữ các ấn phẩm, phim ảnh, bản đồ, báo chí, vi phim v.v… liên quan đến Việt Nam nói chung, các ngành khoa học tổng quát khác (khoa học chính trị, lịch sử, địa lý, nhân học), nghiên cứu khu vực học (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, khu vực ASEAN…), các loại từ điển, tác phẩm văn học, hội họa,… bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và một số ngoại ngữ khác.
Có thể nói, đây là kho tư liệu khổng lồ và “độc nhất vô nhị” trong giới sưu tầm hiện nay. Một trong những điều đáng chú ý là khi sưu tầm các loại sách – tài liệu ở Hoa Kỳ, lãnh đạo Chi nhánh Hà Nội, Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông đã sưu tầm và đưa về nước nhiều hiện vật của bộ đội ta hy sinh ở chiến trường miền Nam, lính Mỹ đã lấy đưa về Mỹ làm kỷ vật của họ, gồm các loại quân trang, quân dụng, ảnh, sổ tay, nhật ký công tác, thư gửi gia đình…
Đặc biệt là lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cắm ở Cố đô Huế mà lính Mỹ đã lấy trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân năm 1968; và lá cờ chiến thắng của Sư đoàn 320 đã bị bom đạn phá nát một phần. Những hiện vật hiện đang được lưu giữ, trưng tại Trung tâm tư liệu của Viện là những kỷ vật vô giá mang ý nghĩa chính trị, tình cảm rất sâu sắc đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Từ những tư liệu này, bước đầu Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Chi nhánh Hà Nội đã cho xuất bản một số đầu sách và chuẩn bị xuất bản một số đầu sách có nội dung thông tin phong phú để cung cấp cho độc giả, như cuốn “Xung đột Biển Đông nhìn từ góc độ lịch sử và pháp lý”, cuốn sách “Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa”,… Trung tâm tư liệu này đã chuẩn bị tài liệu và thực hiện từ nhiều năm nay với sự hỗ trợ đầy trách nhiệm của những người bạn từ Mỹ, cũng như các cộng sự tại Việt Nam.
Ngày 22-2, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Chi nhánh Hà Nội chính thức được ra mắt, có trụ sở tại tầng 2, Tòa nhà Almaz Market, đường Hoa Phượng, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Với Trung tâm tư liệu khổng lồ cùng những hiện vật chiến tranh quý báu, Chi nhánh kỳ vọng trở thành địa chỉ đáng tin cậy với nhiệm vụ sưu tầm các tư liệu về lịch sử, chiến tranh, kinh tế, chính trị, xã hội, quan hệ quốc tế… của Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
Cũng sáng ngày 22-2, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức ra mắt Tạp chí Phương Đông – cơ quan ngôn luận của Viện. Tạp chí do Tiến sĩ, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an làm Tổng Biên tập, nhà báo Trần Mai Hạnh làm Phó Tổng Biên tập; nhà báo Nguyễn Như Phong làm Thư ký Toà soạn.
Tạp chí là diễn đàn khoa học trên các lĩnh vực liên quan đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt về chính trị, văn hóa, lịch sử, hoạt động kinh tế trong và ngoài nước, phản biện những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Đồng thời, đây cũng là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là cái nhìn xuyên suốt và đa chiều đối với các giá trị văn hóa Phương Đông nói chung và truyền thống, bản sắc văn hoá Việt Nam nói riêng. Tạp chí Phương Đông cũng là địa chỉ công bố các đề tài khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển đất nước.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - Giám đốc Chi nhánh, Tổng biên tập Tạp chí Phương Đông khẳng định: “Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội và Tạp chí khoa học của Viện Phương Đông hướng tới mục tiêu là một cơ sở nghiên cứu được tin cậy, mang lại những sản phẩm có giá trị khoa học góp phần hưng thịnh đất nước và phục vụ cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Các thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội và Tạp chí khoa học của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tuy mới được mời tham gia, nhưng đều là những nhà khoa học, học giả, luật sư, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà quản lý và các nhà báo có nhiều kinh nghiệm vô cùng tâm huyết muốn được cống hiến, đang cùng theo đuổi một triết lý: “Yêu nước, Cống hiến, và Văn hóa”; và dựa trên nền tảng chính trị định hướng xã hội chủ nghĩa cùng các quan điểm của Đảng và nhà nước ta, để tiếp cận cuộc sống đang diễn ra, khám phá sự thật, tiến đến sự thật của các mối liên quan tới từng cá nhân, từng nhóm người, từng cộng đồng, của nền chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao và an ninh quốc phòng; để đúc thành những câu chuyện chính thống, và sự thật phải được công nhận”.
Đồng thời, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cũng bày tỏ kỳ vọng sẽ hợp tác được với các viện, các cơ sở nghiên cứu chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước để trao đổi thông tin và chuyển tải tinh thần của đất nước, của dân tộc đến các bạn bè trên thế giới.