Khai mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc
Sau phần khai mạc là vở “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Được dàn dựng với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật, vở diễn đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong thời đại phong kiến… Bên cạnh đó, “Kiều” còn là bài ca ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người.
Do Ban Tổ chức không giới hạn đề tài nên đề tài tham dự Liên hoan năm nay rất phong phú và đa dạng, mang đến cho Liên hoan nhiều sắc màu. Nếu các đoàn phía Bắc mạnh về đề tài cách mạng, ca ngợi người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ như: “Tình đồng đội” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn – Thanh Hóa); “Bão tố Trường Sơn” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Bản tình ca viết dở” (Đoàn Kịch nói Nam Định)…thì các đơn vị phía Nam lại đi sâu vào khai thác đề tài gia đình, những mối quan hệ trong xã hội như: “Gương mặt kẻ khác” (Nhà hát 5B); “Mua chồng 30 vạn” (Công ty Sài Gòn phẳng)…
Năm nay, số lượng đơn vị sân khấu xã hội hóa tham dự vượt trội so với các kỳ trước, 22 đơn vị đăng ký tham gia thì có tới 13 đơn vị ngoài công lập.
Quy chế Chấm giải và Khen thưởng cũng có điểm mới, khi quy định tặng giải thưởng xuất sắc nhất cho 01 đạo diễn trẻ có tuổi đời không quá 35. Hiện nay, lực lượng đạo diễn thực sự xuất sắc đã khá lớn tuổi nên đây cũng là cách khuyến khích, tìm kiếm, ươm mầm những tài năng trẻ kịch nói.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2018 sẽ bế mạc vào tối 25-4 cùng lễ trao giải thưởng.