Hoạt động văn hóa nghệ thuật khó khăn vì... sáp nhập

Thứ Năm, 07/01/2021, 08:30
Thực hiện định hướng hợp nhất nhiều đơn vị sự nghiệp thành một đầu mối, tại nhiều địa phương, nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, triển lãm… cùng sáp nhập với trung tâm văn hóa. Việc tổ chức, sắp xếp các đơn vị công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả  là cần thiết. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, nhiều địa phương đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời.


Từ gần 2 năm trước, khi chủ trương sáp nhập các đoàn nghệ thuật vào Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh được triển khai ở nhiều địa phương, NSND Lê Tiến Thọ, thời điểm ấy còn là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nghiệp dư hóa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Ông cho rằng, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống đã khó khăn nhưng sau sáp nhập sẽ càng gặp khó khăn hơn.

Mới đây, tại cuộc thi tài năng trẻ sân khấu Chèo toàn quốc năm 2020, nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, trong có có nghệ thuật Chèo đã bày tỏ lo lắng, nghệ sĩ trẻ gắn bó với các bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn. Một trong các lý do là việc một số địa phương thực hiện việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống như là giải pháp tình thế nhằm tinh giảm biên chế và co cụm lực lượng chứ không phải sáp nhập để đầu tư quy mô.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - ông Lê Minh Tuấn cũng cho biết, có địa phương sáp nhập 3 đoàn gồm Chèo, Kịch nói, Cải lương thành một đoàn. Kinh phí cấp hàng năm chỉ đủ cho một loại hình nghệ thuật dựng vở. Nếu Chèo dựng vở, tiết mục thì năm đấy Cải lương và Kịch không được dựng hoặc ngược lại. Mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ đã thấp nhưng các khoản bồi dưỡng lại càng ít đi do không có nguồn thu... Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ trẻ.

Chí Phèo, Thị Nở trên sân khấu Chèo.

Thực tế, việc thực hiện sáp nhập một cách cơ học không chỉ khiến đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mới gặp khó khăn. Theo Cục Văn hóa cơ sở, hiện nay, việc sáp nhập nhiều đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ khác nhau như trung tâm văn hóa, đoàn nghệ thuật, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, triển lãm... dẫn đến nhiệm vụ chồng chéo, dư thừa nhân sự khó sắp xếp vị trí việc làm, chế độ, chính sách đãi ngộ, khó khăn trong công tác quản lý, lúng túng trong việc hướng dẫn, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy.

Tính đến tháng 12/2020, có 30 tỉnh sáp nhập trung tâm văn hóa, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng. 11 tỉnh sáp nhập trung tâm văn hóa, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, đoàn nghệ thuật. 8 tỉnh sáp nhập trung tâm văn hóa, đoàn nghệ thuật. Sau khi sáp nhập, tính chất công việc của cả hoạt động chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đều thay đổi.

Trong khi đó, quy định về nguồn kinh phí hoạt động, nội dung chi, cơ chế tài chính hiện đang nằm rải rác ở nhiều văn bản, nhiều mục chi chưa thống nhất, chỉ áp dụng trên cơ sở vận dụng gây khó khăn cho hoạt động. Về chế độ ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đặc thù đối với các diễn viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tuyên truyền lưu động trong và ngoài biên chế thuộc trung tâm văn hóa các cấp cũng có nhiều bất cập.

Mặc dù tất cả đều làm nhiệm vụ luyện tập, biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị như nhau nhưng lại hưởng mức bồi dưỡng tập luyện, bồi dưỡng biểu diễn khác nhau. Một số đối tượng như kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng, nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ được quy định ở văn bản này lại thiếu ở văn bản khác…

Từ thực trạng nói trên, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Cục Văn hóa cơ sở đã tham mưu và đề xuất xây dựng, ban hành một số thông tư, đề án. Tuy nhiên, để khắc phục các vấn đề bất cập thì vẫn cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về hoạt động của các thiết chế thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở, về nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới.

Hoa Nguyễn
.
.
.