Hoạt động Văn hóa - Nghệ thuật đặc biệt Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam

Thứ Ba, 27/10/2020, 13:07
Bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong toàn quốc đã phải hủy bỏ. Tuy nhiên, sau khi đã khống chế được dịch bệnh, các chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Lực lượng CAND Việt Nam đã diễn ra trong sự hân hoan, chào đón.


Đó là các chương trình âm nhạc đặc biệt “75 năm vinh quang Công an nhân dân Việt Nam” do Bộ Công an chỉ đạo tổ chức hai đêm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ IV đã diễn ra sôi động trong nửa tháng do các đoàn nghệ thuật ở khắp mọi miền tổ quốc tham gia (Liên hoan do Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức). 

Chương trình giao lưu nghệ thuật với tên gọi: “Hoa cài trên lá chắn” do Ban văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an thực hiện. Chương trình “Giai điệu tự hào” với chủ đề “Vì bình yên Tổ quốc” do Bộ Công an kết hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện. Đây thực sự là những bức tranh đa sắc màu về hình tượng người chiến sĩ CAND.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tặng hoa các nghệ sĩ tham gia chương trình. Ảnh: Chiến Thắng

Hào hùng “75 năm vinh quang Công an nhân dân Việt Nam”

Vào đêm 16 và 17/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 57 đường Phạm Hùng, Hà Nội đã diễn ra chương trình âm nhạc đặc biệt “75 năm vinh quang Công an  nhân dân Việt Nam”. Đây cũng là lần đầu tiên có một chương trình hòa nhạc - ca nhạc đặc biệt quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, với điểm nhấn là dòng nhạc hàn lâm.

Tham gia biểu diễn trong chương trình có trên 300 nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Nhà hát CAND và Đoàn Nghi lễ CAND. 

Chương trình gồm 18 tiết mục đặc sắc... Biểu diễn trong chương trình có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSƯT Đăng Dương, NSƯT Lan Anh, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Minh Lương, NSƯT Bùi Lệ Chi, Đào Tố Loan, Phạm Thu Hà, Trần Trang, Kim Long, Lê Tuân...

Đây là chương trình đặc biệt dành cho cán bộ, chiến sĩ  công an, gia đình, vợ con, người thân của các cán bộ chiến sĩ.

Tốp ca nữ Nhà hát CAND biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng ca khúc “Từ một ngã tư đường phố”. Ảnh: Chiến Thắng

Việc huy động 100% quân số của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật khác, cùng với sự hội tụ những tài năng âm nhạc đã thật sự mang đến cho khán phòng bầu không khí lắng đọng và cảm giác tươi mới, xúc động, đậm chất nghệ thuật hàn lâm. Chương trình nghệ thuật với những tiết mục đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi Tổ quốc và tôn vinh hình tượng người chiến sĩ CAND Việt Nam.

Vẫn những bài hát quen thuộc nhưng đã được hòa âm, phối khí lại, nâng lên một tầm cao mới để rồi vỡ òa trong cảm xúc thiêng liêng và hào hùng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây thực sự là một chương trình hoành tráng, âm nhạc đỉnh cao nhưng cũng rất gần gũi, đi vào tâm hồn mỗi người.

Dàn hợp xướng Nhà hát Giao hưởng Việt Nam cùng các đơn vị nghệ thuật, Nhà hát nhạc vũ kịch VIệt Nam, Học viện âm nhạc Quốc gia VIệt Nam trong phần chào mừng chương trình âm nhạc đặc biệt “75 năm vinh quang CAND VIệt Nam”.  Ảnh: Trọng Nghĩa.

Chương trình huy động được dàn âm thanh, ánh sáng cho dàn nhạc, cho hợp xướng một cách bài bản và chuyên nghiệp, một hệ thống mà ở Việt Nam không dễ huy động được.

Hình ảnh người chiến sĩ CAND Việt Nam luôn gắn liền với hình ảnh đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong suốt 3/4 thế kỷ đã được đặc tả qua nhiều tiết mục dàn dựng công phu. Những ca khúc ngợi ca Tổ quốc được cất lên của dàn đại hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Telsuji.

Những giai điệu Ngọt Ngào cất lên từ những nữ ca sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch VIệt Nam và Học viện âm nhạc Quốc gia VIệt Nam cùng dàn hợp xướng của Nhà hát nhạc giao hưởng VIệt Nam trong chương trình “75 năm vinh quang CAND Việt Nam”. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Những lời thơ của nhà thơ Tố Hữu đã thay tiếng lòng để hiệu triệu hàng triệu con tim hướng về Tổ quốc và Bác Hồ kính yêu. Trong chương trình, các nghệ sĩ đặc biệt tri ân những anh hùng liệt sĩ công an đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, mang lại bình yên cho từng góc đường con phố. Những ca khúc vang lên như nỗi lòng thổn thức của hàng triệu con tim hướng về Đảng, về Bác Hồ, về những người chiến sĩ công an đã và đang hằng ngày hằng giờ “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Chính tình cảm, sự cống hiến, tận tụy hy sinh của người chiến sĩ CAND đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những tác phẩm văn học - nghệ thuật qua các thời kì. Âm nhạc, lời thơ được chắt lọc và cất lên tại khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia khiến hàng nghìn khán giả vỡ òa trong cảm xúc. Có lẽ lâu lắm mới có buổi đại nhạc hội lớn, quy mô, kĩ lưỡng và hoành tráng lay động trái tim người đến thế. 

"Hoa cài lên lá chắn" - Dư âm không thể nào phai

Chương trình gặp gỡ, giao lưu với các khách mời là các đạo diễn điện ảnh và sân khấu, nhà văn, nhạc sĩ... xoay quanh chủ đề hình tượng người chiến sĩ CAND trong văn học nghệ thuật.

Giao lưu cùng các khách mời trong chương trình “Hoa cài trên lá chắn” về hình tượng tiêu biểu của người chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Giữa thời bình, nhưng để bảo vệ bình yên cho nhân dân, có những người chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh. Họ là tấm gương cao đẹp, là niềm tự hào cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau: “Mẹ thầm ước con mẹ trưởng thành, theo nghiệp của cha bảo vệ quê hương, mẹ mong cha yên nghỉ yên lành, để con tiếp bước, bên cha người chiến sĩ công an kiên cường” - những câu hát đã trở thành bất hủ.

Lực lượng Công an trong thời bình đã học tập và làm việc theo 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, 5 lời thề sắt son với Tổ quốc và 10 điều kỷ luật CAND cần nhớ. Cùng với rất nhiều đổi thay trong đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, hình tượng người chiến sĩ CAND trong thời bình qua các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng đã có những đổi thay cùng thời cuộc.

Hình ảnh người chiến sĩ CAND Việt Nam được đặc tả qua nhiều tiết mục dàn dựng công phu. Ảnh: phong sơn
Dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Honna Tetsuji. Ảnh: Phong Sơn

Trong những năm qua, các nhà văn đã tái hiện rõ nét về hình tượng người chiến sĩ công an thời bình thông qua các tác phẩm văn học. Nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký phản ánh đa dạng hình tượng người chiến sĩ CAND, đưa chủ đề văn học viết về hình tượng người chiến sĩ CAND thời bình có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của xã hội cũng như dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.

Hàng loạt phóng sự nêu bật những truyền thống giúp dân chống thiên tai bão lũ, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tham gia công tác phòng, chống đại dịch COVID-19... 

Và không thể không nói đến những chiến công của lực lượng Công an đã triệt phá được nhiều vụ án lớn, các loại tội phạm cờ bạc, buôn người, tội phạm lừa đảo công nghệ cao, tham nhũng... 

Ngoài ra, lực lượng Công an đã tiên phong trong sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. 

Mảng văn hóa nghệ thuật trong lực lượng được quan tâm, đầu tư và nâng cao chất lượng: Đội quân nhạc, kèn, trống, Nhà hát, Đoàn kịch Công an, Xưởng phim Công an, hệ thống báo chí công an được quan tâm và đầu tư hiệu quả.

Văn học nghệ thuật luôn là tấm gương phản ánh xã hội nên cũng cần phải có độ lùi của thời gian và chúng ta có quyền hy vọng trong một thời gian không xa, sẽ lại được đón nhận những tác phẩm xứng tầm viết về hình tượng người chiến sĩ CAND trong thời kỳ mới.

“Giai điệu tự hào” với chủ đề “Vì bình yên cuộc sống”

Nhiều ca khúc quen thuộc được cất lên trong giai điệu trầm bổng, thiết tha, đầy cảm xúc để dẫn dắt khán giả bước vào một không gian âm nhạc lôi cuốn như “Giai điệu Tổ quốc”, “Đêm thành phố đầy sao”, “Để gió cuốn đi”, “Từ một ngã tư đường phố”...

Tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao “Người công an thân yêu” - một trong những bài hát hiếm hoi được cố nhạc sĩ dành tặng cho lực lượng CAND được chuyển tải trong chương trình. Tham gia biểu diễn còn quy tụ nhiều ca sĩ nổi danh.

Một số hình ảnh trong chương trình “Giai điệu tự hào” tái hiện những trang sử hào hùng của CAND Việt Nam

Đặc biệt, một trong những chiến công vang dội nhất của lực lượng CAND là vụ án phố Ôn Như Hầu, đã được khắc họa lại dưới hình thức kịch nghệ thuật kèm phóng sự đan xen. Kể lại vụ án một cách mạch lạc, chi tiết nhưng cũng đầy kịch tính, tạo nhiều sự hồi hộp cho người xem là một trong những điểm nhấn lôi cuốn khán giả xem chương trình. 

Qua đó, người xem có thể nắm bắt được vụ án Ôn Như Hầu không chỉ là một vụ án đơn thuần mà còn là một chiến thắng hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước ta giai đoạn năm 1946 trước các thế lực phản cách mạng âm mưu lật đổ chính quyền.

Lắng đọng Liên hoan Sân khấu toàn quốc về Hình tượng Người chiến sĩ CAND

Trong bối cảnh sân khấu đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển, khi mà các phương tiện giải trí nghe nhìn công nghệ phát triển rầm rộ, bùng nổ như hiện nay, cùng với sự nỗ lực của những người làm sân khấu, lãnh đạo lực lượng Công an các cấp cũng đã có nhiều sự hỗ trợ để các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan có cái nhìn bao quát nhất về người chiến sĩ công an trên khắp các mặt trận với các mảng đề tài nóng hổi tính thời sự. 

Đến hẹn lại lên, cứ 5 năm một lần, trên sân khấu Thủ đô có dịp gặp gỡ, giao lưu các đơn vị nghệ thuật khắp từ Bắc chí Nam. Đây thực sự là những “bữa tiệc” ấm lòng người hâm mộ.

Một cảnh trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND.
Một cảnh xúc động trong vở “Yêu” của Nhà hát kịch Việt Nam.
Cảnh trong vở “Kẻ trộm” của Nhà hát kịch Hà Nội.

Tính đến nay đã 4 lần Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng người chiến sĩ CAND được tổ chức. Nếu như Liên hoan lần I năm 2005 có 18 đoàn nghệ thuật tham gia với 18 vở diễn; năm 2010 Liên hoan thu hút 17 đoàn với 17 tác phẩm; năm 2015 có 20 đoàn tham gia với 20 vở được dàn dựng thì đến Liên hoan lần này, con số đã tăng lên đáng kể với 27 đoàn nghệ thuật cùng 33 vở diễn. 

Và một điều đặc biệt hơn, kịch bản ở các kì trước cũng chỉ khai thác được một số lĩnh vực trong công tác của lực lượng Công an, chưa có nhiều vở diễn ca ngợi hình ảnh, hình tượng của người chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong nhiều lĩnh vực công tác khác nhau thì lần này, với 33 vở diễn, rất nhiều tình huống, chi tiết, cảnh huống được chắt lọc lại và truyền tải đến công chúng.

33 vở diễn là những câu chuyện giản dị, chân thực và xúc động nhất về các chiến sĩ tình báo, người chiến sĩ an ninh, hình ảnh của lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy, sự nỗ lực quyết tâm, hy sinh quên mình của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng cho đến các đồng chí quản giáo, giám thị trại giam, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra...

Có những hình tượng người chiến sĩ công an đi thẳng vào trái tim của khán giả. Cho dù có khó khăn và gian khổ đến đâu, người chiến sĩ CAND vẫn giữ vững phẩm chất tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Trần Mỹ Hiền
.
.