Hàng vạn du khách trảy hội Yên Tử, Quảng Ninh

Thứ Năm, 14/02/2019, 12:53
Ngày 14-2, tại khu di tích quốc gia Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2019 với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các Ban, ngành đoàn thể trung ương và địa phương, hàng nghìn khách du xuân Yên Tử sớm.

Phát biểu tại lễ khai hội, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, Trưởng ban chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức các lễ hội thành phố Uông Bí khẳng định: Danh sơn Yên Tử là địa linh, phúc địa của quốc gia, nơi gắn liền với sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông – vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược. Sau hai cuộc chiến lẫy lừng ấy, khi đất nước đã thanh bình, ngài đã tự nguyện dời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. 

Các đại biểu, tăng ni, phật tử dự lễ khai hội Xuân Yên Tử 2019.

Đến năm 1299  (năm Long Hưng thứ 7), cách đây đúng 720 năm vua Trần Nhân Tông chính thức lên Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng, Yên Tử là cái nôi sản sinh ra Thiền phái Trúc Lâm và vua Trần Nhân Tông chính là đức Phật của đất nước Việt Nam.

Lãnh đạo Quảng Ninh, Uông Bí và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đóng dấu khai ấn mùa lễ hội Yên Tử 2019.

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt, bởi nơi đây cha ông ta đã để lại di sản là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt, giữa một vùng đồi núi điệp trùng có thác đổ, suối reo, ẩn khuất trong rừng đại ngàn kỳ vĩ linh thiêng, tinh thần Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm vẫn còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc. 

Trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo, không chỉ dành riêng cho người xuất gia mà cả Tăng và tục vẫn có thể ngộ đạo. Với những giá trị tinh thần to lớn đó, ngày nay Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là nền tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà là của cả dân tộc.

Đông đảo Phật tử và người dân, du khách thành tâm hướng về Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Việc đưa vào sử dụng các công trình này đã góp phần đưa khu di tích Yên Tử lên một ngôi vị mới, tạo nét đặc sắc cho mùa lễ hội năm nay và những năm tiếp theo để nơi đây không chỉ là nơi du khách về thượng sơn chiêm bái Phật Hoàng mà còn là nơi cung cấp dịch vụ du lịch mang tầm cỡ quốc tế nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm cổ kính và hệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.

Lễ hội Yên Tử đã trở thành nét văn hóa truyền thống. Mỗi độ xuân về, khi vạn vật cỏ cây, sinh sôi nảy nở, khi cánh mai vàng Yên Tử lại khoe sắc, hàng vạn du khách lại trảy hội về với non thiêng Yên Tử. 

Trước vẻ đẹp huyền bí và giá trị tâm linh của khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, ngày nay du khách đến với Yên Tử không chỉ vào mùa lễ hội mà trải đều các mùa trong năm. Bốn mùa xuân hạ thu đông, Yên Tử đều mang trong mình nét đẹp riêng nhưng tựu trung trong đó là sự linh thiêng của đất Phật. Với lòng thành kính đất Phật Hoàng,lòng yêu nước sâu sắc của mỗi người con đất Việt, lễ hội Yên Tử hàng năm như một lời nhắc nhở các thế hệ con cháu, phải luôn nhớ về cội nguồn, biết trân quý những giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà tổ tiên để lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Dược, Phó trưởng ban quản lý quần thể di tích danh thắng Yên Tử cũng cho biết, để chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019, tư cuối tháng 12, UBND thành phố Uông Bí đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho các đơn vị và mỗi đơn vị phải chủ động xây dựng kế hoạch riêng. Ngay từ trước Tết, tất cả cơ sở vật chất đã phải triển khai từ bảng biển hướng dẫn, bến bãi nâng cấp, kẻ vẽ luồng tuyến làm sao để du khách thuận lợi nhất. Các đơn vị đã mở tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, phun trùng khử độc tại khu vực trung tâm và các nhà hàng. Từ 28 Tết, 70% quân số của công an thành phố đã triển khai lực lượng từ trước giao thừa. 

Ban quản lý là đơn vị thường trực của Ban tổ chức lễ hội, đôn đốc các đơn vị triển khai theo đúng phương án của mình. Ngoài ra ban quản lý làm công tác tuyên truyền, trang điểm cờ phướn sao cho lễ hội rực rỡ nhất, hướng dẫn du khách vào chùa đốt hương hóa sớ ở đâu, thực hiện văn minh trong lễ hội. 

Tại các điểm di tích đều thu băng tuyên truyền giới thiệu về di tích và hướng dẫn du khách. Đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng, khu di tích đón trên 20 vạn lượt khách. Riêng đêm trước ngày khai hội chính, có vài ngàn khách tham quan. Ban quản lý cáp treo chỉ phục vụ khách vào đêm mùng 9 này. Dự kiến, từ nay đến hết ngày 1-5, khu di tích sẽ phục vụ khoảng 1,5 triệu lượt khách.

Ngọc Nguyễn- Phong Sơn
.
.
.