Độc đáo con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân

Chủ Nhật, 23/02/2020, 08:01
Một bãi rác dài khoảng 500 mét nằm cạnh bờ sông Hồng, đoạn từ cầu Long Biên đến cầu Chương Dương, thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vốn là nơi chẳng ai muốn đặt chân tới, bỗng trở thành không gian sáng tạo văn hóa độc đáo, đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.


Không gian này được mang tên Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân thuộc dự án Cải tạo và nâng cấp bờ lở sông Hồng do UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện, trước hết nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực.

Trên nền bức tường được xây dựng ngăn giữa khu vực nhà dân và hành lang ven sông, 16 tác phẩm nghệ thuật của 16 nghệ sĩ được thiết kế với nhiều chất liệu khác nhau làm thay đổi diện mạo cho con đường. Trong số này có 2 tác phẩm của 2 nghệ sĩ đến từ Australia và Tây Ban Nha là anh George Burchett và Diego Cortiza. Anh George Burchett có bố là phóng viên chiến trường từng gắn bó với chiến trường Việt Nam và đã gặp nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam. Còn anh Diego Cortiza đã gắn bó với Hà Nội hơn 20 năm, rất am hiểu về văn hóa Hà Nội.

Các nghệ sĩ trong nước đa phần là những người quen thuộc như: Nguyễn Thế Sơn, Lê Đăng Ninh, Nguyễn Hoài Giang, Nguyễn Xuân Lam, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Hậu Yên Thế, Vũ Xuân Đông…

Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân kể câu chuyện về văn hóa, lịch sử của vùng đất Phúc Tân, về sông Hồng và rộng hơn nữa là về Thăng Long - Hà Nội. Đáng nói, nhiều tác phẩm được thiết kế từ những vật dụng tái chế như vỏ chai, lốp xe, thùng phuy, bu gà… vừa thân thiện môi trường, vừa tạo sự khác biệt và độc đáo. Trong đó, nghệ sĩ Phạm Khắc Quang đã hàn những thanh sắt cũ dựng  thành hình ảnh toa tàu, trên đó có hình ảnh của cố nghệ sĩ ưu tú hát xẩm Hà Thị Cầu.

Từ sắt phế thải và inox gương, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn mang đến tác phẩm sắp đặt hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu phục dựng lại bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp nổi tiếng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Còn nghệ sĩ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy để sắp đặt tác phẩm nhà nổi tái hiện lại cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng.

Dự án đã làm thay đổi bộ mặt con đường ven bờ sông Hồng. Ảnh: CTV.

Nghệ sĩ Vũ Xuân Đông đã dùng hơn 10.000 chai nhựa là chai nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng... tạo thành 4 chiếc thuyền buồm tái hiện hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hàng trăm năm.

Sau một thời gian dài trăn trở phác thảo hình hài không gian nghệ thuật, lên maket, bảo vệ ý tưởng, tìm cộng sự, từ cuối tháng 12-2019, các nghệ sĩ bắt tay vào thực hiện. Gần hai tháng sau, con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân đã hình thành và nhận được sự ủng hộ rất cao của người dân trong khu vực.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hội đồng giám tuyển của dự án cho biết, con đường nghệ thuật ven sông Hồng không đơn thuần chỉ là nơi sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật, mà còn hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh khu vực này trong việc bảo vệ môi trường. Bởi vậy, trước khi thực hiện dự án, các nghệ sĩ đã có buổi họp cùng người dân để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của họ.

Ngày 18-2, các nghệ sĩ bắt đầu bàn giao các tác phẩm nghệ thuật cho UBND quận Hoàn Kiếm để tiến hành triển khai những công việc tiếp theo. 

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trước mắt dự án nhằm cải thiện môi trường khu vực ven sông Hồng. Thời gian tới, trên cơ sở hiệu quả của dự án, quận sẽ có những phương án tiếp theo.

Hà Nội hiện đang hình thành nhiều không gian sáng tạo văn hóa, trong đó quận Hoàn Kiếm với các không gian tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ phố cổ Hà Nội, không gian bích họa Phùng Hưng và hiện là không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân…

Từ khi Hà Nội được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, việc hình thành các không gian sáng tạo văn hóa là một trong những hành động hiện thực hóa cam kết của Hà Nội khi tham gia mạng lưới.

PV
.
.
.