Tu bổ di tích Hải Vân Quan dự tính 39 tỷ đồng
- Công bố thêm nhiều dấu tích kiến trúc cổ tại Hải Vân Quang
- Phát hiện dấu tích quan trọng khi khai quật di tích Hải Vân Quan
- Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế chung tay bảo tồn Di tích Hải Vân Quan
Hội thảo có sự tham dự của TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL cùng đại diện các đơn vị liên quan và nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Di tích Hải Vân Quan thuộc địa bàn thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Từ khi được xây dựng hoàn chỉnh vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) đến nay, Hải Vân Quan trải qua gần 200 năm tồn tại và chịu nhiều ảnh hưởng của các biến cố lịch sử lẫn tác động thiên nhiên khắc nghiệt dẫn đến xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục công trình kiến trúc.
Nhiều công trình, kiến trúc tại di tích Hải Vân Quan đang bị xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo kịp thời. |
Ngày 14-4-2017, Hải Vân Quan được Bộ VHTT&DL xếp hạng là di tích Quốc gia. Đặc biệt mới đây, qua công tác thám sát và khai quật khảo cổ học tại di tích Hải Vân Quan với diện tích gần 900m2 tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của Hải Vân Quan thời Nguyễn như bậc cấp, lối đi của 2 cổng, hệ thống tường thành cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố.
Ngoài ra, quá trình khai quật cũng phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.
Bậc cấp bằng đá, móng cổng phát lộ tại hố thám sát khảo cổ di tích Hải Vân Quan. |
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, dựa trên các kết quả nghiên cứu, thám sát và khai quật khảo cổ học, đơn vị và Sở VH&TT TP Đà Nẵng đề xuất 2 phương án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Quốc gia Hải Vân Quan.
Theo đó, phương án 1 sẽ phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng I bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường thiên lý đi về phía Huế và đường dốc về phía Đà Nẵng vào thời nhà Nguyễn; bảo tồn các công trình nằm giữa ranh giới vùng bảo vệ I và II của di tích.
Cụ thể, sẽ tu bổ cửa Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan theo dấu tích nguyên gốc; gia cố chống nứt, chống thấm cho các khối xây; phục hồi lan can, hệ thống cửa ván và các tường thành nhà Nguyễn bằng đá hộc; phục hồi nhà Trú Sở và Vũ Khố 3 gian; phục hồi 200m tuyến đường Thiên Lý và tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan… với tổng kinh phí dự kiến hơn 39 tỷ đồng.
Hội thảo “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” được tổ chức vào chiều 17-9 thu hút đông đảo sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. |
Riêng phương án 2 sẽ bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975, đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất với kinh phí khoảng 23,2 tỷ đồng.
Qua phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan, phần lớn các chuyên gia, nhà nghiên cứu thống nhất phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân Quan theo phương án 1 được đưa ra. Đồng thời kiến nghị bảo vệ nguyên gốc các công trình kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan.