Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế chung tay bảo tồn Di tích Hải Vân Quan

Chủ Nhật, 28/05/2017, 07:41
Di tích Hải Vân Quan vừa được Bộ VH,TT&DL trao bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia, đã thể hiện sự nỗ lực “giải cứu” di tích đặc biệt quan trọng này của TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử di tích thì vẫn còn là bài toán khó, cần sự chung tay và phối hợp chặt chẽ từ hai địa phương trên và các cơ quan chức năng...

Hải Vân Quan được xây dựng trên đỉnh núi Hải Vân, nằm giữa địa giới TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế là một cụm di tích lịch sử về kiến trúc quân sự của triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1826, dưới thời vua Minh Mạng.

Theo sách Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Nhất Thống Chí, ghi lại: “Từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam, nay là Đà Nẵng”.

Được xây dựng trên núi Hải Vân, ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công. Nơi đây được nhiều nhà quân sự đánh giá có vị trí hết sức quan trọng trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Di tích Hải Vân Quan thu hút đông đảo du khách tham quan.

Sau khi xây dựng Hải Vân Quan, triều đình nhà Nguyễn đã “phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đến đóng giữ.

Vua Minh Mạng cũng đã đề trước cổng quay về phía Thừa Thiên-Huế 3 chữ: Hải Vân Quan và mặt quay về phía Đà Nẵng 6 chữ: Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, để khắc ghi vẻ đẹp hùng vĩ của cửa ải này.

Tuy nhiên, sau hơn 190 năm tồn tại và trải qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt, nhiều công trình tại Hải Vân Quan đã bị xuống cấp nghiêm trọng; nhất là chưa được quan tâm, bảo tồn đúng mức.

Đặc biệt, do bị bỏ hoang lâu năm và thiếu đơn vị quản lý nên thời gian qua đã xảy ra tình trạng nhiều du khách kéo đến di tích tham quan, chụp ảnh lưu niệm, ăn uống, viết bậy lên tường di tích, xả rác bừa bãi, gây nhếch nhác cảnh quan nơi đây...

Đứng trước thực trạng Hải Vân Quan ngày một xuống cấp nghiêm trọng, bị bỏ hoang trong lãng phí, vào cuối năm 2016, ngành Văn hóa của TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cùng ký biên bản ghi nhớ để thực hiện các bước trùng tu di tích.

Hai địa phương đều nhìn nhận rằng, Hải Vân Quan không những là di tích lịch sử quan trọng của hai tỉnh mà còn là của cả nước nên đã thống nhất đưa ra các giải pháp “giải cứu” Hải Vân Quan, mà đầu tiên đó là việc cùng làm chung bộ hồ sơ để trình Bộ VH,TT&DL.

Rồi niềm vui cũng đến với chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế, đó là vào ngày 24-5 vừa qua, hai địa phương đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia Hải Vân Quan.

Tại buổi lễ này, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã yêu cầu hai địa phương: TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế khẩn trương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác giới thiệu tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và nghiên cứu giá trị của di tích.

Theo đó, gấp rút thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích Hải Vân Quan gắn với việc phát triển du lịch. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để bảo tồn di tích, đơn vị sẽ xin ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để di dời, loại bỏ các hạng mục công trình không liên quan đến các yếu tố gốc của Hải Vân Quan, như các lô cốt cũ, chòi gác, nền móng công trình dân sinh...

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết thêm, hiện cả 2 địa phương đã thống nhất giao cho Trung tâm phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng dự án quy hoạch tổng thể để bảo tồn di tích Hải Vân Quan.

Dự án này được chia làm nhiều giai đoạn, trong đó đầu tiên sẽ tiến hành thám sát khảo cổ học để tìm ra công trình nguyên gốc của di tích. Sau đó tổ chức lấy ý kiến để triệt giải, loại bỏ các công trình không liên quan.

Tiếp đến sẽ tiến hành phục hồi 2 cửa vòm, bảo quản bờ thành, làm lại bậc cấp từ chân đèo lên cửa ải Hải Vân và hệ thống lối đi trong di tích, tôn tạo cảnh quan để tạo sức hấp dẫn cho di tích nhằm thu hút du khách…

Bên cạnh đó, xây dựng quy chế quản lý bảo tồn, khai thác di tích Hải Vân Quan. Sau khi có cơ chế này thì hai địa phương sẽ thống nhất kêu gọi Nhà nước đầu tư hoặc xã hội hóa để khai thác, phát huy giá trị di tích đúng với quy chế ban hành.

Trung tâm dự kiến sẽ chi khoảng 500 triệu đồng để thực hiện trùng tu một số hạng mục cấp thiết để bảo vệ di tích Hải Vân Quan. Trong quá trình triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích thì hai địa phương sẽ bắt tay phối hợp thực hiện đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất…

Anh Khoa
.
.
.