Dấu ấn tài năng trẻ trong chương trình “Âm vang chiến công”
- Chương trình "Âm vang chiến công": Chia sẻ yêu thương, ấm tình đồng đội
- "Âm vang chiến công": Khúc hát ngợi ca người chiến sĩ
Đây cũng là một trong số ít chương trình nghệ thuật mà ê kip thực hiện dành khá nhiều “đất” cho nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng trước công chúng.
Giải vàng Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương “trình làng”
Chiều 16-8, Phan Trung Kiên, giọng ca vàng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chính thức khép lại hành trình chinh phục ban giám khảo Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Arts Festival 2017). Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên nhằm tìm kiếm tài năng, khuyến khích, động viên và tôn vinh các nghệ sĩ trẻ của các nước châu Á có nhiều công sức, tâm huyết đối với nghệ thuật ở các thể loại như: độc tấu, song tấu, hòa tấu dàn nhạc, hợp xướng, nhóm nhạc, dance – múa – hiphop, nhạc cụ - hát.
Liên hoan cũng được coi là một sân chơi bổ ích để các tài năng nghệ thuật giao lưu, tranh tài và học tập kinh nghiệm, đồng thời giúp gắn kết thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa các nước trong khu vực.
Giọng ca trẻ Phan Trung Kiên sẽ là “chỉ huy” chính của dàn hợp xướng, tốp ca nam, nữ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trong đêm nhạc. |
Năm 2017, liên hoan thu hút đông đảo thí sinh đến từ các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines. Phan Trung Kiên là một trong số các gương mặt của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tham gia dự thi lần này. Sau 3 ngày tranh tài tại Hong Kong, Trung Kiên đã xuất sắc giành giải vàng của ban tổ chức.
Trung Kiên trở về Việt Nam trong vòng tay đón chào và “một rừng” những lời chúc của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Thế nhưng, giọng ca trẻ này chưa thể tự thưởng cho mình một thời gian nghỉ ngơi xứng đáng vì phải bắt tay ngay cho việc chuẩn bị các tiết mục biểu diễn trong đêm nhạc “Âm vang chiến công”.
Trong chương trình này, Trung Kiên đảm nhận phần công việc khá lớn. Ngoài vai trò ca sĩ biểu diễn cùng tốp ca nam trong ca khúc “Giữ trọn lời thề” (thơ: Phan Gia Liên, phổ nhạc: nhạc sĩ Trương Hùng), anh còn là người phụ trách các tiết mục của top ca nữ và dàn hợp xướng, hát bè cho nhiều tiết mục của các thầy, cô trong trường. Số tiết mục mà Kiên và các thành viên trong đội tham gia biểu diễn chiếm gần 1/4 tổng số lượng ca khúc được giới thiệu trong chương trình.
Ý thức vai trò của mình, ngay từ khi nhận lời tham gia, anh đã lên kế hoạch, tuyển chọn thành viên trong mỗi tổ và hướng dẫn tập luyện cho từng người, từng nhóm. Ngay khoảng thời gian dự thi Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương, Trung Kiên vẫn tranh thủ kiểm tra, đôn đốc các thành viên trong đội của mình.
Tài năng của chủ nhân giải vàng trong Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2017, những nỗ lực của anh cùng đồng nghiệp trẻ trong quá trình chuẩn bị cho chương trình “Âm vang chiến công” sẽ được chuyển tải đến khán giả cả nước trong đêm 18-8.
Thầy – trò cùng tỏa sáng
Theo kế hoạch dự kiến, trong chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công”, Phan Trung Kiên và các thành viên trong đội của anh sẽ tham gia 4 tiết mục: “Từ một ngã tư đường phố” (tốp ca nữ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và nhóm múa), “Giữ trọn lời thề” (tốp ca nam Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), “Người chiến sĩ ấy” (hợp xướng cùng ca sĩ Trần Hồng Nhung – giải nhì Sao Mai năm 2009) và “Tổ quốc gọi tên mình” (hợp xướng cùng NSƯT Quốc Hưng).
Đây cũng là lần đầu tiên nhiều thành viên trong đội của Kiên xuất hiện trong chương trình nghệ thuật do một đơn vị của lực lượng Công an tổ chức và có nhiều khán giả là các cán bộ chiến sĩ Công an nên tất cả đều hồi hộp và lo lắng. Tuy nhiên, sau quá trình tập luyện rất kỹ càng và kinh nghiệm từ sự phối hợp rất thành công trong nhiều chương trình biểu diễn trước đó, các giọng ca trẻ này đã khá tự tin trong việc chinh phục khán giả của đêm nhạc sắp tới.
Nhắc đến Phan Trung Kiên, NSƯT Quốc Hưng bày tỏ sự tự hào và quan tâm đặc biệt. Anh cho biết, Trung Kiên đang là sinh viên năm thứ 5 của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và một giọng nam trầm khá hiếm. Ngoài thành tích học tập và giải thưởng tại một số cuộc thi, Trung Kiên là người có kinh nghiệm tổ chức khá nhiều tiết mục trong nhiều chương trình nghệ thuật khác của nhà trường cũng như một số đơn vị tổ chức biểu diễn khác. Vì vậy, anh rất yên tâm khi “giao việc cho học trò”. Anh cũng xác định, các chương trình như “Âm vang chiến công” sẽ là một trong những cơ hội rất tốt để học trò thể hiện tài năng, tỏa sáng trên sân khấu…
Ngoài những tiết mục biểu diễn chung với các giọng ca trẻ do chính các giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đào tạo, trong chương trình lần này, các nghệ sĩ là giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam còn chuyển đến khán giả nhiều ca khúc khác.
Giảng viên trẻ Lan Anh – một trong số các gương mặt đã khẳng định vị trí vững vàng trong lòng công chúng, đặc biệt là dòng nhạc cổ điển và truyền thống cách mạng sẽ “góp mặt” với 2 ca khúc: Khát vọng (sáng tác: Nhạc sĩ Trương Minh Tuấn) và “Tình ca Tây Bắc” (thơ: Cẩm Giang, phổ nhạc: Bùi Đức Hạnh). Trong đó, ca khúc “Tình ca Tây Bắc”, nữ ca sĩ sẽ “diện” trang phục dân tộc, còn NSƯT Quốc Hưng sẽ nghiêm ngắn, khỏe khoắn trong bộ lễ phục Công an. Màn song ca của 2 nghệ sĩ lão luyện được kỳ vọng sẽ đưa người xem đắm chìm với vùng đất Tây Bắc hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng của Tổ quốc…
Nghệ sĩ Lan Anh, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam – gương mặt đã rất thành công trong dòng nhạc truyền thống cách mạng. |
Được biết, hầu hết các nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong chương trình “Âm vang chiến công” đều đã, đang được đào tạo một cách bài bản tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Các giọng ca chính đều là những ca sĩ đã thành danh trong nghề nên rất bận rộn. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đều cho biết, khi ban tổ chức ngỏ lời mời, họ đều cố gắng sắp xếp mọi công việc để tham gia chương trình.
Ai cũng xác định, biểu diễn trong đêm nhạc do Báo CAND tổ chức, hát về người chiến sĩ công an trong ngày kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống lực lượng CAND chính là món quà vui nhất, quý nhất mà người nghệ sĩ gửi tặng các cán bộ chiến sĩ công an dịp này.